Nhiều bệnh tiêu hóa gia tăng do áp lực cuộc sống và yếu tố tâm lý

08/04/2022 - 15:00

PNO - Ngay cả trẻ em cũng được ghi nhận là mắc hội chứng ruột kích thích, khả năng liên quan đến áp lực học hành và thi cử.

Hiện nay, tại các phòng khám tiêu hóa ghi nhận khá nhiều trường hợp gặp các vấn đề cấp tính, đa phần do yếu tố tâm lý, chế độ sinh hoạt gây ra. Những dấu hiệu bất thường đường tiêu hóa nếu không được can thiệp và điều trị sớm chẳng những chỉ ảnh hưởng, làm xáo trộn chất lượng sống mà bệnh còn tiến triển nặng nề khiến việc điều trị trở nên phức tạp, kéo dài.

Nhiều trường hợp mắc mới 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hữu Hoàng đang tư vấn cho một bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích - ẢNH: TRÂM ANH
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hữu Hoàng đang tư vấn cho một bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích - Ảnh: Trâm Anh

Chị N.N.T. (30 tuổi, ngụ P. Phú Mỹ, Q. 7, TPHCM) cho biết gần đây trên đường đi làm, chị hay bị đau bụng giống như chột dạ, quặn lên từng cơn. Chị phải cố gắng chịu đựng để đến được chỗ làm rồi chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Vì thế, cả tuần nay, chị bỏ luôn bữa sáng vì hễ ăn vào là bị đau bụng.

Trước đây chị T. chưa từng bị như thế. Dạo này, chị có quá nhiều áp lực trong cuộc sống. Do dịch bệnh, con chị chưa học bán trú nên buổi trưa chị phải canh giờ đón về rồi đầu giờ chiều lại chở con tới lớp. Mặt khác, chị vẫn phải hoàn thành công việc ở cơ quan, chợ búa, cơm nước…

Chồng chị T. cũng bận rộn chẳng kém vợ. Nhà neo người khiến chị T. rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Chưa kể bố mẹ chị T. lại đang mắc COVID-19. Ngoài lo cho gia đình nhỏ của mình, hằng ngày, chị còn phải sắp xếp thời gian tiếp tế đồ ăn, thuốc men chăm sóc bố mẹ.

Khi chị đến khám tiêu hóa, bác sĩ xác định chị bị mắc hội chứng ruột kích thích. Bệnh này đa phần do yếu tố tâm lý, stress quá độ gây ra. Bệnh nhân không chỉ đau bụng sau mỗi bữa ăn mà hễ hồi hộp, lo âu cũng sẽ bị đau bụng, chột dạ.

Tương tự chị T., anh T.Đ.V. (43 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM) cũng gặp các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa do stress. Gần đây, anh V. thường gặp các cơn đau thượng vị. Cơn đau cồn cào ruột gan, xảy ra vào lúc xế chiều hoặc quá trưa (khi bệnh nhân chưa kịp ăn). Thậm chí việc ăn no quá cũng làm cơn đau khởi phát.

Anh T. nghe lời bạn bè ra tiệm thuốc mua chục gói dung dịch tráng niêm mạc dạ dày để sẵn, mỗi lần bị đau lấy ra uống thì thấy triệu chứng giảm bớt. Tuy nhiên, cơn đau chỉ giảm lúc đó, vẫn tái đi tái lại.

Anh được bác sĩ chỉ định nội soi, phát hiện bị viêm loét dạ dày. Bác sĩ cho biết với bệnh này, dung dịch tráng niêm mạc dạ dày chỉ giúp giảm triệu chứng để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Nhiều người chủ quan khi thấy hết đau, trì hoãn không đi khám khiến tổn thương trong dạ dày ngày càng nặng, thậm chí gây xuất huyết dạ dày…

Những ca đã ổn định nay cũng tái phát

Stress và chế độ sinh hoạt không điều độ chẳng những làm khởi phát một số bệnh lý đường tiêu hóa mà nhiều trường hợp đã được điều trị ổn định nay tái phát. Trước đây, chị P.T.Q.A. (40 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TPHCM) bị chứng trào ngược dạ dày thực quản và đã được điều trị ổn định. Thế nhưng, hai tháng nay, bệnh nhân này lại thấy nóng rát ở vùng giữa ngực, ợ chua, nôn ói...

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày, bảy phòng khám tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca; trong đó, lượng bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích chiếm tới 70%. Đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị ổn định, nay bệnh tái phát.

Tất cả bệnh nhân này khi được khai thác bệnh sử đều chia sẻ mình đang gặp những lo toan và biến cố lớn trong cuộc sống. Có bệnh nhân bị áp lực kinh tế (công việc thay đổi; thu nhập bị cắt giảm; quá tải khi phải choàng gánh thêm quá nhiều việc ở cơ quan lẫn gia đình; đau buồn vì có người thân qua đời trong đại dịch…).

Những nhóm bệnh tiêu hóa dễ khởi phát do yếu tố tâm lý

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

- Viêm loét dạ dày: Tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mòn, lộ ra lớp mô bên dưới dẫn tới các ổ loét và chảy máu. Nếu không được can thiệp, phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị suy kiệt, thậm chí tử vong vì chảy máu.

Viêm loét dạ dày có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân (nhiễm vi khuẩn HP, bệnh tự miễn, lạm dụng thuốc kháng viêm - giảm đau). Căng thẳng, lo âu quá mức làm dịch vị dạ dày tăng tiết gây mất cân bằng chức năng dạ dày. Bên cạnh đó, ăn uống không điều độ và sử dụng nhiều chất kích thích, gia vị (đồ ăn cay nóng, chua, rượu bia…) cũng ảnh hưởng chức năng co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị dạ dày dẫn tới viêm loét niêm mạc dạ dày. 

- Trào ngược dạ dày thực quản: Chính là trào ngược dịch a-xít trong dạ dày. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng lên cơ quan hô hấp (viêm thực quản…), khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng.

Các dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám trào ngược dạ dày thực quản là: ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nóng rát vùng ngực dưới lan lên cổ, khó nuốt, ho, khản giọng, đắng miệng.

- Hội chứng ruột kích thích: (còn gọi là viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt). Bệnh này khi đi khám thì không phát hiện ra bất thường về mặt giải phẫu học nhưng bệnh nhân lại dễ dàng bị các rối loạn chức năng ruột tái đi tái lại. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tính mạng, là bệnh lành tính nhưng mang tới khá nhiều rắc rối, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của bệnh nhân.

Những nguyên nhân hàng đầu được cho rằng có liên quan tới hội chứng ruột kích thích: stress, thực phẩm (tùy cơ địa mỗi người), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, yếu tố di truyền và sự thay đổi nồng độ hoóc-môn ở phụ nữ vào chu kỳ kinh nguyệt.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là đau bụng, đi tiêu phân lỏng hoặc táo bón (nhưng trong phân không có lẫn máu). Cơn đau có thể xảy ra ngay trong hoặc sau khi ăn và tự hết sau khi bệnh nhân đi tiêu. Bệnh này tái đi tái lại và gặp nhiều ở phụ nữ.

Ngày nay, ngay cả trẻ em cũng được ghi nhận là mắc hội chứng ruột kích thích, khả năng liên quan đến áp lực học hành và thi cử.

Viêm loét dạ dày do dùng vitamin C quá độ

Ngoài ba nhóm bệnh tiêu hóa dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý vừa kể trên, hiện nay, số bệnh nhân tiêu chảy khi mắc COVID-19 cũng nhiều hơn. Lý do là trước kia, mọi người gần như chỉ quan tâm đến những tổn thương hệ hô hấp nên bỏ qua các triệu chứng khác vì nghĩ ít gây nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, thời gian này (phần vì hầu hết đã tiêm vắc xin COVID-19, phần do chủng virus mới ít gây tổn thương hệ hô hấp hơn), mọi người bắt đầu để ý nhiều tới dấu hiệu tiêu chảy, đau bụng. Một số bệnh nhân F0 sau khi âm tính với COVID-19 đã đi khám bởi vẫn cảm thấy các cơn đau bụng kéo dài.

Khi khám, bác sĩ phát hiện rất nhiều người trong số bệnh nhân này bị viêm dạ dày do dùng vitamin C quá độ để nâng cao đề kháng. Có bệnh nhân chia sẻ ngoài mỗi ngày uống một viên C sủi hàm lượng 1.000mg và  một ly nước cam. Chính điều này đã khiến nồng độ a-xít trong dạ dày tăng lên rất cao khiến bệnh nhân bị đau bao tử.

Qua đó, bác sĩ Hoàng lưu ý mọi người, cần cân bằng tâm lý trong cuộc sống, đừng để tinh thần bị áp lực mà không được giải tỏa. Dịch bệnh gây khó khăn trên mọi lĩnh vực của xã hội, dẫn tới sự bất an và lo âu cho tất cả mọi người. Thế nhưng chúng ta phải đối diện với thực tế, thu xếp lại mọi thứ vì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Đừng ngại chia sẻ khó khăn với người thân, thậm chí tìm chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

Mặt khác, nên cố gắng ăn uống đúng giờ, hạn chế thức ăn mang tính kích thích. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa tái đi tái lại, cần thu xếp đi khám để được điều trị kịp thời. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI