Nhiều vở diễn hay trở lại nhân sinh nhật Bác

16/05/2025 - 19:41

PNO - Tối 16/5, tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội), vở kịch “Người đi dép cao su” sẽ tái ngộ khán giả nhân kỷ niệm 135 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Người đi dép cao su được tiến sĩ - nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng biên tập và dàn dựng từ kịch thơ Người đi dép cao su của nhà văn người Algeria - Kateb Yacine. Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp nhận kịch bản từ ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2019 - 2021) và thực hiện vào năm 2023 trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria.

Nghệ sĩ Minh Hải
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Người đi dép cao su không xuất hiện xuyên suốt nhưng giữ vai trò kết nối mạch kịch - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Người đi dép cao su được viết nên từ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn Kateb Yacine qua chuyến thăm Việt Nam vào năm 1967 giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy ác liệt. Kịch bản gốc có dung lượng đồ sộ đến 8 hồi, khoảng 150 nhân vật, khái quát cả tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam với tinh hoa là hình tượng “người đi dép cao su”.

Đạo diễn Lê Mạnh Hùng đã biên tập vở trở nên ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn giữ được không gian đồ sộ của kịch bản gốc, cùng tập trung xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như sự kết nối xuyên suốt. Vở diễn ra đời góp thêm 1 tác phẩm đặc sắc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ trong cả 2 vở Người đi dép cao su và Đêm trắng - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam
Nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở Người đi dép cao su (ảnh) và Đêm trắng - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Cùng với Người đi dép cao su, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tái diễn vở kịch nổi tiếng Đêm trắng (tác giả: Lưu Quang Hà) vào các tối 18, 19 và 24/5 tại nhà hát và sáng 20/5 tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội). Với nhiều bản dựng các loại hình sân khấu, Đêm trắng là kịch bản khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công nhất. Bản dựng mới nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam được nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc dàn dựng rất quy mô với sự góp mặt của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên tham gia.

Đêm trắng là một trong những vở diễn hay nhất khai thác hình tượng Bác Hồ.
Đêm trắng là một trong những vở diễn hay nhất khai thác hình tượng Bác Hồ - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Vào tối 17/5, tại rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, Hà Nội), Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng giới thiệu vở Không còn đường nào khác (kịch bản: Văn Sử), được NSND Lê Tiến Thọ chỉnh lý kịch bản và dàn dựng nâng cao. Đây là một trong những tác phẩm tuồng (hát bội) đặc sắc nhất của Nhà hát Tuồng Việt Nam khi khai thác đề tài cách mạng về phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Cùng với hình tượng nữ tướng Nguyễn Thị Định, hình tượng Bác Hồ cũng lần đầu xuất hiện “đúng chất” nghệ thuật hát tuồng.

Lần đầu tiên
Bác Hồ với nhân dân miền Nam là lớp diễn xúc động trong vở Không còn đường nào khác - Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam

Sân khấu phía Nam có chương trình “Ngân mãi chuông vàng” của Đài truyền hình TPHCM giới thiệu vở cải lương Bức chân dung huyền thoại (kịch bản: Ngọc Trúc, chuyển thể: Lâm Viên, đạo diễn: nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt) vào tối 18/5. Vở diễn tại Nhà hát Đài truyền hình TPHCM (số 7 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Bức chân dung huyền thoại có sự tham gia của các nghệ sĩ: Hải Yến, Thanh Toàn, Văn Khởi, Kim Luận, Nam Thanh Phong, Mỹ Nhung, Hoài Minh…
Vở cải lương Bức chân dung huyền thoại tập trung đất diễn cho nhiều diễn viên trẻ - Ảnh: Đạo diễn Nguyên Đạt cung cấp

Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết, anh điều chỉnh kịch bản sắc gọn cho phù hợp thời lượng chương trình “Ngân mãi chuông vàng”, đồng thời tập trung làm rõ những chuyển biến tình cảm của người dân miền Nam, kể cả những người từng đứng trong hàng ngũ đối đầu, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nếu miền Nam luôn ở trong tim Bác Hồ thì người dân miền Nam cũng một mực yêu kính Bác. Những chất liệu lịch sử về hàng loạt đền thờ Bác tại miền Nam, từ câu chuyện bức chân dung Bác đặt trong đền thờ ở Trà Vinh làm nền cho kịch bản là minh chứng sống động nhất. Tôi và ê-kíp vở diễn đặc biệt chú trọng làm rõ những tình cảm sâu lắng này” - đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.

Bức chân dung huyền thoại có sự tham gia của các nghệ sĩ: Hải Yến, Thanh Toàn, Văn Khởi, Kim Luận, Nam Thanh Phong, Mỹ Nhung, Hoài Minh…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI