Những người mẹ thầm lặng bảo vệ thế hệ tương lai trước nguy cơ phóng xạ

13/08/2023 - 06:44

PNO - Nhiều năm qua, một tổ chức phi lợi nhuận tại tỉnh Fukushima, miền trung Nhật Bản, đã liên tục kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ trong nước biển và các sinh vật biển. Công việc của họ mang ý nghĩa rất lớn người dân địa phương, nhất là khi chính phủ Nhật chuẩn bị xả nước nhiễm phóng xạ ra Thái Bình Dương.

Tổ chức hoạt động vì môi trường với 13 thành viên. Phần lớn trong số họ là những người mẹ đang sinh sống tại Fukushima, không có kinh nghiệm về đo đạc phóng xạ như các nhà khoa học thực thụ. 

Những nữ khoa học gia nghiệp dư

“Nếu không thu thập đầy đủ dữ liệu ngay từ bây giờ, chúng tôi không thể dự đoán chắc chắn hệ quả tiêu cực có xảy ra không, sau khi nhà máy hạt nhân thải nước ra biển” - một thành viên của tổ chức này chia sẻ. 

"Phòng thí nghiệm hạt nhân của những người mẹ" còn có tên là "Tarachine". Theo các thành viên trong tổ chức nghiên cứu đặt trụ sở tại Iwaki (thành phố lớn nhất tỉnh Fukushima), tên Tarachine được lấy cảm hứng từ tập thơ cổ nhất Nhật Bản, Manyoshu. Từ này mô tả về “người mẹ”, hay “một người sẵn sàng đấu tranh bảo vệ con cái”.

Tarachine ra đời vào tháng 11/2011, 8 tháng sau thảm họa hạt nhân gây ra bởi chuỗi thiên tai động đất - sóng thần kinh hoàng tàn phá bờ biển đông bắc nước Nhật hồi tháng 3 cùng năm.   

Ban đầu, nhóm nữ khoa học gia nghiệp dư kiểm tra các loại rau củ quả trồng tại vườn nhà, gạo và cả đất được một số người dân mang đến, xuất phát từ lo ngại nông sản trong vùng có thể bị ô nhiễm phóng xạ.

Noriko Tanaka đang làm việc trong phòng thí nghiệm đo lường phóng xạ của Tarachine.
Noriko Tanaka đang làm việc trong phòng thí nghiệm đo lường phóng xạ của Tarachine

Sau thời gian nghiên cứu - đo lường, Tarachine tìm ra hàng loạt “điểm nóng” với mức độ phóng xạ cao đáng ngại ở vài công viên trong thành phố. Họ thông báo đến chính quyền tỉnh để khử nhiễm, làm sạch môi trường.  

Ngân sách hoạt động của Tarachine, khoảng 100 triệu yen (hơn 16,5 tỉ đồng), hầu hết đến từ các quỹ quyên góp.

Noriko Tanaka, 44 tuổi, người phụ trách công việc phân tích - đo lường ở Tarachine, trước kia là thợ làm bánh ngọt. Cô học hỏi kỹ thuật đo lường bằng cách thường xuyên lui tới các phòng thí nghiệm phân tích phóng xạ và tiếp thu ý kiến từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

“Tôi chỉ là một người mẹ bình thường. Khi không thể phân tích chính xác, tôi kiên trì đặt câu hỏi với những nhà khoa học cho đến khi tôi hiểu ra vấn đề” - Tanaka chia sẻ. Gia nhập Tarachine từ năm 2018, cô từng gặp không ít khó khăn với những chủ đề nghiên cứu phức tạp. Tuy nhiên nỗ lực học tập nghiêm túc của Tanaka cuối cùng đã được đền bù xứng đáng. Hiện tại, kỹ năng phân tích mẫu và đo đạc chỉ số phóng xạ của cô đã tiến bộ rõ rệt, đến trình độ có thể sánh ngang một nhân viên tại phòng thí nghiệm chuyên nghiệp.    

Vì thế hệ tương lai

Sau thảm họa hạt nhân, tiệm bánh ngọt của Tanaka buộc phải tạm thời đóng cửa, khiến cô mất việc. Bấy giờ, cô đang mang thai và luôn lo sợ nên ăn gì để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con. “Tôi từng lo ngại về tình trạng ô nhiễm phóng xạ. Tôi còn không dám cho con ra ngoài dạo chơi thường xuyên” - cô nói.

Thế nhưng giờ đây, nhờ học tập kỹ năng đo lường phóng xạ, Tanaka có thể chủ động kiểm tra – nhận diện các loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ nhiễm phóng xạ cao, chẳng hạn như nấm.

“Chúng tôi làm công việc phân tích và công bố dữ liệu phóng xạ vì muốn giúp đỡ những người mẹ khác. Chúng tôi hy vọng, dựa vào các số liệu chi tiết, họ sẽ có thêm thông tin tham khảo hữu ích để không còn lo âu về nguy cơ phóng xạ, an tâm chăm sóc con cái” - Tanaka bày tỏ.

Các bể chứa khổng lồ chuyên trữ nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Số 1 Fukushima.
Các bể chứa khổng lồ chuyên trữ nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima

Từ năm 2015, Tarachine bắt đầu lấy mẫu nước biển và cá biển để đo lường chỉ số phóng xạ quanh vùng biển ngoài khơi nhà máy hạt nhân số 1 của Fukushima. Công tác lấy mẫu, kiểm tra diễn ra 2-4 lần mỗi năm. Đến nay, trong môi trường tự nhiên, nhóm đo đạc chưa tìm thấy dấu vết của triti - chất phóng xạ phổ biến ở các nhà máy điện hạt nhân. Trên lý thuyết, rất khó loại trừ triti hoàn toàn khỏi nước thải, do nó gần như tương đồng về mặt cấu trúc hóa học với nước thông thường. Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị điều hành nhà máy tại Fukushima, đang ứng dụng một hệ thống xử lý chất lỏng tân tiến nhằm loại bỏ hạt nhân phóng xạ. Phát hiện của Tarachine, vì lẽ đó, có thể khiến dư luận địa phương tạm thời yên tâm.

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế nhận định: thiết bị xử lý nước thải ở nhà máy hạt nhân Fukushima phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, chính phủ nước này sẽ không thay đổi kế hoạch xả nước thải ra biển vào hè năm nay.

Tarachine đã nhận lời mời phỏng vấn từ báo chí Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh và một số kênh truyền thông quốc tế khác, liên quan đến thời điểm thải nước nhiễm phóng xạ. Các quốc gia láng giềng của Nhật Bản đều đang tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng từ sự kiện này, đặc biệt đối với hệ sinh thái trong khu vực.

“Biển không có biên giới vật lý ngăn cách, thế nên việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý không chỉ là vấn đề của riêng Fukushima. Vì lợi ích chung, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra đối chiếu kết quả đo lường phóng xạ từ phía chuyên viên chính phủ và TEPCO” - Ai Kimura, 44 tuổi, tổng thư ký của Tarachine - phát biểu.

Như Ý (theo JapanTimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI