"Những người hàng xóm": Kể chuyện tình yêu trên thế gian

11/01/2023 - 07:31

PNO - Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rời khỏi phạm vi làng quê với những câu chuyện tuổi thơ, tuổi học trò để vượt biên giới đến với những con người ở đất nước Bỉ và kể về tình yêu…

Bắt đầu một cuốn sách bằng cách nào?”

Năm nào nhà văn của tuổi thơ cũng có hẹn với độc giả bằng một tác phẩm mới. Tuy nhiên, khác với tất cả các tác phẩm trước, Những người hàng xóm là một cuộc khai phá khác của ông về đề tài, bối cảnh… Nhân vật chính trong tác phẩm lần này là Rémy - một chàng trai Bỉ có vợ Việt Nam - hiện đang chờ xin việc mới và trong thời gian đó, anh muốn viết một cuốn sách.

“Bắt đầu một cuốn sách bằng cách nào?” là câu hỏi mà Rémy đặt cho cha vợ - một nhà văn - và nhận được câu trả lời: bằng cách ngồi vào bàn, nhìn ra cửa sổ và nhìn vào bên trong ngôi nhà của mình. Từ khung cửa sổ, Rémy đã thấy bà Dorothé cắt cỏ trong vườn nhà có “những khóm hoa tím rất đẹp do bà tự tay trồng”, vườn nhà ông Simon có nhiều hoa tulip, xa xa là những thảm cỏ xanh, cánh đồng khoai tây mới trồng và những cánh quạt gió, còn có “cúc dại vàng và bồ công anh trắng”… Một khung cảnh như bức tranh bình yên và nhiều màu sắc được vẽ ra trên trang chữ, cho người đọc hình dung về một ngôi nhà ấm áp cùng những người hàng xóm tử tế, giàu lòng yêu thương.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có “cuộc làm mới” trang viết của mình với tác phẩm Những người hàng xóm
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có “cuộc làm mới” trang viết của mình với tác phẩm Những người hàng xóm

Cứ thế, câu chuyện dẫn dắt quanh cuộc đời của bà Dorothé, số phận của ông Simon và người họa sĩ già Jakob, cùng doanh nhân Arnaud, vợ chồng Ruben và Kim… Một không gian rất “Tây” trong trang viết của nhà văn xứ Quảng, với những hàng bạch dương, những bữa sáng bằng bánh croissant và sữa ca cao; trang trại ngựa và cây sồi già có con chim ác là đứng chờ nghe tiếng đàn phong cầm…

Nguyễn Nhật Ánh viết Những người hàng xóm trong những ngày ông sang Bỉ thăm con. Sự thay đổi làm tăng cảm hứng sáng tác cho nhà văn nhưng ông cũng thừa nhận, khi các nhân vật đều là người nước ngoài đồng nghĩa rằng các câu văn, thoại đều rất ngắn. Nhân vật và tác giả không có chung ký ức, bối cảnh sống, những kỷ niệm và vì vậy, người đọc cũng sẽ được tiếp cận câu chuyện ở góc độ cảm nhận mới mẻ hơn.

“Dù viết về thế giới tuổi thơ, thế giới loài vật hay thế giới phù thủy và bây giờ là những người nước ngoài, mối quan tâm thường trực của tôi vẫn là khám phá vẻ đẹp của tâm hồn. Viết một cuốn sách đối với tôi cũng giống như bào chế vitamin cho tâm hồn mình. Tôi hy vọng khi bạn đọc đón nhận và tìm thấy sự đồng cảm, các bạn cũng sẽ được tiếp thêm năng lượng tích cực của cuộc sống” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

“Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Đôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy. Nếu trái tim con đập vì con người, thậm chí đập vì một con chim, con sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ”.

(Trích Những người hàng xóm)

Mở cửa sổ để nhìn thấy…

Ông cha vợ là nhân vật đặc biệt thú vị trong tác phẩm Những người hàng xóm. Dù không xuất hiện nhiều, bóng dáng ông vẫn hiện diện xuyên suốt trong những lời kể, tâm tưởng của nhân vật chính. Quan trọng hơn, ông cha vợ trong sách cho độc giả liên tưởng đến chính nhà văn.

“Năm lên 6 tuổi, vợ tôi đã thấy ông ngồi hàng giờ bên chiếc bàn rộng, gõ lốc cốc lên bàn phím của chiếc máy đánh chữ một cách say sưa. Thỉnh thoảng ông ngừng tay, đưa mắt nhìn ra khóm cây bên ngoài. Có lúc ông ngẩn ngơ cả tiếng đồng hồ, sau này vợ tôi mới biết ông đang tìm ý tưởng đâu đó ngoài kia, có thể từ những cánh chim hoặc từ những cụm mây trắng bay ngang” - trích một đoạn viết của nhân vật Rémy.

Ông cha vợ ấy dạy con rể cách để bắt đầu viết một cuốn sách, dạy con cách nhìn ngắm và hiểu thấu con người, cuộc đời. Nhìn ra cửa sổ để thấy thiên nhiên, vạn vật; nhìn vào bên trong để cảm nhận ấm áp dưới mái nhà, suy niệm về cuộc đời mình, đời người…

Những người hàng xóm viết về những nhân vật người lớn, ở một đất nước xa xôi nhưng lại nhen lên trong lòng người đọc một cảm giác thân thuộc như khi đọc các tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh: niềm vui bình yên. Sự tử tế trong cách đối đãi giữa người và người, sự kết nối chia sẻ giữa người và vật cùng với góc nhìn hài hước, nhẹ nhàng thi vị nhưng không kém phần sâu sắc của nhà văn đã mang đến những trang viết dung dị nhưng lấp lánh yêu thương.

Những người hàng xóm được in bìa cứng và bìa mềm, với 80.000 bản
Những người hàng xóm được in bìa cứng và bìa mềm, với 80.000 bản

Những người hàng xóm của Rémy có riêng số phận và nỗi buồn của họ. Nhưng số phận và nỗi buồn ấy lại đẹp như tiếng đàn phong cầm từ ngôi nhà của ông Simon, như những bức tranh mà người họa sĩ già Jakob vẽ để tưởng nhớ người vợ quá cố, như tình yêu nở muộn của cô gái khiếm thính, như sự chờ đợi trong cô độc mà đầy yêu thương của con chim ác là…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm tình, viết về điều tốt đẹp trước hết là cách giúp ông tự soi mình, vì trong cuộc sống này, chúng ta không có ai là hoàn thiện. Ông chọn viết về những vẻ đẹp giản dị hằng hữu trong cuộc sống của mỗi người. Ông thậm chí viết về cái chết, về tuổi già, chia ly và cả những khiếm khuyết cũng bằng góc nhìn tích cực, nhẹ nhàng nhất.

Những người hàng xóm như kể câu chuyện về tình yêu trên thế gian, cho dù người sống ở bất kỳ đâu thì vẻ đẹp ấy vẫn luôn tồn tại. Vẻ đẹp bất biến của sự sống mà muốn được nhìn thấy, đôi khi chúng ta không thể nhìn bằng mắt.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI