Những hình phạt nghiêm ngặt của các quốc gia trong đại dịch COVID-19

28/03/2020 - 07:01

PNO - Nhiều quốc gia triển khai các biện pháp xử phạt nặng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Từ ngày 27/3, những ai ngồi gần nhau 1m trong nhà hàng hoặc đứng cách nhau 1m tại khu mua sắm tại Singapore có thể sẽ bị phạt 7.000 USD hoặc tù 6 tháng, hoặc cả hai hình phạt.

Luật này áp dụng từ 27/3 đến 30/4. Theo Reuters, biện pháp mạnh tay đang khiến người dân khá hoang mang về quy định mới này, cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Một số trường hợp được đặt ra như: tàu cao tốc, tàu điện vào giờ cao điểm, cha mẹ dẫn theo con nhỏ, người thân trong gia đình... Theo quy định, các doanh nghiệp phải kê ghế ngồi cách xa nhau ít nhất 1m và thường xuyên nhắc nhở mọi người đứng xa nhau.

Từ 27/3, ngồi cách nhau 1m trong nhà hàng tại Singapore có thể đối diện án phat
Từ 27/3, ngồi cách nhau 1m trong nhà hàng tại Singapore có thể đối diện án phạt

Ấn Độ bắt đầu lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 25/3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Người dân được cho phép ra ngoài vào những giờ nhất định, để mua nhu yếu phẩm. Lực lượng an ninh luôn túc trực với gậy, dùi cui, sẵn sàng trấn áp những ai không tuân thủ. Những ai vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù đến 2 năm.

Cảnh sát vùng Delhi ngày 24/3 cũng dùng vũ lực giải tán toàn bộ khu vực biểu tình Shaheen Bagh. Cảnh sát thành phố Meerut buộc người vi phạm phải cầm những tấm bảng “Tôi là bạn của virus corona” hoặc “Tôi là kẻ thù của xã hội”, chụp ảnh rồi đăng trên mạng xã hội Twitter. Cảnh sát bang Uttar Pradesh dùng biện pháp nhẹ tay hơn là bắt người vi phạm lệnh phong tỏa phải thụt dầu rồi ghi hình lại. Ở Jammu, những người vi phạm bị phạt ngồi trong những vòng tròn với khoảng cách nhất định để thấm bài học duy trì khoảng cách cộng đồng. 

Lực lượng chức năng Ấn Độ dùng gậy, dùi cui để trấn áp, phạt những ai quy định lệnh phong toả, giới nghiêm
Lực lượng chức năng Ấn Độ phạt những người vi phạm quy định lệnh phong tỏa, giới nghiêm

Tại Đài Loan, một người đàn ông đã bị phạt đến 1 triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD, khoảng 760 triệu VNĐ) vì trốn cách ly để đi chơi tại hộp đêm. Trước đó, người đàn ông này trở về Đài Loan từ một quốc gia Đông Nam Á, bắt buộc tự cách ly ở nhà 14 ngày. Nhà chức trách Đài Loan cho biết mức phạt này là cao nhất vì có thể gây nguy hiểm cho những người khác.

Với những ai đang trong quá trình tự cách ly nhưng tham gia phương tiện công cộng sẽ bị phạt gấp đôi, 2 triệu đài tệ. Người tự cách ly ở nhà sẽ được theo dõi qua tin nhắn và định vị GPS.

Ngày 15/3, Thủ tướng Úc Scott Morrison ban hành quyết định yêu cầu tất cả những ai nhập cảnh Úc phải cách ly 14 ngày tại nhà (hoặc nơi ở) trong hai tuần để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ai vi phạm sẽ bị phạt đến 50.000 đô la Úc (khoảng 700 triệu VNĐ, tính theo tỉ giá hiện tại).

Các bang của Úc cũng có quy định cụ thể, khác nhau trong tình hình dịch bệnh hiện tại. Bang Tây Úc phạt những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng đến 50.000 đô la Úc hoặc tối đa 1 năm tù.

Các bang của Úc đưa ra nhiều mức phạt khác nhau về các vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh
Các bang của Úc đưa ra nhiều mức phạt khác nhau về các vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh

Bang New South Wales phạt 5.500 đô la Úc nếu không chấp hành các quy định về y tế, 11.000 đô la Úc và 6 tháng tù nếu cung cấp thông tin sai để né tránh việc tuân thủ quy định về y tế. Bang Queensland phạt người vi phạm các quy định phòng dịch, kiểm tra y tế 13.345 đô la Úc, trong khi đó ở Bang Nam Úc số tiền phạt có thể lên đến 25.000 đô la Úc.

Ngày 26/2, Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật nhằm chống lại sự bùng phát dịch COVID-19. Theo đó, ai cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (khoảng 8.200 USD, tương đương 190 triệu VNĐ).

Cùng trong ngày này, cơ quan Kiểm soát vấn đề nhập cư Singapore (ICA) thông báo đã tước thẻ cư trú dài hạn đồng thời cấm nhập cảnh đối với một người đàn ông 45 tuổi do không thực hiện lệnh cách ly tại nhà. Trước đó, ông này từng đến Trung Quốc nhưng khi về Singapore lại không trả lời các cuộc gọi điện thoại và cũng không có mặt tại địa điểm cư trú khai báo khi nhân viên đến kiểm tra tình trạng cách ly. Ngày 23/2, ông này cố tình rời khỏi Singapore, dù bị cơ quan chức năng thông báo vi phạm lệnh cách ly.

Từ đầu tháng 3, Cộng hòa Séc yêu cầu công dân phải khai báo y tế, tự cách ly 14 ngày nếu trở về từ các vùng dịch. Ai vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu koruna (khoảng 3 tỷ VNĐ).

Còn tại Phần Lan, nếu người dân không tuân theo quy định hiện hành, trốn cách ly sẽ bị kết án theo luật hình sự, phạt tiền hoặc phạt tù 3 tháng.

Dịch bệnh khiến nhiều khu vực của châu Âu vắng lặng
Dịch bệnh khiến nhiều khu vực của châu Âu vắng lặng

Israel phạt người vô ý vi phạm lệnh cách ly 3 năm tù và 7 năm tù với người cố ý vi phạm.

Chính quyền Moscow (Nga) cũng yêu cầu người trở về từ vùng dịch phải khai báo y tế, tự cách ly 14 ngày theo quy định, nếu vi phạm có thể bị phạt tù đến 5 năm. Người tự cách ly sẽ được chính quyền quan sát bằng camera an ninh.

Ý bắt đầu phong tỏa đất nước từ 10/3, cấm tụ họp đông người. Theo quy định chung, ai vi phạm quy định kiểm dịch, cách ly bị phạt 206 Euro hoặc án tù đến 3 tháng. 

Ả Rập Xê Út phạt tiền đến 133.000 USD (hơn 3 tỷ VNĐ) với những trường hợp đến từ nước ngoài nhưng không khai báo y tế. 

New Zealand sẽ trục xuất khách du lịch nếu không tự cách ly y tế theo quy định.

Thùy Anh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI