Những người mẹ “vàng” tại đấu trường Olympic

06/08/2021 - 07:45

PNO - Kiên định và giàu nghị lực, một thế hệ những người mẹ trẻ tài năng không ngừng khẳng định mình tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

Tháng ba vừa qua, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 (TOC) thông báo rằng, Thế vận hội năm nay sẽ là “kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử đề cao sự bình đẳng giới”.

Thế vận hội năm nay là “kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử đề cao sự bình đẳng giới” - ẢNH: AP
Thế vận hội năm nay là “kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử đề cao sự bình đẳng giới” - Ảnh: AP

Phân biệt đối xử về giới trong thể thao là vấn đề gây tranh cãi từ lâu. Suốt nhiều thế kỷ, nam giới thống trị những môn thể thao phổ biến trên toàn cầu. Thế nhưng gần đây, nhờ công cuộc vận động từ các tổ chức uy tín, tiêu biểu như Ủy ban Thể thao Phụ nữ thuộc IOC, vị thế của phái đẹp trong môi trường thể thao đang không ngừng được mở rộng và củng cố. 

Nét trọng tâm của trào lưu nữ quyền kể trên chính là sự gia tăng số lượng nữ vận động viên (VĐV) thành danh tại Thế vận hội. Điều này sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy thế hệ tương lai tiếp tục khẳng định tài năng ở sân chơi thể thao hàng đầu thế giới. Dẫu vậy, không ít rào cản định kiến vẫn còn tồn tại, đặc biệt nhắm vào những VĐV đang đồng thời gánh vác thiên chức làm mẹ.

Vượt lên chướng ngại 

Những “người mẹ thể thao” bắt đầu chứng minh bản lĩnh nơi đấu trường Olympic, kể từ giải đấu mùa hè ở Paris năm 1900 - Thế vận hội đầu tiên phụ nữ được góp mặt. Tuy nhiên, sự kiện diễn ra tại Tokyo năm nay cho thấy hàng rào định kiến giới vẫn là thứ không dễ vượt qua với VĐV nữ, nhất là các bà mẹ trẻ. 

“Tôi muốn nhắn gửi đến tất cả những bà mẹ cũng đang cố gắng chu toàn nghĩa vụ gia đình lẫn công việc xã hội, nhất là những nữ vận động viên từng đối diện chướng ngại như tôi rằng đây quả là sự kiện đáng nhớ với chúng ta” - Boucher chia sẻ trên đài CBC, sau khi được phép mang theo con nhỏ đến Tokyo thi đấu - ẢNH: CBC
“Tôi muốn nhắn gửi đến tất cả những bà mẹ cũng đang cố gắng chu toàn nghĩa vụ gia đình lẫn công việc xã hội, nhất là những nữ vận động viên từng đối diện chướng ngại như tôi rằng đây quả là sự kiện đáng nhớ với chúng ta” - Boucher chia sẻ trên đài CBC, sau khi được phép mang theo con nhỏ đến Tokyo thi đấu - Ảnh: CBC

Tháng 6/2021, tuyển thủ bóng rổ người Canada Kim Boucher đã thông qua mạng xã hội đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết. Boucher hy vọng có thể được phép mang theo con gái ba tháng tuổi, hiện rất cần cô chăm sóc, đến Tokyo trong đợt hội quân thi đấu của đội nhà. Ban đầu, ban tổ chức không đồng ý, với lý do dịch bệnh. Khi đoạn video kêu gọi hỗ trợ tạo hiệu ứng lan tỏa, truyền thông quốc tế cùng lên tiếng đứng về phía nữ VĐV. TOC sau đó đã phải thay đổi quyết định.

Trong phát biểu gửi đến Đài Truyền hình CBC (Canada), TOC lý giải: “Ở những giải đấu trước, chưa có tiền lệ cho phép trẻ em lưu trú tại làng VĐV. Thế nhưng, chúng tôi hiểu có thể phát sinh một vài trường hợp đặc biệt, cụ thể ở đây liên quan đến trẻ sơ sinh”.

 

Nữ vận động viên điền kinh 35 tuổi Allyson Felix nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng khi quay lại sân chơi Olympic năm nay  - ẢNH: CBS SPORTS
Nữ vận động viên điền kinh 35 tuổi Allyson Felix nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng khi quay lại sân chơi Olympic năm nay - Ảnh: CBS SPORTS

Nhờ tư duy “đổi chiều” từ phía ban tổ chức giải, Boucher đã được cùng con gái tham dự Thế vận hội Tokyo.  

Tương tự, đồng hương của Boucher, nữ võ sĩ Mandy Bujold, đã vượt lên rào cản định kiến về giới bằng nỗ lực kiên định. Năm 2018, không lâu sau khi sinh con gái đầu lòng, Bujold hăng hái trở lại tập luyện với ước muốn góp mặt tại sự kiện Olympic tiếp theo trong sự nghiệp. Dù vậy, kế hoạch của cô gặp phải trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua. Đối với việc xét duyệt tiêu chuẩn VĐV, theo quy định, IOC căn cứ vào thứ hạng đạt được ở ba giải đấu gần nhất Bujold vốn không thể tham gia vì bấy giờ đang mang thai.

Không chùn bước, nữ võ sĩ đã kiện lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) và nhận được phán quyết thỏa đáng. Theo CAS, trong quá trình xét duyệt cho giải đấu ban tổ chức cần linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ những nữ VĐV đang mang thai hoặc vừa sinh con.

Tiếp nối các giá trị đẹp

Nhìn vào làn sóng đấu tranh của những người mẹ trong làng thể thao đương đại, trường hợp tạo dấu ấn mạnh mẽ là Allyson Felix - VĐV chạy nước rút người Mỹ từng sáu lần giành huy chương vàng ở bốn kỳ Olympic cùng vô số chiến thắng danh giá khác. Felix đã có thể rút lui với khối giải thưởng ngoạn mục ở bộ môn điền kinh, khi mang thai năm 2019. 

Tuy nhiên, cô vẫn muốn tiếp tục chạy. Lần này, Felix quay trở lại Tokyo cho giải đấu Olympic thứ năm của cô và là sự kiện đầu tiên cô tham dự từ khi làm mẹ. 

Là nhà vận động vì nhân quyền lẫn nữ quyền bên ngoài đường đua, Felix đang buộc nhiều tập đoàn lớn trong ngành thể thao nghiêm túc xem xét lại cách thức hỗ trợ những nữ VĐV trước và sau khi họ sinh con.

Hãng Nike, nhà tài trợ lâu năm cho Felix, từng gây phẫn nộ do thể hiện thái độ đối đãi có phần thiếu công bằng với nhiều VĐV kiêm cả vai trò làm mẹ như cô. Dưới sức ép chỉ trích tăng dần từ công luận, tháng 8/2019, Nike tuyên bố áp dụng chính sách thai sản mới dành cho các VĐV thể thao được tài trợ. Theo đó, thời gian một nữ VĐV được hưởng lương kèm tiền thưởng trong giai đoạn nghỉ thai sản sẽ nâng lên 18 tháng thay vì 12 tháng như trước đây.

Helen Glover thuộc Đội tuyển Đua thuyền Olympic Anh vừa lập được một kỳ tích khác. Tháng trước, cô chính thức là người mẹ gốc Anh đầu tiên thi đấu tại Thế vận hội cho môn đua thuyền, ở một trong những đội tuyển quốc gia có tiềm lực và đông đảo bậc nhất xứ sở sương mù. Điểm đáng nhớ về câu chuyện của Glover nằm ở cách nữ VĐV luôn vững vàng đấu tranh để tìm thấy nguồn khích lệ, giúp đỡ thiết thực khi cần. 

Tháo gỡ dần định kiến 

Thế hệ phụ nữ trẻ giàu nghị lực đang không ngừng đương đầu, chống lại tư duy bảo thủ cho rằng VĐV nữ nên chọn cách “nghỉ ngơi, tạm gác sự nghiệp” khi đã làm mẹ. Nhiều người trong số họ tiếp tục bền bỉ theo đuổi giấc mơ thể thao, từ đó phản ánh tinh thần tranh đấu đáng ca ngợi.

 

Helen Glover (trái) tranh tài cùng đồng đội ở Olympic Tokyo. Tại giải đấu năm nay, cô chia sẻ “sẽ nỗ lực mang về huy chương” dành tặng gia đình và ba con nhỏ  - ẢNH: Nippon
Helen Glover (trái) tranh tài cùng đồng đội ở Olympic Tokyo. Tại giải đấu năm nay, cô chia sẻ “sẽ nỗ lực mang về huy chương” dành tặng gia đình và ba con nhỏ - Ảnh: Nippon

Giữa lúc chúng ta ghi nhận ngày một rõ nét dấu ấn nữ quyền trong môi trường thể thao chuyên nghiệp, hiểu biết chung về tác động của việc rèn luyện thể dục thể thao đối với phụ nữ khi mang thai cũng trở nên sâu rộng hơn.

Tài liệu Hướng dẫn các hoạt động thể chất cho phụ nữ trong thai kỳ được biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia từ Canada, đăng tải trên tập san y khoa British Medical Journal năm 2019 đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích và sự an toàn của thể dục thể thao đối với người mẹ lẫn thai nhi. Nội dung tài liệu chỉ rõ: Tập luyện vừa sức, đúng cách giúp giảm thiểu một số biến chứng khi mang thai như tình trạng tiền sản giật hay tiểu đường. Về lâu dài, hoạt động thể chất còn góp phần cải thiện sức khỏe sản phụ, đảm bảo tiến trình sinh nở thuận lợi.

Với giới VĐV chuyên nghiệp, một số nghiên cứu mới đây lần nữa khẳng định mức độ an toàn của việc tham gia luyện tập thể thao khi mang thai. Nữ VĐV cũng trải qua thai kỳ và vượt cạn bình thường như những phụ nữ chỉ hoạt động thể chất nhằm giữ gìn sức khỏe.

Khi có hướng nhìn nhận tích cực, thấu đáo về phương diện sức khỏe, rất nhiều nữ VĐV đã đảm đương tốt vai trò làm mẹ lẫn mục tiêu phát triển sự nghiệp. 

Như Ý (theo The Conversation)   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI