Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên và cuộc "lạc lối trên chuyến tàu trở về Đà Lạt thuở hoàng kim"

13/01/2021 - 14:01

PNO - "Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ" là tác phẩm biên khảo thứ ba của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về thành phố sương mù.

Năm 2019, khi tập biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù phát hành, trò chuyện với Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nghe anh bảo đang tiếp tục bắt tay thực hiện một dự án sách mới – cũng về Đà Lạt. Giờ đây, tác phẩm ấy vừa chính thức được ra mắt: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (Nhà xuất bản Trẻ).

Anh nói, mỗi lần viết về Đà Lạt đều là một cách tiếp cận đề tài mới. Với Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ  là câu chuyện về “những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố”.

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

“Cuộc hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu có thể có nhiều khúc khuỷu, nhưng có phải được khởi đầu từ những toan tính thực dụng của một Hoàng đế - mà số phận "buộc phải làm Hoàng đế" như nhiều người đã quy chụp? Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam có phải là người bạc nhược như trong những diễn tả của những người đã từng “chung thuyền” trong Hội nghị trù bị Đà Lạt năm 1946? Hàn Mặc Tử đã bị khí trời Đà Lạt khiến cho suy nhược ra sao để rồi bật ra trên trang giấy một Đà Lạt trăng mờ bất tử?...” - Nguyễn Vĩnh Nguyên bày tỏ trên trang cá nhân ngày tác phẩm chính thức được phát hành, 13/1.

Những giả thuyết khiến tác giả mải miết đi tìm câu trả lời, minh định và rồi dẫn dắt người đọc cùng trở về với một Đà Lạt thưở hoàng kim mà “bên dưới sương mù” ấy còn ẩn giấu bao điều của dĩ vãng.

Cuốn sách kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt: giữa các tao nhân mặc khách, chính khách, bác sĩ quốc tế, các nhà dân tộc học, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp giữa Quách Tấn – Hàn Mặc Tử, nhà chính trị Doumer và bác sĩ Yersin...Những cuộc gặp gỡ góp phần làm rõ những dấu ấn văn hóa, làm nên tính cách đặc thù của Đà Lạt.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

 “Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi. Thành phố còn rất nhiều điều cuốn hút, làm cho tôi cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính.

Cuốn biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời” – nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên bày tỏ.

Nhiều lần tình cờ trao đổi công việc thường nghe anh bảo đang đọc tài liệu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 (TPHCM), có lúc ở Đà Lạt. Công việc lần về quá khứ mà anh bảo "suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ". Gần 10 năm qua, nhà văn vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu về thành phố sương mù để có được bộ ba tác phẩm khảo cứu giá trị: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, Đà Lạt, bên dưới sương mù và Đà Lạt, một thời hương xa (riêng tác phẩm này đã tái bản đến lần thứ 6). 

Ngoài ra, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn có tạp văn, tiểu thuyết viết về Đà Lạt được yêu thích: Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, Miền sương khói và Ký ức của ký ức. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI