Nhật: Một phụ nữ kiện người đàn ông hiến tinh trùng, đòi bồi thường gần 3 triệu USD

17/01/2022 - 17:46

PNO - Một phụ nữ ở Tokyo (Nhật) kiện người hiến tinh trùng cho mình, đòi bồi thường 330 triệu yên vì đã nói dối cô về bản thân.

Sự vụ khiến các chuyên gia ở Nhật lên tiếng cần phải có quy định trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản ở đất nước đang có xu hướng “già hóa” nhanh này.

Vấn đề hiến tặng tinh trùng ở Nhật Bản là một vấn đề gay gắt
Vấn đề hiến tặng tinh trùng ở Nhật Bản là một vấn đề gay gắt

Người phụ nữ, tên đang được giữ bí mật theo các quy định về quyền riêng tư của tòa án, được cho biết đã kết hôn và ở độ tuổi 30. Cô đã có một con với chồng, trước khi người chồng được chẩn đoán mắc bệnh di truyền nghiêm trọng khiến cặp đôi không thể sinh thêm con.

Với mong muốn có đứa con thứ 2, người phụ nữ đã lên mạng xã hội để tìm người cho tinh trùng. Cuối cùng, cô kết nối được với một người đàn ông đến từ miền bắc nước Nhật. Người đàn ông này tự giới thiệu là người Nhật, còn độc thân và đã tốt nghiệp trường Đại học Kyoto danh tiếng. Theo tờ Tokyo Shimbun, người phụ nữ đã quan hệ tình dục với người đàn ông này 10 lần, và cuối cùng cô mang thai vào tháng 6/2019.

Tuy nhiên, sau đó cô phát hiện ra rằng người cho tinh trùng là một công dân Trung Quốc, đã kết hôn với một phụ nữ Nhật, và tốt nghiệp một trường đại học ở vùng nông thôn phía bắc Nhật. Khi đó, cô không thể bỏ thai vì đã quá muộn. Sau khi sinh con xong, cô lập tức mang đứa bé cho gia đình khác làm con nuôi.

Người phụ nữ đã đệ đơn kiện đòi bồi thường 330 triệu yên (khoảng hơn 65 tỷ đồng) vì đã phải chịu nhiều đau khổ về tinh thần. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo vào tuần trước, luật sư của người phụ nữ này cho rằng động cơ chính của cô là để vụ việc “dẫn đến một cuộc tranh luận toàn diện hơn về lĩnh vực hiến tặng tinh trùng ở Nhật”.

Bác sĩ Yasushi Odawara - Giám đốc Phòng khám sản khoa Tokyo - cho biết Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật đã lên kế hoạch ban hành các hướng dẫn và quy định về việc hiến tặng tinh trùng trong nhiều năm qua, nhưng các cuộc thảo luận đã đi đến chỗ bế tắc vì các vấn đề đạo đức.

“Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là quyền được biết cha mình là ai của những đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng được hiến tặng. Trên thực tế, nhiều người hiến tặng không muốn tiết lộ danh tính của mình trong tương lai”, ông Odawara nói.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, khi những đứa trẻ xác định được cha đẻ của chúng sẽ là ai, thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của người cha theo pháp luật. Chẳng hạn, người cha phải hỗ trợ tài chính cho việc nuôi dạy, hoặc trang trải chi phí y tế cho đứa trẻ, trong khi một số người hiến tặng cũng có thể đã kết hôn và không thông báo cho vợ về việc đã hiến tặng tinh trùng.

Ngoài ra, theo tờ SCMP, ở một “góc khuất” khác trong việc hiến tặng tinh trùng ở Nhật, hiện có nhiều công ty nước ngoài đang tham gia vào hoạt động này vì mục đích thương mại, nhưng lại nằm ngoài kiểm soát của pháp luật. Tờ báo này cho biết, có hàng trăm phụ nữ Nhật được cho là đã mua tinh trùng từ Cryos International - ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch.

Công ty này cung cấp dịch vụ hiến tặng tinh trùng tại Nhật từ năm 2019, với khách hàng là những phụ nữ độc thân không có kế hoạch kết hôn, các cặp vợ chồng mà một người bạn đời không thể sinh con, và những người thuộc các nhóm thiểu số về xu hướng tình dục.

Giáo sư Yoko Tsukamoto của Đại học Khoa học y tế Hokkaido cho rằng trước tiên, thái độ xã hội ở Nhật đối với việc hiến tặng tinh trùng cần phải được thay đổi, để việc này có thể được chấp nhận như ở các nước khác.

“Hiện không có quy định nào về việc hiến tặng tinh trùng và đó là lý do tại sao một số phụ nữ phải lên mạng để tìm người hiến tặng. Điều này khá rủi ro vì nhiều lý do khác nhau, như những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong vụ kiện nói trên.

Kế đến là vấn đề mang thai hộ. Những người mang thai hộ hiện cũng được khá nhiều người phụ nữ không thể mang thai và sinh con bình thường ở Nhật săn đón. Nhưng điều đó dẫn đến vấn đề về quan hệ dòng tộc, một điều rất quan trọng theo văn hóa của nước Nhật”, giáo sư Tsukamoto giải thích.

Cô cũng cho biết thêm, ở Nhật, một cặp vợ chồng nuôi một đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ mang thai hộ không thể đăng ký khai sinh cho đứa trẻ như là con của mình, và điều này làm nảy sinh hoạt động mang thai hộ “lén lút”, mang tính thương mại.

“Công nghệ hỗ trợ sinh sản ở Nhật đã phát triển rất nhiều trong những năm gần đây, nhưng luật pháp và quy định của đất nước đã không theo kịp. Vấn đề không nằm ở năng lực của y khoa, mà ở trong các định nghĩa pháp lý nghiêm ngặt của Nhật về gia đình”, giáo sư Tsukamoto nhận định.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI