Những phản ứng có thể gặp sau tiêm ngừa COVID-19

26/06/2021 - 06:38

PNO - Sau khi tiêm ngừa COVID-19 có thể gặp những phản ứng nào? Ai cần thận trọng khi tiêm chủng?... Để làm rõ những thắc mắc của người dân trước chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử phòng chống COVID-19, phóng viên đã trao đổi với giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Có ba loại phản ứng sau khi tiêm vắc-xin

Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm ngừa COVID-19 cho khoảng 70-80% dân số. Rất nhiều người dân bày tỏ sự băn khoăn, nhiều nhất vẫn là những phản ứng bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng là gì...

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Kính: Có ba loại phản ứng sau tiêm hay còn gọi là biến cố sau tiêm chủng: thứ nhất là phản ứng sau tiêm thông thường, thứ hai là phản ứng sau tiêm nặng, nghiêm trọng hơn và thứ ba là phản vệ. 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Kính
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Kính

Cụ thể, phản ứng thông thường sau tiêm có thể gồm các biểu hiện như đau, tê ở vị trí tiêm. Thời gian đau tại vị trí tiêm tùy mức độ, có thể từ 30 phút tới 2-3 ngày. Ngoài ra, người tiêm có thể bị sốt. Đây là biểu hiện tốt, thể hiện sự tương tác của cơ thể với vắc xin. Tuy nhiên, nếu bị sốt trên 38 độ C thì cần uống thuốc hạ sốt.

Người tiêm còn có thể bị nhức đầu, phát ban toàn thân, một số trường hợp còn có thể tiêu chảy sau tiêm.

Nguyên nhân do vắc xin AstraZeneca sử dụng vector là virus Adeno bất hoạt, chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus gây bệnh COVID-19 có tên Spike hay S.protein. Khi đưa vào cơ thể, các tế bào miễn dịch trong máu nhận diện S.protein là “kẻ xâm nhập”, điều này kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch, giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống COVID-19.

Về phản ứng bất lợi sau tiêm nặng và nghiêm trọng hơn, sau tiêm vắc xin AstraZeneca có tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu, thường xuất hiện vào ngày thứ 7 và 21 sau tiêm, chủ yếu gặp ở phụ nữ dưới 50 tuổi. Cần lưu ý, tỷ lệ này là 4-8 phần triệu, rất hiếm.

Tuy nhiên, trong hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng của Bộ Y tế, chúng tôi cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể: những người trong vòng ba tuần sau tiêm nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu dai dẳng, uống thuốc không đỡ hay đau tức vùng ngực dai dẳng hoặc đau chân, đi cà nhắc thì có nguy cơ mắc bệnh huyết khối, phải hết sức lưu ý.

Về phản ứng phản vệ sau tiêm, có bốn mức độ khác nhau. Nhẹ nhất, bệnh nhân khó chịu, xuất hiện phát ban trên da. Đây là độ 1. Ở độ 2, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở. Ở độ 3, bệnh nhân bắt đầu trụy mạch, tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp kịch phát. Do đó, người có tiền sử tăng huyết áp, nếu tiêm ngừa COVID-19, phải vào bệnh viện, nếu không sẽ có nguy cơ vỡ mạch. Nặng nhất, ở độ 4, bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim.

* Làm thế nào để hạn chế tối đa các phản ứng bất lợi sau tiêm, đặc biệt là tình trạng bệnh nhân có thể phản vệ ở mức độ nặng, thậm chí ngừng thở, ngừng tim dẫn tới tử vong, thưa ông?

- Trong hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng của Bộ Y tế mới ban hành, chúng tôi đã nêu rất rõ các phương án để hạn chế tối đa những biến cố sau tiêm chủng.

Nói hạn chế tối đa là bởi chúng ta không thể khẳng định không có trường hợp tai biến nào, nhưng nếu sàng lọc tốt sẽ giảm được rất nhiều. Hướng dẫn này quy định cụ thể đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin, đối tượng thận trọng khi tiêm vắc xin và đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng đã yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn. Tại điểm tiêm chủng phải có hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế tối thiểu. Đặc biệt, luôn phải có sẵn bơm kim tiêm chứa Adrenalin (thuốc chống phản vệ) 1mg/1ml để tiêm ngay vào đùi nếu người tiêm có biểu hiện xây xẩm mặt mày.

Không đợi tới khi có biểu hiện rõ ràng rồi mới lấy thuốc bởi càng sớm phút nào càng hạn chế được diễn biến nặng do sốc phản vệ gây ra.

Bệnh nhân ung thư vẫn có thể tiêm chủng

* Ông có thể nói rõ hơn về những đối tượng trì hoãn, cần phải thận trọng và chống chỉ định trong tiêm chủng vắc xin COVID-19? Bệnh nhân ung thư có thể tiêm ngừa hay không?

- Nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng là những người có tiền sử dị ứng, người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như huyết áp cao/thấp, SpO2 thấp...

Nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính, sốt hoặc mạn tính đang tiến triển và chưa kiểm soát được; người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Vắc xin COVID-19 chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Như vậy, bệnh nhân ung thư vẫn có thể tiêm chủng, trừ những trường hợp trì hoãn đã nêu trên.

Không nên quá lo lắng, trì hoãn việc tiêm chủng, bởi khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được khám sàng lọc - ẢNH: TAM NGUYÊN
Không nên quá lo lắng, trì hoãn việc tiêm chủng, bởi khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được khám sàng lọc - Ảnh: Tam Nguyên

* Làm sao để biết liệu mình có dị ứng với thành phần của vắc xin?

- Đối với vắc xin COVID-19, ngoài lõi của nó là chất tạo ra kháng thể thì có các tá dược như nhôm, L-Histidine... Rất may, thành phần ấy gần như tương tự với các thành phần tá dược trong các vắc xin khác thường dùng. Nên trước đó, nếu có dị ứng, phản ứng khi tiêm các vắc xin khác thì cần phải lưu ý. Hoặc những người tiêm lần đầu có phản ứng, phản vệ thì có thể không tiêm mũi thứ hai.

* Một số người có tiền sử dị ứng với một số thực phẩm, thuốc kháng sinh tỏ ra lo lắng và cho rằng họ không thể tiêm vắc xin COVID-19 bởi dễ phản ứng, phản vệ. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Những người này vẫn hoàn toàn có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, họ thuộc nhóm thận trọng khi tiêm chủng, bắt buộc phải tiêm ở các bệnh viện có điều kiện cấp cứu, hồi sức. Khi vào bệnh viện, người tiêm sẽ được đo huyết áp, chuẩn bị chống sốc. Nếu xảy ra tình trạng phát ban, dị ứng, xây xẩm mặt mày có thể được tiêm ngay Adrenalin hoặc sử dụng thêm thuốc kháng histamine đặc hiệu. 

Không nên quá lo lắng, trì hoãn việc tiêm chủng bởi khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được khám sàng lọc. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và phân loại nhóm đối tượng để có quyết định tiêm chủng. 

* Xin ông lý giải, vì sao vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, chưa có chỉ định cho người trên 65 tuổi nhưng chúng ta vẫn quyết định sẽ tiêm ngừa cho đối tượng này? Liệu có đảm bảo an toàn?

- Ban đầu, chúng tôi chưa thấy nhiều dữ liệu của nhà sản xuất, nhưng sau khi chiến dịch tiêm chủng được thực hiện ở châu Âu, châu Mỹ, người ta thấy rằng, những người cao tuổi có nguy cơ mắc và diễn biến nặng nhiều nhất, nguy cơ tử vong cao nhất nên họ vẫn tổ chức tiêm cho nhóm đối tượng đó.

Trước kia, do khẩn cấp đưa vào sử dụng nên chưa đủ điều kiện để kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba cho nhóm người trên 65 tuổi, nhưng hiện nay mọi việc đã hoàn tất và hoàn toàn có thể tiêm chủng.

Dù vậy, những người trên 65 tuổi cũng thuộc nhóm thận trọng tiêm chủng và phải tiêm tại cơ sở y tế, bởi hầu hết những người này đều có các bệnh nền (huyết áp, tiểu đường...) nên phải sàng lọc và theo dõi chặt chẽ. 

Hai mũi tiêm vắc xin COVID-19 phải cùng loại

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được tiêm hai mũi, cách nhau 8-12 tuần. Đặc biệt, phải tiêm đủ hai liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19. Nghĩa là, nếu như mũi đầu tiên được tiêm là vắc xin AstraZeneca thì mũi thứ hai bắt buộc phải sử dụng vắc xin này chứ không được thay thế bằng loại khác.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI