Nhiều nhà khoa học bị dọa giết, tấn công tình dục sau khi phát biểu công khai về đại dịch COVID-19

14/10/2021 - 12:13

PNO - Trong số 321 nhà khoa học tham gia khảo sát của tạp chí Nature, 15% cho biết họ từng bị dọa giết vì đã nói chuyện công khai về đại dịch.

 

Các nguyên nhân phổ biến cho việc lạm dụng chống lại các nhà khoa học là họ đưa ra quan điểm về tiêm chủng Covid, khẩu trang và hiệu quả của thuốc. Ảnh: Xinhua / REX / Shutterstock
Các nhà khoa học bị tấn công tình dục và đe dọa tính mạng vì đã đưa ra quan điểm về vắc xin COVID-19, khẩu trang và hiệu quả của vắc xin

Theo một cuộc khảo sát từ tạp chí Nature, sau khi nói chuyện với truyền thông về COVID-19, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã bị dọa giết và tấn công tình dục.

Trong số 321 nhà khoa học tham gia khảo sát, 15% cho biết họ từng bị đe dọa tính mạng và 22% bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục vì đã nói chuyện công khai về đại dịch. 2/3 nhà khoa học cho biết họ đã có trải nghiệm tiêu cực sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Các nhà khoa học tiết lộ về việc họ đã bị bỏ rơi như thế nào, đau khổ và sợ hãi ra sao. Trong một số trường hợp, họ đã ngừng chia sẻ quan điểm sau khi bị quấy rối và đe dọa.

Họ bị đe dọa vì đã đưa ra quan điểm về tiêm chủng COVID-19, mang khẩu trang, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 cũng như hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh. Trong đó bao gồm thuốc chống ký sinh trùng Ivermectin (được một số người phản đối việc tiêm chủng ủng hộ sử dụng).

Tiến sĩ Andrew Hill, một nhà dược học tại Đại học Liverpool cho biết, sau khi cùng các đồng nghiệp công bố một phân tích tổng hợp vào tháng 7 cho thấy Ivermectin có thể giúp điều trị COVID-19 (sau đó rút lại vì nghi ngờ dữ liệu thiếu cơ sở), ông đã nhận được hình ảnh của những người bị treo cổ và cả những cỗ quan tài.

Các nhà khoa học - chủ yếu đến từ Anh, Đức và Mỹ - cho biết họ đã nhận được email và tin nhắn lạm dụng, dọa giết, các đối tượng gửi tin nhắn còn cho biết người thân của họ cũng sẽ nằm trong tầm ngắm. 6 trong số 321 nhà khoa học tiết lộ họ từng là nạn nhân của một cuộc tấn công.

“Tôi rất sốc và đau buồn khi biết rằng rất nhiều nhà khoa học đồng nghiệp đã bị đe dọa tính mạng hoặc đe dọa bạo lực thể chất hay tình dục, chỉ đơn giản là vì họ cố gắng truyền đạt những sự thật khoa học quan trọng đối với xã hội trong việc hiểu và ứng phó với sức khỏe toàn cầu", phó giáo sư - tiến sĩ Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh tế bào tại Đại học Reading cho biết.

“Tôi đã có trải nghiệm tồi tệ sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông kêu gọi mọi người quan tâm đến vấn đề này. Tôi bị dọa giết, bạo lực và đe dọa suốt đời", Clarke nói thêm. Ông còn cho biết, trong khi ông có thể phớt lờ những lời đe dọa thì một số đồng nghiệp của ông đã có những trải nghiệm tồi tệ hơn nhiều. 

Kết quả là một cuộc thăm dò cho thấy các nhà khoa học phát biểu trên các phương tiện truyền thông về Covid-19 thường bị quấy rối.
Các nhà khoa học phát biểu về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đã bị quấy rối và bị dọa giết 

Đại diện Nature cho biết đã làm một cuộc khảo sát trên các nhà khoa học ở 7 quốc gia. Các nhà khoa học này đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nói về COVID-19. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của 50 nhà khoa học đến từ Trung tâm Truyền thông Khoa học Úc cho thấy 12% (6 người) đã bị dọa giết và 12% (6 người) bị đe dọa về thể chất hoặc bạo lực tình dục.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, hơn 2% trong số 321 người được hỏi cho biết họ đã trải qua cảm xúc hoặc tâm lý tồi tệ.

Nature cho biết, trước đây, các nhà khoa học từng bị tấn công, đe dọa qua email, điện thoại... sau khi lên tiếng về tình trạng khẩn cấp về khí hậu, tiêm chủng và bạo lực súng đạn. 

Tiến sĩ Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Trường đại học Southampton, cho biết cường độ của những hành vi quấy rối đã tăng lên đáng kể, đáng sợ nhất là những bình luận vô tâm trên mạng xã hội.

Một số nhà khoa học bị quấy rối nói rằng họ không muốn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để thảo luận về các vấn đề của COVID-19 nữa. Giám đốc trung tâm truyền thông khoa học của Vương quốc Anh Fiona Fox cho biết: “Khi các nhà khoa học đang tham gia với giới truyền thông để chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về đại dịch thì họ lại bị đưa ra khỏi cuộc tranh luận công khai. Điều này thật là quá tệ!".

Thảo Nguyễn (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI