Nhớ văn hóa truyền thừa của những bộ sách giáo khoa cũ

12/10/2020 - 07:15

PNO - Sách giáo khoa cải cách được sử dụng một lần đã làm mất dần cái gọi là “văn hóa truyền thừa” mà những bộ sách giáo khoa trước đây để lại.

Học trò 8X trở về trước có lẽ vẫn nhớ câu chuyện những bộ sách giáo khoa (SGK) cũ mỗi năm được anh chị truyền lại cho các em trong nhà, hoặc dành tặng những em nhỏ trong xóm tái sử dụng cho năm học mới.

Những cuốn SGK ngày ấy luôn được thế hệ trước học tập, giữ gìn cẩn thận để trao tay thế hệ sau. Mùa tựu trường, bọn trẻ nhỏ lớp dưới ôm bộ SGK cũ của các anh chị để lại, hào hứng bao bìa, bọc kính, dán nhãn mới và ghi họ tên, trường lớp của mình vào.

Trong những trang sách cũ, tri thức vẫn vẹn nguyên giá trị. Bọn trò nhỏ ở nhiều làng quê thuở ấy nhờ những bộ SGK cũ này mà yên tâm. Các gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn cũng không cần phải lo lắng thêm cho các con về khoản này. Những thế hệ “con nhà nghèo” cứ thế mà đi học, lớn lên, thành người. 

Cho tới nay nhiều người vẫn nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ
Cho tới nay nhiều người vẫn nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ

Ấn tượng ấu thơ, ký ức về những năm tháng đầu đời trên ghế nhà trường sẽ ở lại rất lâu trong tâm thức một con người. Nhiều hình ảnh trong những trang SGK cũ mới đây được cộng đồng chia sẻ, vẫn chạm đến ký ức thân thương của một thế hệ, cho dù họ đã lớn lên, tốt nghiệp từ lâu. Như Cái trống trường em, Làm anh, Con cáo và tổ ong, Không sống riêng lẻ (đàn kiến tha mồi) hay Chú bé liên lạc (Kim Đồng), Trên đường đến nhà lao (hình ảnh chị Võ Thị Sáu bị trói hai tay đưa ra pháp trường vẫn hát với đàn chim và đùa vui cùng bướm…).

Sau này, SGK được cải cách liên tục, văn hóa truyền thừa ấy cũng dần mất đi. Năm học đến, phụ huynh lại tất bật mua sách mới cho con. Danh mục các đầu sách cần mua mỗi năm một nhiều, ngoài SGK còn cả sách tham khảo. Năm nay, SGK bắt đầu dạy chương trình cải cách mới, lại đầy “thử thách” cho cả cha mẹ lẫn trẻ nhỏ. 

Sách chỉ được dùng một lần. Học sinh thực hành các bài tập theo yêu cầu “khoanh tròn”, “điền vào chỗ trống” trong sách. Gánh thêm chức năng như một vở bài tập khiến SGK không thể tái sử dụng. Một sự lãng phí quá lớn khi mỗi năm bỏ đi hàng trăm triệu bản SGK. Đó là chưa bàn tới chuyện, lãng phí sách gây ảnh hưởng tới rừng, đe dọa môi trường (giấy được sản xuất từ bột giấy làm từ cây). 

Cũng có ý kiến cho rằng học sinh nên làm bài tập trực tiếp vào sách, không nên dùng đi dùng lại sách cũ. Nhưng vì sao phải như vậy khi SGK vốn dành để dạy học sinh những nội dung cơ bản, những giá trị cốt lõi bền vững?

Đó là chưa nói ở khía cạnh nhận thức, người lớn có bỏ quên, bỏ qua điều gì khi vô tình biên soạn SGK chỉ như một công cụ học tập - mà không xem đó là những quyển sách ý nghĩa đầu đời của trẻ, cũng là cách để gián tiếp truyền dạy cho trẻ niềm yêu thích sách, sự trân trọng, biết giữ gìn?

Vẫn biết mỗi giai đoạn đều cần sự thay đổi cho phù hợp. Nhưng có những giá trị muôn đời vẫn vẹn nguyên. Đó là câu chuyện của tiết kiệm, của truyền thừa, của lòng yêu sách, quý trọng sách, ham học/đọc…

Đời sống người dân bây giờ có thể khá hơn ngày trước, nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn. SGK phải mua mới hằng năm trở thành gánh nặng cho người nghèo.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội vào tháng 6/2020, khi đề cập đến lĩnh vực giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, SGK mới được sử dụng cho năm học 2020-2021 trên tinh thần sẽ không để tình trạng dùng một lần rồi bỏ như những năm trước. Nhưng SGK mới chưa đưa văn hóa truyền thừa, giúp người dân tiết kiệm trở lại thì nội dung biên soạn đã xôn xao dư luận. 

Lục Diệp

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lại tự Hanh 13-10-2020 19:57:33

    Những người làm sách chỉ nghĩ đến kinh doanh sao có lợi nhất . Bất chấp giáo dục thế hệ sau thực hành tiết kiệm , bất chấp đến tài nguyên môi trường , bất chấp đến kinh tế còn khó khăn của các bậc phụ huynh . Phải chăng đây phải gọi là những hạng người ác xã hội chúng ta cần phải có chế tài xử lý một cách cương quyết . Làm công tác giáo dục mà lại thể hiện những việc làm phản giáo dục

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI