Diễn đàn góp ý quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt)

Sai lầm của Paris và “giấc mộng” của Đà Lạt

21/08/2020 - 18:42

PNO - Chúng ta di dời cả công trình lịch sử vào một góc để nhường đất xây dựng cho các công trình khác mà chức năng và quy mô của nó không thích hợp cho một trung tâm lịch sử của đô thị.

Trước sự phản ứng của dư luận về ba phương án quy hoạch đồi Dinh (được trưng bày để lấy ý kiến từ nay tới hết 14/9), trả lời báo chí ngày 19/8, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt nói: “Đà Lạt cần thay đổi để phát triển, không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”. Về ba phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng mà tỉnh đưa ra, ông Trình phát biểu: “Đều phù hợp trong sự tổng hòa phát triển chung của Đà lạt hướng đến đô thị di sản Đà Lạt”.

Sau bài viết Mượn “chiêu” chỉnh trang đô thị, để “bê tông hóa” những mảng xanh cuối cùng của Đà Lạt? đăng trên số báo 89 ngày 19/8/2020, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý của chuyên gia, những người yêu di sản Đà Lạt xung quanh dự án đang gây tranh cãi này.

Từ sau cuộc đại cải tạo rầm rộ Paris của luật sư Haussmann vào nửa cuối thế kỷ XIX, hơn một thế kỷ sau, Paris mới có một thời kỳ chuyển mình muốn đầu tư để phát triển, và xây dựng những công trình hiện đại ngang tầm thế giới. Bộ mặt khu phố nghệ sĩ Montparnasse được thay đổi. Nhà ga Montparnasse vốn quá bé, được xây dựng lại cách địa điểm cũ 400m, nhường chỗ cho trung tâm thương mại và tháp Montparnasse. Tháp Maine Montparnasse được xây dựng từ năm 1969 đến năm 1972 tại khu Montparnasse thuộc Q.15, Paris. Tòa nhà 59 tầng này có chiều cao tổng cộng 210m. 

Tòa tháp đã phá vỡ các trật tự mà TP.Paris đã cải tạo chỉnh trang, có sự tranh chấp chiều cao của tòa tháp với tháp Eiffel. Đa số người dân Paris không ai tự hào cái tòa tháp này. Họ gọi đây là “một vết bẩn đối với Paris - thành phố đẹp nhất thế giới”. Hội đồng giám khảo bầu chọn những tòa nhà xấu nhất thế giới cho rằng, chỉ có một lý do duy nhất khiến người ta phải đến thăm tòa nhà cao 210m này và đi thang máy lên tầng cao nhất của nó: “Đó là nơi duy nhất để người ta được ngắm Paris mà không phải nhìn thấy tòa tháp xấu xí này”.

Khu đồi Dinh - vị trí đắc địa để ngắm Đà Lạt từ trên cao, cũng là mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm Đà Lạt
Khu đồi Dinh - vị trí đắc địa để ngắm Đà Lạt từ trên cao, cũng là mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm Đà Lạt

Nhận thấy các tòa nhà cao chọc trời không phù hợp trong các khu phố cổ lịch sử, cựu tổng thống Mitterrand đã ra lệnh cấm triệt để, Paris ban hành luật giới hạn chiều cao trong mức 36m dành cho những tòa nhà mới xây trong nội ô thành phố. Giới hạn này được đặt ra để bảo tồn tính thẩm mỹ độc đáo của Paris, tạo nên từ những cách tân của Baron Haussmann vào thế kỷ XIX, điều đã làm nên những đại lộ, công viên và những ngôi nhà có ban công mang tính biểu tượng cho thành phố này.

Theo đó, các công trình hiện đại và cao tầng sau đó như trung tâm thương mại, khách sạn hạng sang, rạp chiếu bóng, các công trình mang biểu tượng mới của Paris đều được đưa ra khu đất mới của thành phố - khu La Défense. Cổng La Défense là một minh chứng. Một cuộc thi thiết kế quốc tế mà phần thắng thuộc về kiến trúc sư Đan Mạch Johan Otto von Spreckelsen. Ông đã thiết kế ra một “Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) của thời hiện đại”, “một cánh cửa mở ra thế giới” để con người gặp gỡ, trao đổi tri thức, tập tục, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa với nhau. Ý tưởng này được cả giới chuyên môn lẫn thường dân đồng tình ủng hộ.

Tuy các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo chỉnh trang mà cựu tổng thống Mitterrand đề xuất ít nhiều gây tranh cãi, song tất cả đều thống nhất rằng, các công trình của ông đều có một chức năng văn hóa quan trọng; đồng thời, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân. Họ vốn luôn tò mò và muốn được thỏa mãn nhu cầu sáng tạo cũng như nhu cầu được trao đổi văn minh - văn hóa (đặc biệt là văn minh Đông phương). Những công trình này đều là những điển hình trong việc thiết lập những tiêu chuẩn kiến trúc mới. Quá trình thiết kế thi công xây dựng đã thu hút được sự tham gia của những kiến trúc sư tài giỏi nhất, đến từ nhiều quốc gia, nhiều vùng văn hóa khác nhau, đã bồi đắp thêm giá trị thẩm mỹ mới cho Paris hoa lệ.

Còn Đà Lạt được mệnh danh là một “tiểu Paris” thì sao? Khu trung tâm Hòa Bình vốn là một trung tâm lịch sử có nhiều dấu ấn. Thế nhưng, chúng ta không có điều kiện hoặc buông lỏng quản lý để xây chen hoặc cơi nới, hậu quả là làm méo mó không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, thiếu quan tâm dẫn đến các công trình xuống cấp, để giờ đây đập bỏ cái cũ để xây dựng cái mới đầy lạ lẫm với không gian cảnh quan đặc biệt của Đà Lạt.

Chúng ta di dời cả công trình lịch sử vào một góc để nhường đất xây dựng cho các công trình khác mà chức năng và quy mô của nó không thích hợp cho một trung tâm lịch sử của đô thị. Các phương án thiết kế đưa ra bao vây bóp nghẹn Dinh tỉnh trưởng như một cái gai của nhà thiết kế muốn di chuyển đi đâu cũng được.

Đà Lạt có quá nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng so với những thành phố cùng loại. Quỹ đất của Đà Lạt ở ngoại vi khu trung tâm còn nhiều, thoải mái xây dựng các chức năng đó. Sự biện minh vì Đà Lạt cần có công trình hiện đại, cần tiền để xây dựng hạ tầng mà phải đánh đổi một phần đất nhỏ nhoi, một phố thị thuần Việt theo cách Đà Lạt, một mảng xanh còn sót lại giữa “rừng bê tông” trong lõi trung tâm để “đổi đất lấy hạ tầng” quả là cay đắng để lại cho thế hệ mai sau.

Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • nguyendung 26-08-2020 09:16:38

    thay đổi đễ phát triển là quy luật tất nhiên.., vấn đề là làm thế nào ?.. còn với việc gọi là di sản thì ( xin lỗi ! ) có mấy người quan tâm và cũng đã có bao nhiêu là cái được gọi như thế đã chẳng còn vết tích...!!!

  • Nguyễn Văn 25-08-2020 08:18:10

    Đà Lạt hẫp dẫn du khách khi bảo tồn được các di sản có giá trị. Dinh Tỉnh trưởng có giá trị khi gắn liền với cảnh quan hiện nay. Di dời hoặc xây công trình lớn bên cạnh cũng ngang với sự phá hoại. Dân du lịch đến tham quan châu Âu như trảy hội là để được ngắm các di sản, thậm chí chỉ là những con phố, vỉa hè được gìn giữ hàng trăm năm.

  • mèo meo 22-08-2020 16:09:52

    tiền quyết định tất cả, đến một người ít học cũng biết được giá trị của sự bảo tồn vẻ sơ khai của Đà lạt thì không lý gì mà các nhà quản lý học rộng biết nhiều lại không hiểu điều đó

  • tuấn nguyễn 22-08-2020 12:01:18

    Nên cho Đà Lạt có một đặc quyền , giống như đặc khu , đừng đánh đồng nơi này giống như những vùng đất đô thị khác . Đà Lạt vốn dĩ là một nơi đặc biệt với danh lam thắng cảnh và là nơi nghỉ dưỡng thưởng ngoạn thật thơ mộng với nền khí hậu đúng tiêu chuẩn châu âu. Chúng ta nên có trách nhiệm gìn giữ và tôn tạo Đà Lạt như là một bảo vật văn hóa nghệ thuật của đất nước , chỉ có những người có đầu óc thực dụng thì họ mới biến vùng đất hiền hòa này thành một đô thị hiện đại , phá vỡ cảnh quan thơ mộng, tận diệt các đồi thông các dòng suối , vô tình biến đổi khí hậu trong lành hiếm có ở một đất nước nhiệt đới. Khi Đà Lạt biến thành một thành phố với nhiều tòa nhà cao tầng những mảng bê tông phủ lấp những rừng cây những đồi cỏ xanh rì và khí hậu nóng lên không còn như xưa nữa thì xin hỏi lên ở trên đó có còn là " lý tưởng " nữa không khi vấn đề di chuyển sinh hoạt buôn bán làm gì thuân lợi bằng dưới đất liền.

  • nguyễn phương 22-08-2020 04:02:32

    Người yêu Đà Lạt thì muốn giữ lấy những hoài niệm ,những gì đã làm nên Paris Phương Đông ,nhưng các nhà lãnh đạo Đà Lạt hiện tại muốn thay đổi .Xóa bỏ ký ức hoài niệm muốn phát triển Đà Lạt thành một TP hiện đại với nhà cao tầng ,bê tông hóa mảng xanh ít ỏi còn sót lại của nội ô Đà Lạt .Vài chục năm sau người Đà Lạt sẽ hối tiếc với những gì mà họ lựa chọn ,ngày đó không xa đâu.

    • Hưng

      Không phải họ muốn phát triển hay hiện đại gì cả, mà vì những vật chất nhà đầu tư chuyển vào túi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI