Những lý do khiến Mỹ khó trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga

14/03/2021 - 12:34

PNO - Chính quyền của Tổng thống Biden dường như đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (NS2) của Nga, nhưng áp tực từ phía Đức - đối tác của Moscow trong dự án đường ống dẫn khí gây nhiều tranh cãi - và sức ép đòi trừng phạt Nga của các nghị sĩ Cộng hòa, đặc biệt là thượng nghị sĩ Ted Cruz, đã đẩy Washington vào tình thế mắc kẹt.

Công nhân thi công đường ống dẫn khí đốt Nga – Đức Dòng chảy phương Bắc 2 - Ảnh: Getty Images
Công nhân thi công đường ống dẫn khí đốt Nga - Đức Dòng chảy phương Bắc 2 - Ảnh: Getty Images

Chính quyền Biden mắc kẹt giữa Đức và các nghị sĩ Cộng hòa

Chính quyền Biden đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với đường ống dẫn khí đốt NS2 từ Nga đến Đức gây tranh cãi, dưới áp lực về thời gian áp đặt lệnh trừng phạt từ phía các nghị sĩ Cộng hòa đã theo đuổi sự việc này từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo luật Mỹ, chính quyền phải đệ trình báo cáo lên Quốc hội 90 ngày một lần danh tính các thực thể tham gia vào việc xây dựng đường ống đủ điều kiện bị trừng phạt.

Dự án NS2 do Nga và Đức hợp tác gặp nhiều sự phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic mà đường ống sẽ đi qua. Các nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ lưu ý rằng đường ống này sẽ đặt “cơ sở hạ tầng của Nga” bên trong lãnh thổ NATO và do đó đe dọa các quốc gia thành viên, đồng thời khiến một số nước châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga. Nó cũng sẽ tước đi hàng tỷ đô la doanh thu của Ukraine khi cho phép Nga lách luật, chuyển khí đốt sang châu Âu.

Nhưng tình hình ngoại giao liên quan đến NS2 rất tế nhị, vì đối tác của Moscow trong dự án này là Đức, một cường quốc châu Âu mà Mỹ luôn muốn củng cố quan hệ toàn diện. Một quan chức ngoại giao của Mỹ ví von: “Chúng tôi mắc kẹt giữa một tảng đá và một nơi khó khăn”.

Trong khi đó, áp lực chính trị của lưỡng đảng buộc chính quyền Biden phải hành động là rất lớn. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo chung về NS2 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 11/3, báo cáo của ông lập tức gặp phải sự phản ứng dữ dội.

Thượng nghị sĩ (TNS) Cộng hòa Ted Cruz (Texas), đồng tác giả một điều khoản trong dự luật quốc phòng hàng năm yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể hỗ trợ xây dựng đường ống NS2, đã trì hoãn phê chuẩn một số quan chức do ông Biden đề cử - trong đó có giám đốc CIA và một thứ trưởng Ngoại giao - để gây áp lực buộc Tổng thống phải hành động.

Dự án NS2 do Nga và Đức hợp tác gặp nhiều phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic mà đường ống sẽ đi qua - Ảnh: DW
Dự án NS2 do Nga và Đức hợp tác gặp nhiều phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic mà đường ống sẽ đi qua - Ảnh: DW

TNS Cruz tuyên bố: “Nếu chính quyền Biden lừa dối, nếu họ bất chấp luật pháp, họ sẽ biến một chiến thắng đối ngoại lớn của Mỹ thành một thất bại lớn trong đối ngoại và “một món quà hàng tỷ đô la tặng cho Vladimir Putin”.

Đức có thể đưa ra một thỏa hiệp?

Các nhà phân tích cho biết kết quả tồi tệ nhất đối với chính quyền Biden sẽ là áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với một dự án đã hoàn thành hơn 90%, “chỉ để xem nó hoàn thành”. Trong khi đó, chính phủ Đức đã đề xuất một số đề nghị tiềm năng nhằm yêu cầu Mỹ từ bỏ can thiệp NS2, bao gồm các thỏa thuận thương mại và tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng xanh ở châu Âu và Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức xác nhận rằng Berlin "đang liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt cũng như các lời đe dọa trừng phạt liên quan đến Nord Stream 2". Nhưng ông không cho biết hai bên đã trao đổi cụ thể những nội dung gì.

Liên quan đến các hạng mục khả thi Đức có thể đưa ra sẽ bao gồm việc hợp tác với Mỹ để đầu tư vào các dự án năng lượng ở Đông và Trung Âu và tham gia cùng chính quyền Biden trong việc có lập trường cứng rắn hơn chống Trung Quốc. Năm ngoái, Bộ Tài chính Đức đã đề nghị chi 1 tỷ euro để “tăng cường hỗ trợ cho việc xây dựng các trạm hóa lỏng khí đốt (LNG) dọc theo bờ biển của Đức” để đổi lấy “việc xây dựng và vận hành Nord Stream 2 không bị cản trở”. Tuy nhiên, đề nghị không đi đến đâu với chính quyền Trump.

“Thúc đẩy biện pháp ngoại giao đầy đủ" đối với Nga

Mặc dù vẫn chưa rõ chính quyền Biden sẽ trừng phạt những thực thể nào tiếp theo, nhưng danh sách này có thể sẽ bao gồm các tàu và công ty của Nga tham gia vào dự án. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tuần trước đã gửi một lá thư cho Ngoại trưởng Blinken - nêu tên hơn một chục thực thể như vậy, bao gồm các tàu tiếp liệu ngoài khơi của Nga và các công ty bảo hiểm và giám định đã được xác định bởi hãng theo dõi tàu biển thuộc Cơ quan Hàng hải Đan Mạch.

TNS Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết Ngoại trưởng Blinken đã chuyển tải tới các nhà lập pháp rằng chính quyền đang "xem xét tất cả các khả năng". Ông nói rằng Tổng thống Biden đang chịu "một sự thúc đẩy ngoại giao đầy đủ để ngăn chặn Nord Stream 2".

Đồng thời, chính quyền Biden đang áp dụng các biện pháp trừng phạt riêng nhắm vào Nga liên quan đến một loạt các hoạt động gây tranh cãi khác của Moscow, bao gồm cuộc tấn công mạng Solar Winds và bỏ tù nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Nhưng một số TNS Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc làm trầm trọng thêm căng thẳng với Đức bằng cách theo đuổi các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với đường ống NS2, đặc biệt sau khi chính quyền Trump đã “xa lánh đồng minh châu Âu” về một loạt vấn đề.

Quế Lâm (theo Politico)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI