Nhiều khu vực tái phong tỏa khi đại dịch đe dọa các nước nghèo

13/04/2021 - 05:52

PNO - Cuối tuần qua, từ Ấn Độ đến Argentina, lệnh đóng cửa và giới nghiêm mới được áp dụng do làn sóng lây nhiễm COVID-19 trở lại. Mặt khác, việc triển khai vắc-xin bị cản trở do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và lo sợ về tác dụng phụ.

Những lệnh phong tỏa mới

Tại Ấn Độ, bang Maharashtra chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang cạn kiệt nguồn vắc-xin COVID-19. Khoảng thời gian mất cảnh giác với các lễ hội, biểu tình của nông dân cũng như các hoạt động liên tiếp khiến quốc gia đông dân thứ hai thế giới có thêm hơn một triệu ca nhiễm mới kể từ cuối tháng Ba. Vì vậy, theo lệnh mới, mỗi dịp cuối tuần từ ngày 10/4, 125 triệu người dân của Maharashtra sẽ phải ở nhà, trừ trường hợp đi mua sắm thực phẩm hoặc thuốc men.

Thành phố Mumbai, trung tâm kinh tế hàng đầu của Ấn Độ trở nên vắng lặng vào cuối tuần qua khi chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch - Ảnh: AFP
Thành phố Mumbai, trung tâm kinh tế hàng đầu của Ấn Độ trở nên vắng lặng vào cuối tuần qua khi chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch - Ảnh: AFP

Tại Colombia, lệnh lưu trú tại nhà tương tự ảnh hưởng đến tám triệu cư dân của Bogota, giữa lúc thủ đô phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, thêm vào đó là lệnh giới nghiêm bao trùm bảy triệu người ở bốn thành phố lớn khác. Ở những nơi khác của khu vực Nam Mỹ, Argentina bước vào lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 9/4, kéo dài từ nửa đêm đến 6 giờ sáng mỗi ngày. Cả Argentina và Colombia đều ghi nhận khoảng 2,5 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. 

Xa hơn, tại châu Âu, Pháp vừa ban hành một số hạn chế tại nơi công cộng từ đầu tháng Tư, bao gồm đóng cửa trường học và quán ăn. Ngược lại, nỗ lực của chính phủ Đức trong việc hạn chế sự di chuyển của người dân và dòng chảy thương mại đã bị cản trở bởi một số bang từ chối thực hiện các đề xuất giãn cách. Hiện, Berlin đang thay đổi quy tắc tập trung quyền lực, nhằm đi đến lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu đóng cửa một số trường học ở những khu vực có nguy cơ cao.

Mất cân bằng trong tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu 

Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), có tới 60 quốc gia, bao gồm một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, chưa thể phân phối những mũi tiêm vắc-xin COVID-19 đầu tiên, vì gần như tất cả nguồn cung cấp thông qua chương trình hỗ trợ vắc-xin toàn cầu đều bị đình trệ.

WHO thừa nhận bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin COVID-19
WHO thừa nhận bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh: DW

COVAX - sáng kiến ​​toàn cầu cung cấp vắc-xin cho các quốc gia không có khả năng tự đàm phán trước nguồn cung khan hiếm - trong tuần qua đã phân phối hơn 25.000 liều vắc-xin đến các nước thu nhập thấp. Việc giao hàng tạm dừng kể từ ngày 12/4. Trong hai tuần qua, theo dữ liệu do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tổng hợp hằng ngày, có chưa đến hai triệu liều vắc-xin từ COVAX được thông quan để vận chuyển đến 92 quốc gia đang phát triển. Số lượng này chỉ bằng với số liều được tiêm ở Anh.

Hôm 9/4, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra “sự mất cân bằng gây sốc” trong tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu là 1/4, thì ở các nước nghèo hơn, tỷ lệ đó chỉ là 1/500. Cho đến nay, các quốc gia đã cam kết quyên góp hàng trăm triệu USD cho COVAX, nhưng tổ chức không có nguồn hàng để mua, và không quốc gia nào đồng ý chia sẻ những gì họ có vì phải ưu tiên cho người dân của mình.

Việc triển khai vắc-xin của châu Âu hiện gặp thêm nhiều trở ngại khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) tiếp tục đang xem xét các tác dụng phụ của mũi tiêm từ hãng Johnson & Johnson; và Pháp hạn chế hơn nữa việc sử dụng mũi tiêm AstraZeneca. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết, họ không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa vắc-xin của AstraZeneca và chứng máu đông, nhưng ghi nhận “một số cá nhân” ở nước này phát triển máu đông, với lượng tiểu cầu thấp sau khi tiêm vắc-xin và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. 

Trong khi thế giới đau đầu vì sự khan hiếm vắc-xin COVID-19, các nhà sản xuất trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các thành phần quan trọng, bao gồm túi nuôi cấy. Stan Erck, Giám đốc điều hành Novavax, công ty sản xuất loại vắc-xin ở Anh, nói rằng tình trạng thiếu túi đựng để nuôi cấy các tế bào dùng cho vắc-xin là một trở ngại đáng kể đối với nguồn cung toàn cầu. Cảnh báo của ông được đưa ra khi các nhà sản xuất túi đựng tiết lộ một số công ty dược phẩm đã chờ đợi tới 12 tháng cho sản phẩm nhựa vô trùng dùng một lần này - vốn quan trọng trong dây chuyền sản xuất các loại vắc-xin của Pfizer, Moderna và Novavax.

Tấn Vĩ 
(theo Guardian, Al Jazeera, AFP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI