Các bệnh lý tiêu hóa dễ mắc mùa dịch

28/08/2021 - 06:45

PNO - Trong mùa dịch COVID-19, do chế độ ăn uống không lành mạnh, stress, bệnh mạn tính có sẵn… ta rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Vì thế, người dân cần nhận biết các dấu hiệu để quyết định trường hợp nào có thể trì hoãn, trường hợp nào cần tới bệnh viện ngay.

Các dấu hiệu bệnh lý đường tiêu hóa

Chị P.T.C.V. (ngụ đường Hòa Hảo, quận 10, TPHCM) cho biết con gái chị (7 tuổi) cách đây hai hôm kêu đau bụng, mệt, mặt tái xanh. Đêm đang ngủ, bé nôn thốc rồi tiêu chảy. Chị lấy men tiêu hóa và thuốc than hoạt tính cho con gái uống thì thấy êm.

Lúc này, chị V. mới thở phào, bởi nếu uống thuốc mà bé không bớt thì sẽ không biết phải xử trí thế nào vì lúc này thành phố đang giãn cách. Cho dù đưa con đi bệnh viện, chị cũng rất lo bởi phải tới bệnh viện trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay là điều không ai muốn.

Nêu cơn đau trở nên dữ dội kèm sốt, tiêu chảy nhiều lần, bệnh nhân cần nhập viện ngay để được chẩn đoán, điều trị. - Ảnh minh họa
Nêu cơn đau trở nên dữ dội kèm sốt, tiêu chảy nhiều lần, bệnh nhân cần nhập viện ngay để được chẩn đoán, điều trị (Ảnh minh họa)

Anh N.Đ.T. (ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ rằng, ba ngày nay anh không ngủ được do cơn đau dạ dày hành hạ. Trước đây, thỉnh thoảng khi quá căng thẳng hoặc ăn uống không đúng giờ, anh cũng bị đau dạ dày. Lúc đó, anh thường tự mua thuốc dạng dung dịch tráng niêm mạc dạ dày về uống là cơn đau dịu ngay. Thế nhưng đợt giãn cách này, nhà anh lại không có sẵn thuốc. Anh cho rằng đau dạ dày chỉ gây khó chịu chứ chưa tới mức nguy hiểm tính mạng nên cắn răng chịu đựng, chờ cơn đau tự hết.

Tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết hiện mỗi ngày ông tiếp vài chục cuộc điện thoại từ bạn bè, bệnh nhân cũ và người thân để hỏi về các dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa họ đang gặp phải. Có một số trường hợp nghiêm trọng, không thể trì hoãn, cần phải khám trực tiếp mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ Long đã yêu cầu người bệnh tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, không nên vì sợ dịch COVID-19 mà bỏ qua cơ hội chữa trị bệnh.

Nhóm bệnh lý nội khoa

Theo bác sĩ Long, bệnh lý tiêu hóa được chia làm hai nhóm là nội khoa (điều trị bằng thuốc) và ngoại khoa (can thiệp bằng phẫu thuật). Trước tiên, đối với nhóm bệnh tiêu hóa nội khoa, các bệnh lý hay gặp nhất là viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, viêm ruột, viêm đại tràng mạn tính, táo bón…

Một số người có tiền căn bị viêm dạ dày từ trước. Mùa dịch ở nhà ăn ngủ không điều độ, bỏ bữa; lo lắng về kinh tế, sức khỏe và công việc rất dễ làm khởi phát cơn đau dạ dày. Stress và chế độ sinh hoạt không điều độ cũng có thể làm khởi phát bệnh viêm loét dạ dày ở những người chưa từng có tiền sử bệnh.

Đa số các trường hợp đau dạ dày tạm thời không cần đi bệnh viện mà có thể dùng thuốc tại nhà. Thuốc tráng niêm mạc dạ dày được bán ở hiệu thuốc. Với những người có tiền căn viêm loét dạ dày, trong nhà lúc nào cũng nên có sẵn thuốc phòng hờ. Nếu sau khi uống thuốc mà cơn đau không giảm, bệnh nhân phải tới bệnh viện khám, không được trì hoãn thêm để loại trừ cơn đau do nguyên nhân khác.

Thời gian này, do không thể đi chợ mỗi ngày, người dân dự trữ thực phẩm nhiều hơn bình thường. Nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, rất dễ xảy ra tình trạng thức ăn bị nhiễm khuẩn, ăn vào gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì ngộ độc thực phẩm. Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa là sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nếu chỉ bị tiêu chảy ít, người bệnh có thể bù nước bằng các loại thuốc cân bằng điện giải như Oresol, uống nhiều nước lọc.

Với trường hợp tiêu chảy nhiều lần, bù nước bằng cách thông thường sẽ không đủ. Lúc này, cần đưa bệnh nhân nhập viện để được truyền dịch. Phải sử dụng thuốc cầm tiêu chảy dưới sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Các trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm trùng mà lại uống thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến dịch độc tố không thải ra ngoài được, từ đó có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, những bệnh lý nội khoa đường tiêu hóa hay mắc phải còn có viêm đại tràng mạn tính, táo bón. Triệu chứng của viêm đại tràng mạn tính là đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân lúc lỏng lúc táo, mệt mỏi… Các trường hợp bị táo bón là do chế độ ăn uống thiếu chất xơ, rau xanh… Những vấn đề này có thể điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống; nếu thuyên giảm thì người bệnh có thể đến gặp bác sĩ sau khi kết thúc thời gian giãn cách.

Khi gặp phải các triệu chứng nói trên, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ vẫn đang theo dõi sức khỏe cho mình hoặc gọi đến số điện thoại hỗ trợ về y tế mà Sở Y tế đã thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật

Vấn đề về bệnh lý đường tiêu hóa nguy hiểm hơn là nhóm cần phải can thiệp ngoại khoa. Đó là khi bệnh nhân xuất hiện các cơn đau bụng cấp. Đau bụng cấp tùy từng vị trí là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh lý như viêm ruột thừa, thủng dạ dày (do viêm loét dạ dày nặng gây biến chứng), viêm tụy cấp, viêm túi mật, sỏi mật, viêm tắc động mạch treo…

Hội cũng kêu gọi chị em tận dụng rau sạch trong nhà hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Chị em ở Hà Tĩnh được Hội Phụ nữ kêu gọi tận dụng rau sạch trong nhà hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Phan Ngọc

Tóm lại, khi xuất hiện các cơn đau bụng kèm theo sốt kéo dài từ 3 - 4 ngày, thậm chí đau dai dẳng trong vòng một tuần thì phải đi bệnh viện ngay.

Viêm tụy cấp xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể liên quan tới chế độ ăn uống. Tuyến tụy vừa có chức năng ngoại tiết vừa có chức năng nội tiết. Chức năng ngoại tiết của tuyến tụy là tiết ra các men tiêu hóa để hỗ trợ quá trình phân giải, chuyển hóa và hấp thụ thức ăn của cơ thể. Còn chức năng nội tiết của tuyến tụy là tiết ra insulin và glucagon để cân bằng chỉ số đường huyết.

Bình thường, các men tụy đều được tiết ra ở dạng tiền chất, không hoạt động và chúng chỉ được chuyển hóa thành dạng hoạt động khi ở tá tràng. Thế nhưng vì một nguyên nhân nào đó như tắc nghẽn, tổn thương, các men này chuyển thành dạng hoạt động ngay trong lòng ống tụy rồi phá hủy các nhu mô tuyến tụy gây nên tình trạng viêm tụy cấp, thậm chí là hoại tử với những cơn đau thượng vị đột ngột, dữ dội.

Chế độ dinh dưỡng quá nhiều thịt, lạm dụng rượu và ít rau xanh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm tụy cấp. Tuyến tụy và hệ thống gan mật dùng chung một ống dẫn các men tiêu hóa vào ruột non. Khi nhu mô tụy bị viêm nhiễm, phù nề sẽ gây tắc nghẽn cả ống dẫn mật, làm tắc mật.

Viêm tụy cấp nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nghiêm trọng, nguy hiểm tính mạng. Khi đau do viêm tụy cấp, người bệnh sẽ cảm nhận vị trí đau ở trên rốn, đau dữ dội rồi lan ra sau lưng, nôn nhiều.

Lưu ý, khi cảm thấy đau bụng kéo dài kèm sốt, người bệnh không nên tự ý điều trị bằng thuốc mà nên tham vấn bác sĩ. Với một số bệnh như viêm ruột thừa ở giai đoạn đầu, dùng thuốc sẽ làm thuyên giảm triệu chứng nhưng đó là sự thuyên giảm giả tạo, rất nguy hiểm. Vì triệu chứng đau giảm đi nên người bệnh sẽ chủ quan, trong khi đó bệnh vẫn âm thầm tiến triển dẫn tới ổ viêm nhiễm vỡ ra gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, đe dọa tính mạng. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI