Những người trẻ được “hồi sinh” từ kỹ thuật ECMO

28/05/2020 - 07:00

PNO - Khi lá phổi, trái tim đã quá mệt mỏi, từ chối tất cả thuốc hỗ trợ, thì kỹ thuật ECMO sẽ giúp kéo dài lằn ranh sinh - tử để bác sĩ và bệnh nhân có thêm thời gian chiến đấu với tử thần. Như trường hợp bệnh nhân thứ 91 mắc COVID-19 chẳng hạn.

ECMO - vòng quay của sự sống

Hơn 65 ngày bệnh nhân thứ 91 (nam, 43 tuổi, quốc tịch Anh, phi công Vietnam Airlines) mắc COVID-19 được bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị, có những giai đoạn tưởng chừng không qua khỏi với hai lá phổi đông đặc, nhiễm trùng, rối loạn đông máu… Phần lớn thời gian bác sĩ phải “gửi” bệnh nhân cho máy ECMO (máy hỗ trợ tim, phổi nhân tạo) “bảo vệ” để chiến đấu giành giật từng hơi thở cho ông.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái khi mắc suy tim phải chạy ECMO điều trị - ảnh: Hiếu Nguyễn
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái khi mắc suy tim phải chạy ECMO điều trị - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Không nói quá khi cho rằng ECMO là vòng quay của sự sống, mà trong vòng quay đó, người bệnh có thể hy vọng sẽ được khỏi bệnh. Nhiều thân nhân bệnh nhân không biết ECMO là gì. Chỉ thấy dòng máu đỏ chạy từ từ vòng quanh, nghe tiếng tít tít khắc khoải, họ vẫn cảm nhận được, chiến đấu với tử thần là một cuộc chiến quá nhiều sợ hãi, bởi người nằm đó, chỉ cần một giây ngắn ngủi, lập tức sẽ ra đi.

Như chị P.T.Đ. (46 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang), mắt sưng mọng do nhiều đêm liền thức trắng, do những giọt nước mắt cứ chực rơi xuống khi nghe loáng thoáng có người nhắc đến ECMO. Người thân của chị đang nằm trong đó, hôn mê, lặng lẽ. Chị Đ. nói: “Tôi chỉ nghĩ em tôi bị cảm chứ không mắc bệnh nặng như vậy. Ban đầu, bác sĩ nói tim nó suy nhanh nhưng tôi không tin, nó khỏe lắm, chưa bao giờ mắc bệnh cả. Nhưng đang nói thì nó hôn mê. Bác sĩ nói chạy ECMO rất tốn kém, tôi không có tiền định xin về nhưng ông ấy nói chữa trị trước, vì chạy ECMO em tôi có thể sống”. 

Chị Đ. vừa nói, vừa nhìn về phía cửa kính, nơi người thân đang chờ đợi vòng xoay của sự sống xoay một vòng thật lớn để cho bác sĩ thêm chút thời gian. Chị Đ. tin vào phép mầu của ECMO, bởi chiếc máy này đã nhiều lần mang lại sự kỳ diệu khi các bệnh nhân ở Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt tỉnh dậy.

Thật vậy, ba năm trước, chị P.T.B.L. (21 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị ong đốt gây sốc phản vệ, mệt mỏi, thở khó, gia đình đưa đến bệnh viện gần đó, bác sĩ tiên lượng chị bị nhiễm độc rất nặng, suy tim, phổi, tổn thương đa cơ quan… và chuyển ngay chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này, cô gái vừa bước sang tuổi 18 chỉ còn cách thế giới bên kia bằng chiếc cầu mong manh, nhịp cầu được tính bằng phút bởi trên đường đi, chị L. đã hôn mê. Có lẽ, sợ hãi nhất chính là mẹ của chị, người phải ra quyết định xin cho chị về khi bác sĩ nói chị cần chạy ECMO gấp mới có cơ hội sống, và mỗi ngày phải trả phí hàng chục triệu đồng.

Chị L. nhớ lại: “Mẹ xin cho tôi về, bởi dù tôi được cứu sống, bán hết tài sản gia đình tôi cũng không đủ trả chi phí dù chỉ một phần. Nhưng bác sĩ nói không được đưa về, cứu người trước, chi phí tính sau”. Được sống bởi sự từ tâm của các bác sĩ, chị L. cũng không quên những người chia sẻ với mình trong giai đoạn khó khăn. Không biết hết có những ai, cô gái trẻ chọn cách giúp các hoàn cảnh khó khăn để trả ơn người, ơn đời.

Là bác sĩ “được trải nghiệm” máy ECMO mấy năm trước, bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn (H.Hóc Môn, TP.HCM) mới thấm thía được sự lo lắng, sợ hãi, bất lực và gần như không còn biết gì nữa của bệnh nhân thứ 91 mắc COVID-19, cũng như những bệnh nhân đang từng ngày đối mặt với tử thần.

Theo bác sĩ Thái, năm 2017, khi đang khám cho bệnh nhân, anh bị ho nhiều. Sau khi ho, các cơn khó thở kéo đến, khi quá mệt mỏi anh nhờ đồng nghiệp trực thay và đi khám bệnh. Bác sĩ cùng bệnh viện phát hiện anh bị suy tim cấp khá nặng. Ngay lập tức, bác sĩ Thái được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. “Lúc đó, tôi vẫn còn tỉnh, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho tôi biết cần chạy ECMO mới có thể chữa được và cần tôi cho quyết định. Nghe đồng nghiệp nói chạy ECMO, tôi liền chuẩn bị tinh thần, được can thiệp ECMO nghĩa là đã bước một chân qua cửa tử”. 

Bác sĩ Thái nhớ lại: “Tôi đã gọi cho em trai và mấy người bạn thân để nói những lời sau cùng. Sau đó, tôi định từ chối điều trị, bởi chi phí chạy ECMO lúc đó có thể lên đến cả trăm triệu đồng mỗi ngày. Nhưng vừa chớm lo lắng viện phí, tôi bị rơi vào hôn mê, cho tới khi tỉnh dậy, các bác sĩ cười nói tôi còn sống. Lúc mở mắt, cảm giác rất kỳ diệu. Thì ra, khi tôi vừa ngất, các bác sĩ đã lao vào cứu tôi, mặc dù gia đình nói đã bất lực trước chi phí. Ban đầu bác sĩ cùng nhau hỗ trợ tôi rất nhiều, sau đó cộng đồng biết được, đã chung tay giúp đỡ”.

ECMO kỳ diệu, tình người càng kỳ diệu hơn

Khi bệnh nhân 91 đang dần bước sang những ngày thứ 70, nhất là lúc ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị, phương án ghép phổi được đề ra, rất nhiều ý kiến cả trong giới chuyên môn đã rất nghi ngờ, bởi tình trạng sức khỏe bệnh nhân lúc tiến triển thuận lợi, khi gặp nhiều khó khăn bởi nhiễm trùng, tràn khí màng phổi… Nhưng không ai có thể phủ nhận sự kiên trì của bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cũng như bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy “ứng biến hỏa tốc” trong phương pháp điều trị, giành giật với tử thần từng hơi thở cho bệnh nhân. Dù cho đến nay, người thân của bệnh nhân 91 chưa xuất hiện, và dù chi phí khổng lồ chạy ECMO hơn 60 ngày liên tục.

Hôm nay, ECMO vẫn cần mẫn xoay, kéo dài thời gian để các bác sĩ tiếp tục cứu người. Một khi ngưng ECMO, sự sống của bệnh nhân 91 sẽ thật sự dừng lại. ECMO có thật sự kỳ diệu đến thế? Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, phương pháp ECMO hay được gọi là hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể, còn được các bác sĩ gọi bằng một thuật ngữ vui nhưng rất có ý nghĩa đó là “vòng xoay của sự sống“. Bởi máy ECMO gần như là biện pháp điều trị cuối cùng duy trì sự sống cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh cấp tính. Những căn bệnh mà trước đây đều làm cho bệnh nhân tử vong, do bệnh lý diễn tiến nhanh và quá nặng.

“Đa số bệnh nhân phải chạy ECMO là những người mắc bệnh lý cấp tính, ví dụ một sản phụ bị viêm phổi do cảm cúm, người trẻ bị tai nạn giập phổi… không ai có thể ngờ họ đang nói chuyện đó lại rơi vào hôn mê ngay, nếu không có ECMO thì tuổi xuân họ sẽ dừng lại tức khắc. Bởi lúc này, mọi biện pháp hỗ trợ tim, phổi cho bệnh nhân đã vô hiệu. Chiếc máy như cầu nối sự sống khi giúp bác sĩ có thêm thời gian tìm ra nguyên nhân bệnh và điều trị. Nhiều bệnh nhân đã hồi sinh ngoạn mục, trở về với gia đình trong gang tấc”, bác sĩ Duy nói. 

Còn với tiến sĩ - bác sĩ Trương Dương Tiễn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai máy ECMO với bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. Có thể chính vì vậy, bác sĩ Tiễn không thể nào quên một trong những bệnh nhân rất trẻ của mình được sống lại nhờ ECMO.

Bác sĩ Tiễn xúc động kể: “Đó là một công nhân trẻ ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhân nhập viện với tình trạng sốc phản vệ rất nặng do trước đó bị cảm sốt, tự mua thuốc uống. Khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân gần như đã tử vong. Được phân tích phải chạy ECMO ngay mới có thể cứu sống bệnh nhân, nhưng chi phí rất tốn kém, người cha dáng vẻ khắc khổ nói sẽ bán nhà, bán đất để cứu con. May mắn, sau bốn ngày chạy ECMO, bệnh nhân phục hồi thần kỳ, chính các bác sĩ lúc đó cũng không thể tin nổi”.

Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là bệnh viện tuyến cuối, nên rất nhiều bệnh nhân nặng được đưa đến. Ngoài chạy đua với thời gian, giành mạng sống cho người bệnh, thì áp lực quá tải, áp lực chi phí điều trị, cả về áp lực trên chính sức khỏe, tinh thần của mỗi bác sĩ càng nhiều hơn. Nhưng quyết định điều trị hay không khi bệnh nhân không có khả năng chi trả, không chỉ là nỗi lo, mà còn là thử thách với các bác sĩ. Trong khoảnh khắc mong manh, hầu hết bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều được ban lãnh đạo “ra lệnh” cứu người trước, viện phí tính sau. ECMO đã là sự kỳ diệu, tình người bên bờ vực sinh - tử càng kỳ diệu hơn.

Sẽ còn bao nhiêu trái tim phải ngừng đập, bao nhiêu ước mơ phải ngừng lại chỉ vì quá nghèo hay những ánh mắt sưng đỏ, những cái mím môi bật máu, cái nắm tay thật chặt để xin cho người thân về nhà trong sự bế tắc. Bệnh nhân sẽ được cứu sống, ước mơ sẽ thành hiện thực nếu chúng ta tin tưởng vào bác sĩ, sẵn sàng sẻ chia với mọi người. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI