Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng lớn của sân khấu Việt Nam

06/08/2022 - 07:22

PNO - Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang xuất hiện trên hàng loạt sân khấu, từ truyền thống đến hiện đại. Những năm gần đây, hình tượng Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của sân khấu Việt Nam.

Những dấu ấn mới

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa có chuyến lưu diễn miền Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay với vở cải lương Nợ nước non (kịch bản: phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND - tiến sĩ Triệu Trung Kiên). Đây là phần 1 của “bộ sử thi nghệ thuật” ba phần mang tên Nước non vạn dặm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vở cải lương Nợ nước non là phần 1 trong  “bộ sử thi nghệ thuật” Nước non vạn dặm  dự kiến thực hiện ba phần trong ba năm
Vở cải lương Nợ nước non là phần 1 trong “bộ sử thi nghệ thuật” Nước non vạn dặm dự kiến thực hiện ba phần trong ba năm

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in đậm trong thơ văn, nhạc họa… từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 1976 mới xuất hiện lần đầu trên sân khấu với vở Người công dân số một (kịch bản: Hà Văn Cầu - Vũ Đình Phòng, đạo diễn: Dương Ngọc Đức). Khá đặc biệt khi vở được Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) thực hiện, nhưng lại là kịch nói.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết, theo lời kể của các bậc tiền bối, lúc ấy cũng băn khoăn nhiều về việc “Bác có nên hát hay không?”, nếu Bác chỉ thoại mà các nhân vật khác hát cũng không ổn, nên cuối cùng chỉ dựng kịch nói. 

Đến thập niên 1990, Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục xây dựng hình tượng Bác Hồ trong chương trình sân khấu hóa. Phải đến Nợ nước non lần này, nhà hát mới thực hiện được trọn vẹn một vở cải lương về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Việc đưa được vở cải lương về Bác Hồ lưu diễn miền Nam, đặc biệt là ở thành phố mang tên Bác - nơi chắp cánh và phát triển nghệ thuật cải lương, là niềm vinh dự lớn lao và vô cùng ý nghĩa với chúng tôi - những người làm cải lương trên đất Bắc” - NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ. 

Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng phục dựng vở Không còn đường nào khác. Kịch bản của tác giả Văn Sử, được cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng, đã tạo nên “cuộc cách mạng” cho sân khấu tuồng, khi thử nghiệm đề tài hiện đại, bắt kịp làn gió đổi mới của Đại hội Đảng lần VI năm 1986. Chịu trách nhiệm phục dựng lần này là NSND Lê Tiến Thọ - người đảm nhận hình tượng Bác Hồ trong bản dựng năm 1986.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, bản dựng trước, hình tượng Bác Hồ chỉ xuất hiện trong tâm tưởng nhân vật chính là cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định), với những lời thoại động viên đồng bào miền Nam vượt qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Lần này, hình tượng Bác Hồ được xây dựng tập trung hơn, nhân vật không chỉ thoại mà còn hát tuồng. Theo NSND Lê Tiến Thọ, đây là lần đầu tiên hình tượng Bác Hồ xuất hiện trọn vẹn và thực sự hòa quyện trong một vở tuồng, ê-kíp vở diễn đã rất vất vả để tạo dấu ấn mới cho tác phẩm.

Người cầm lái là vở nhạc kịch đầu tiên khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Người cầm lái là vở nhạc kịch đầu tiên khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Táo bạo hơn cả phải kể đến Người cầm lái (biên kịch, tổng đạo diễn: NSƯT Tuyết Minh). Tác phẩm này kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Công an nhân dân, cũng là vở nhạc kịch đầu tiên khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. NSƯT Tuyết Minh đã mất bốn năm nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng kịch bản nhạc kịch. Vở sử dụng hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của phương Tây, nhưng vẫn chú trọng chất liệu âm nhạc dân tộc, kết hợp cả tinh hoa sân khấu kịch hát dân tộc, cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại, mang đến những trải nghiệm đầy mới mẻ cho người xem.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng giới thiệu chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” gồm ba vở kịch ngắn Đoàn kết là sức mạnh (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng), Đôi mắt sáng (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh), Bác Hồ và mùa xuân năm ấy (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Bùi Phương Nga).

Theo NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - chương trình không chỉ hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn đáp ứng nhu cầu khán giả. Thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều đề nghị từ các tỉnh thành, kể cả khán giả hải ngoại mong muốn xem kịch về Bác Hồ, nhưng không phải lúc nào cũng đủ điều kiện để lưu diễn các vở quy mô lớn; thì những kịch ngắn này là lựa chọn hợp lý để giới thiệu các tác phẩm về Bác đến công chúng.

Vở diễn Dấu xưa dung dị nhưng mang lại nhiều cảm xúc cho người xem
Vở diễn Dấu xưa dung dị nhưng mang lại nhiều cảm xúc cho người xem

Là sân khấu xã hội hóa vốn hạn chế nguồn lực, nhưng sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) cũng rất tâm huyết với vở kịch Lá đơn thứ 72 (kịch bản: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ). Khác các tác phẩm khai thác góc nhìn sử thi về cuộc đời cách mạng của Bác như Nợ nước non hay Người cầm lái, vở kịch chọn một câu chuyện cụ thể là Bác Hồ đã chỉ đạo xử lý một vụ việc oan sai…

Vượt qua thử thách

Nhìn lại, các tác phẩm sân khấu khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh dần phổ biến từ năm 1990 khi UNESCO tôn vinh Người là Danh nhân văn hóa thế giới.

Đến nay, Đêm trắng (tác giả: Lưu Quang Hà) là kịch bản khai thác hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công nhất. Ngoài bản kịch nói với nhiều lần tái dựng, mà mới nhất là bản dựng của đạo diễn Xuân Bắc tại Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2021, Đêm trắng được chuyển thể sang chèo, cải lương, dân ca kịch và đều để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả.

Vở diễn hấp dẫn không chỉ bởi luôn mang tính thời sự khi cổ vũ công tác chống tham nhũng, tiêu cực, mà hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện khá toàn diện với tâm sự riêng chung của một lãnh tụ lẫn một con người đời thường.

 

Các bộ môn sân khấu đều có tác phẩm tiêu biểu, điển hình như: Đêm trắng, Bác không phải là vua (kịch nói), Không còn đường nào khác (tuồng), Những vần thơ thép, Đêm trăng huyền thoại (chèo), Hồi ức màu đỏ, Cha - con và Tổ quốc (ca kịch Huế), Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm, Lời Người - Lời của nước non (ca kịch xứ Nghệ)…

Ở sân khấu phía Nam, ngoài vở cải lương Đêm trắng được Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 dàn dựng từ năm 1990, thì các đề tài về Bác vẫn luôn là thử thách lớn. Mãi đến năm 2017, mới có sự bứt phá với vở kịch Dấu xưa (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ. Vở gây tiếng vang và được Thành ủy TP.HCM hỗ trợ đưa vở đến với khán giả là cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM.

Lần thứ hai vào vai Bác Hồ, khác hình ảnh uy nghiêm, nhiều trăn trở trong Đêm trắng, NSƯT Thanh Điền đã thể hiện hình ảnh “Bác của mọi nhà” trong Dấu xưa. Cả NSƯT Thanh Điền và đạo diễn là NSND Trần Minh Ngọc đều thống nhất không “lãnh tụ hóa” nhân vật, mà kể chuyện về Bác càng mộc mạc, càng giản dị sẽ càng cuốn hút.

Tiếp đến, vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) cũng gặt hái thành công lớn. Có thể nói, đây là vở cải lương đầu tiên xây dựng nhân vật Nguyễn Ái Quốc là hình tượng trung tâm xuyên suốt. 

Theo NSƯT - đạo diễn Nguyên Đạt, thách thức lớn nhất đối với diễn viên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải thể hiện cho ra phong thái, tác phong của Bác. Ngoại hình và nhất là chất giọng tương đồng là một lợi thế. Vì thế, các nghệ sĩ miền Nam thường gặp áp lực lớn khi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn nghệ sĩ miền Bắc và miền Trung. Chính đạo diễn Nguyên Đạt ban đầu cũng dự định chọn một nghệ sĩ gốc Nghệ An vào vai Nguyễn Ái Quốc trong Tổ quốc nơi cuối con đường. Nhưng cuối cùng, anh chọn cách tiếp cận khác, không cốt phải thật giống mà phát huy tình cảm, sự hiểu biết của người nghệ sĩ đối với Bác để tìm sự đồng điệu. Vở diễn đã tạo được nhiều cảm xúc cho người xem.

Có thể nói, cảm nhận chân thành chính là “chìa khóa” để sân khấu phía Nam vượt qua những thử thách, nhất là rào cản tâm lý của diễn viên thể hiện hình tượng Bác Hồ, để chinh phục đề tài lớn này. Vì thế, các vở diễn thường chọn lát cắt cụ thể để khai thác sâu câu chuyện, hơn là khái quát cả cuộc đời hay tư tưởng vĩ đại của Người chỉ qua một tác phẩm hơn hai giờ đồng hồ.

Như phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nhận định, thực hiện tác phẩm về Bác Hồ vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì gần như ai cũng biết và yêu kính Bác, nhưng khó vì vừa phải thuyết phục khán giả vừa phải chọn được hướng đi riêng. Ở đây, mỗi tác phẩm tạo được dấu ấn đều đã chọn cách kể chuyện phù hợp, xây dựng được hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách riêng của mình. Trong đó, có thể chưa hoàn thiện, nhưng tấm lòng và tình cảm đối với Bác là điều luôn đáng ghi nhận và cổ vũ để có thêm nhiều tác phẩm hay về người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI