Những bóng hồng chinh phục "vàng đen" trên những giếng dầu

08/03/2021 - 12:15

PNO - Có những người phụ nữ dám gạt bỏ công việc văn phòng nhàn hạ để dấn thân vào một lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho nam giới: khai thác dầu mỏ. Và họ đã thành công để chứng minh rằng, không gì là không thể đối với phái nữ.

Khi bình mình đang dần ló dạng thì cũng là lúc cô Ayat Rawthan tạm kết thúc công việc xuyên đêm của mình trên một giàn khoan dầu ở phía Nam Iraq, nơi chứa trữ lượng dầu thô khổng lồ đóng góp phần lớn vào nền kinh tế của đất nước mình.

Kỹ sư dầu khí Ayat Rawthan vừa hoàn thành ca làm việc xuyên đêm của mình - Ảnh: Nabil al-Jourani/AP
Nữ kỹ sư dầu khí Ayat Rawthan vừa hoàn thành ca làm việc xuyên đêm của mình - Ảnh: Nabil al-Jourani/AP

Cũng ở một địa điểm khác trên sa mạc nơi có nhiều dầu mỏ ở tỉnh Basra, cô Zainab Amjad bận rộn giám sát quá trình lắp ráp các đường ống khoan dầu khổng lồ. Chúng được khoan sâu vào lòng đất để thu thập thông tin về địa tầng của các lớp đá và gửi trở lại hệ thống máy tính nơi cô Rawthan đang ngồi dán mắt vào màn hình đọc và giải mã các thông số xuất hiện liên tục trên đó.

Cả hai cô gái này đều đang còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi, và là những nhân sự hiếm hoi dám từ bỏ công việc văn phòng nhàn hạ đến tẻ nhạt để trở thành những người phụ nữ tiên phong dấn thân vào công việc đặc thù của ngành công nghiệp dầu mỏ. Với chiếc mũ bảo hộ trên đầu, họ hiện diện trực tiếp tại các giàn khoan và giếng dầu nơi hầu như là lãnh địa của nam giới lâu nay.

Họ chính là một thế hệ những phụ nữ hiện đại và tài năng đang thách thức lại định kiến nặng nề của giới kỹ sư dầu khí vốn luôn tự cho rằng, phụ nữ không thể có chỗ ở những lĩnh vực công việc nặng nhọc và phức tạp này.

Ngày qua ngày, trong nhiều giờ liền, cô Amjad và Rawthan dầm mình dưới cái nắng gắt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên những giếng dầu sát cánh cùng cánh đồng nghiệp nam, những người thường vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi: Tại sao các cô phải chịu khổ sở ở chốn này như vậy?

“Họ nói với tôi rằng, môi trường làm việc ở đây thì chỉ có nam giới mới chịu đựng được”, cô Amjad cho biết. “Và nếu tôi đầu hàng thì có nghĩa là họ đã đúng”.

Khai thác dầu mỏ là công việc vốn lâu nay chỉ dành riêng cho nam giới ở Iraq - Ảnh: U.S. Navy
Khai thác dầu mỏ là công việc vốn lâu nay chỉ dành riêng cho nam giới ở Iraq - Ảnh: U.S. Navy

Vận mệnh của Iraq, cả về kinh tế lẫn chính trị, đều phụ thuộc vào sự tăng giảm giá dầu trên thị trường dầu mỏ. Xuất khẩu nguồn “vàng đen” này chiếm tới 90% tổng nguồn thu của quốc gia ở khu vực Trung Đông này. Giá dầu giảm đồng nghĩa với việc nền kinh tế bị khủng hoảng lao dốc ngay lập tức và ngược lại.

Chính vì tầm quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ đối với sự sống còn của nền kinh tế quốc gia mà các chương trình đào tạo ngành hóa dầu trong các trường đại học luôn chỉ dành cho những sinh viên tài năng nhất được có cơ hội theo học. Và 2 nữ kỹ sư Zainab Amjad và Ayat Rawthan chính là những người ít ỏi nằm trong top 5% những sinh viên xuất sắc nhất tốt nghiệp tại trường Đại học Dầu khí Basra vào năm 2018.

Để có thể được làm việc trong lĩnh vực dầu khí, cô Amjad xác định phải kiếm được việc làm tại một công ty dầu khí quốc tế. Và để có được cơ hội đó, cô sẽ phải thật sự xuất sắc và vượt trội. Cô không muốn vào làm việc tại các công ty dầu mỏ của nhà nước bởi cô biết chắc rằng mình sẽ chết dí ở đó với công việc văn phòng tẻ nhạt.

“Tôi học một cách điên cuồng để không ngừng nâng cao kiến thức cho bản thân”, cô Amjad chia sẻ.

Những nỗ lực không mệt mỏi và khát khao được vươn lên khẳng định bản thân đã giúp Amjad vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của nghề trong một công ty dầu mỏ đa quốc gia hoạt động tại Iraq. Và chỉ trong vòng 2 tháng, cô đã đổi được chiếc mũ bảo hộ trên đầu mình từ màu xanh sang màu trắng, đánh dấu một sự thăng tiến từ công nhân lên vị trí quản lý - một khoảng thời gian thăng chức được xem là “thần tốc”.

Chiếc mũ bảo hộ màu trắng dành cho vị trí quản lý đã được tin tưởng giao cho người phụ nữ này - Ảnh: Nabil al-Jourani/AP
Chiếc mũ bảo hộ màu trắng dành cho vị trí quản lý đã được tin tưởng giao cho người phụ nữ này - Ảnh: Nabil al-Jourani/AP

Cô Rawthan cũng đã làm việc chăm chỉ bất kể ngày đêm với suy nghĩ đơn giản rằng: “Chỉ có làm việc gấp đôi gấp ba nam giới thì mới có thể vượt qua được họ trong công việc”.

Có lần khi cả nhóm nhận một dự án khó, cô đã thức trắng nhiều đêm chỉ để đọc từng bản vẽ, nghiên cứu từng chi tiết để đảm bảo bản thân hiểu rõ từng công đoạn nhỏ nhất trong toàn bộ hệ thống ống khoan dầu. Và những nỗ lực vượt bậc của cô đã được đền đáp xứng đáng: giờ đây cô đang là kỹ sư trưởng làm việc cho Schlumberger, tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí.

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào công việc vốn nặng nhọc và nhiều thách thức này ở Iraq - Ảnh:
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào công việc vốn nặng nhọc và nhiều thách thức này ở Iraq 

Cô Rawthan cho biết rằng, ban đầu nhiều người thân của cô không hề tin cô sẽ làm được nghề nặng nhọc này. Thậm chí ngay cả giáo sư của cô trong trường dầu khí cũng từng nhiều lần cười chế giễu cô về kế hoạch chinh phục những hệ thống khai thác dầu phức tạp rối rắm. Thế nhưng chính những điều đó càng thôi thúc cô không được phép dừng lại.

“Khi nào những mũi khoan còn xuyên sâu xuống lòng đất để tìm mạch dầu thì tôi còn tiếp tục làm việc ở đây”, cô Rawthan quả quyết.

Nguyễn Thuận (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI