Nhận thuốc phải ký cam kết, bệnh viện bị khiếu nại lên Bộ Y tế

10/11/2020 - 13:24

PNO - Đưa con đi tái khám, người cha phải ký vào phiếu tư vấn do bác sĩ đưa, trong đó có câu: “Tôi ký tên xác nhận dưới đây là tôi đã hiểu rõ nội dung và không thắc mắc gì thêm”.

 

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM

Dùng thuốc thay thế để tránh vỡ quỹ bảo hiểm y tế?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết con trai ông tên N.N.Đ.K. (sinh năm 1999, nhà ở quận Phú Nhuận) đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM.

Suốt 21 năm điều trị, con trai ông được Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM truyền máu và cho uống thuốc thải sắt hiệu Exjade 250mg. Thuốc Exjade 250 mg (là thuốc gốc) được Bệnh viện Truyền máu Huyết học cung cấp cho bệnh nhân với giá 197.000 đồng/viên – là loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây, thuốc Exjade 250mg chập chờn, lúc có lúc không. Ông cứ thấy sau khi bệnh nhân hoặc thân nhân khiếu nại chuyện thiếu thuốc thì sau khoảng 1 tuần lại được cấp thuốc Exjade 250mg. 

Gần đây nhất là khoảng 2 tháng nay, bệnh viện lại ngưng cấp thuốc Exjade với lý do hết thuốc, không đấu thầu được và kê thuốc thay thế là Deferox 500mg. Theo ông Hùng, thuốc Deferox 500mg có giá khoảng 27.000 đồng/viên nhưng liều lượng đến 500mg. Tính ra, một viên thuốc thay thế rẻ hơn thuốc gốc đến 14,6 lần.

Tuy nhiên, vì lo lắng tác dụng phụ của thuốc thay thế nên mỗi lần Bệnh viện Truyền máu Huyết học thông báo hết thuốc, ông Hùng và một số bệnh nhân khác phải bỏ tiền túi ra bên ngoài mua thuốc Exjade, chứ không dám dùng thuốc mà bệnh viện cung cấp.

Số tiền mà ông Hùng bỏ ra để mua thuốc Exjade khi bệnh viện hết thuốc hơn 100 triệu đồng. “Bệnh viện cắt thuốc Exjade không phải là lần đầu, mà từ năm 2018. Tôi lo hơn khi vào ngày 16/7/2020, con tôi vừa cắt bỏ lá lách do ứ đọng quá nhiều chất sắt trong lách. Nếu dùng thuốc thải sắt không đạt tiêu chuẩn thì chất sắt sẽ xâm nhập vào tim gan, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, con trai có thể tử vong”.

Phiếu tư vấn mà bác sĩ Bệnh viện Truyền máu Huyết học đưa cho ông Nguyễn Văn Hùng ký khi ông đưa con đến khám và nhận thuốc Exjade 250 mg
Phiếu tư vấn mà bác sĩ Bệnh viện Truyền máu Huyết học đưa cho ông Nguyễn Văn Hùng ký vào ngày 16/10/2020 khi ông đưa con đến khám và nhận thuốc Exjade 250 mg

Ngày 16/10/2020, nữ bác sĩ N.T.H.H. – Trưởng khoa Khám bệnh mời ông vào phòng với lý do để tư vấn về nội dung vì sao thuốc Exjade 250mg trị bệnh cho con ông bị tạm ngưng trong khoảng 2 tháng gần đây. Sau đó, bác sĩ này đưa ông phiếu tư vấn yêu cầu ông ký tên trước khi được nhận thuốc Exjade 250 mg trở lại.

Trong phiếu tư vấn này, có chữ ký của ông Hùng và bên trái là chữ ký và tên được in bằng mộc ghi rõ "BS CK2 N.T.H.H." Ông Hùng cho biết lúc đó có yêu cầu phải có đóng dấu mộc tròn của bệnh viện vào tờ phiếu tư vấn này nhưng bác sĩ không đáp ứng.

Phiếu tư vấn của Bệnh viện Truyền máu Huyết học ghi rõ: “Việc dùng cả thuốc chính hãng (Exjade) và thuốc tương đương sinh học (Duritex, Deferox...) để điều trị quá tải sắt là theo đúng yêu cầu của Sở Y tế và bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo không vượt chi, giảm nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế. Các thuốc trên được dùng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học đảm bảo nguyên tắc đấu thầu theo đúng quy định, có giám sát từ Sở Y tế TPHCM và đều được Cục quản lý Dược Việt Nam cấp phép lưu hành”.

Bệnh viện “bán cái” đổ trách nhiệm cho bệnh nhân?

Ngoài ra, trong phiếu tư vấn có nội dung: “Quá trình cung cấp thuốc có thể bị tạm ngưng hay ngưng vĩnh viễn vì rất nhiều lý do khách quan: ngưng sản xuất, vấn đề nhập khẩu, vận chuyển, giấy phép lưu hành, đấu thầu.

Vào thời điểm bệnh viện không cung cấp được một loại thuốc nào đó, bệnh nhân có quyền quyết định sử dụng thuốc thay thế sẵn có tại bệnh viện hay tạm ngưng không dùng thuốc tiếp hay chuyển sang bệnh viện khác để tiếp tục điều trị và chịu trách nhiệm về quyết định này. Bệnh viện Truyền máu Huyết học sẽ hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến bảo hiểm y tế nếu người bệnh có nhu cầu”.

Bên dưới phiếu tư vấn có dòng chữ: “Tôi ký tên xác nhận dưới đây là tôi đã hiểu rõ nội dung và không thắc mắc gì thêm”.

Ông Nguyễn Văn Hùng muốn hỏi có phải bệnh viện đang muốn phủi tay khi con ông bị tác dụng phụ do dùng thuốc thay thế cho thuốc gốc hay không?
Ông Nguyễn Văn Hùng nghi ngờ bệnh viện đang muốn phủi tay khi con ông bị tác dụng phụ do dùng thuốc thay thế 

Ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc cho rằng: “Phiếu tư vấn này có câu bệnh nhân có quyền chuyển sang nơi khác điều trị và chịu trách nhiệm về quyết định này. Phải chăng bệnh viện này đang có ý muốn đuổi khéo cha con tôi đi? Bệnh tan máu bẩm sinh thì còn nơi nào khác ở TPHCM có chuyên môn điều trị như ở đây mà gợi ý như vậy? Phiếu tư vấn này chính là cách để bác sĩ đổ trách nhiệm cho người bệnh nếu sau này nếu thuốc Exjade 250mg tiếp tục đứt hàng. Và cũng là cách bệnh viện muốn dùng thuốc thay thế rẻ tiền hơn. Nếu lỡ con tôi bị tác dụng phụ từ thuốc thay thế thì bệnh viện phủi tay không?”.

Không chỉ có phiếu tư vấn vào ngày 16/10/2020, ông Nguyễn Văn Hùng còn cho biết vào ngày 3/10/2020, ông cũng phải ký một cam kết với nội dung tương tự như: “Tôi cam kết không thắc mắc và khiếu nại về sau”; “Tôi hoàn toàn hiểu và chấp nhận tác dụng phụ có thể xảy ra (nếu có) và chi phí sử dụng thuốc".

Phải chăng với phiếu tư vấn này, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cho rằng mọi việc khách quan, từ chuyện hết thuốc là ngưng sản xuất, nhập khẩu, đấu thầu... dẫn đến phải dùng thuốc thay thế (theo chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM)?

Quá bức xúc, ông Hùng đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở Y tế TPHCM và Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Cả hai nơi này thông báo nhận được đơn của ông.

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM
Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM

Sáng 10/11, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mến – Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - khẳng định việc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM bắt bệnh nhân, thân nhân phải ký cam kết theo như nội dung phiếu tư vấn là không hợp lý.

“Bệnh viện yêu cầu bệnh nhân ký cam kết như vậy là không đúng. Nếu xảy ra tác dụng phụ khi dùng thuốc, bệnh nhân phải chịu hay sao? Thầy thuốc sinh ra để chữa bệnh, dùng thuốc gì phải do bác sĩ chỉ định và bác sĩ phải chịu trách nhiệm chuyện này. Còn nếu bệnh viện nói thiếu thuốc là do đấu thầu thì cũng là lỗi của bệnh viện trong lập kế hoạch thầu.

Bảo hiểm y tế không can thiệp vào chuyện bác sĩ kê thuốc gì cho bệnh nhân, chỉ can thiệp vào chuyện thanh toán. Nếu thuốc nào có trong danh mục mà bệnh viện sử dụng thì bảo hiểm sẽ thanh toán. Bảo hiểm y tế chỉ khuyến cáo khi một số bệnh viện dùng thuốc có giá rất cao trong khi có các thuốc khác tương đương có giá tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ khuyến cáo rất ít thôi", ông Mến thẳng thắn.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi ông Nguyễn Văn Hùng, thông báo đã chuyển đơn đến Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người gửi đơn và báo cáo kết quả giải quyết về sở. 

Để có thông tin nhiều chiều, từ nhiều ngày qua, chúng tôi đã tìm mọi cách liên lạc bằng cách gọi và nhắn tin nhưng tiến sĩ - bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM không phản hồi.

Ngày 10/11, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đây là sự việc xảy ra tại một bệnh viện ở TPHCM nên Sở Y tế TPHCM có trách nhiệm giải quyết sự việc này. 

 

Hiếu Nguyễn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI