Nguy cơ dịch COVID-19 lan ra từ khu công nghiệp

10/05/2021 - 06:01

PNO - Chỉ trong một ngày, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận chùm ca bệnh là công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không siết chặt, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch thì có thể sẽ phải đối diện với những bài học đắt giá.

Dịch đã tấn công vào khu công nghiệp

Sau nhiều ngày ghi nhận các bệnh nhân COVID-19 trong các cơ sở y tế, khu dân cư… ngày 9/5, tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện chùm ca bệnh tại khu công nghiệp (KCN) với diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chị N.T.T. (34 tuổi, ngụ tại Hữu Lũng, Lạng Sơn) là trường hợp đầu tiên ghi nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Shin young Việt Nam (Công ty Shin young). Chị có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với một cặp vợ chồng mắc COVID-19 sau khi trở về từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Đáng lưu ý, hằng ngày, bệnh nhân đều có lịch trình đi xe tuyến cố định đưa đón công nhân tới KCN và tiếp xúc với nhiều người tại nơi làm việc. Ngay sau ca bệnh này, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 30 ca dương tính khác tại Công ty Shin young, tính đến chiều 9/5.

Ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Giang, cho biết, Công ty Shin young nằm trong KCN Vân Trung (Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với khoảng 3.000 công nhân đang làm việc. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, cơ quan chức năng đã phân loại, lấy mẫu xét nghiệm và đưa những người là đối tượng F1 đi cách ly tập trung, các trường hợp F2 được khuyến cáo trở về nhà và thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nhà trong 21 ngày theo quy định.

Ngay trong sáng 9/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại KCN bởi nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát tại địa bàn tập trung đông đúc công nhân. Được biết, KCN Vân Trung là một trong những đơn vị có quy mô lớn tại tỉnh Bắc Giang với khoảng 80.000 người lao động.

Xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (TP.Hà Nội) sau khi ghi nhận hai ca dương tính tại Công ty Panasonic và Vico
Xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (TP.Hà Nội) sau khi ghi nhận hai ca dương tính tại Công ty Panasonic và Vico

Trong đợt dịch lần này, có thể thấy tỉnh Bắc Giang đang là địa phương có số mắc cao nhất tại KCN và dự kiến con số có thể chưa dừng lại.

Trước đó, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận hai ca mắc là công nhân của nhà máy Panasonic và nhà máy Vico tại KCN Thăng Long (H.Đông Anh). Hai ca mắc này có liên quan tới trường hợp “siêu lây nhiễm” tại Hà Nam, được phát hiện mắc bệnh sau khi trở về từ khu cách ly. Hai ca bệnh này cũng khiến lãnh đạo TP.Hà Nội không khỏi lo lắng. Dù trong ngày nghỉ lễ 30/4, song Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng đã trực tiếp xuống kiểm tra công tác phòng dịch tại H.Đông Anh và nhấn mạnh các biện pháp tăng cường để kiểm soát dịch bệnh không lây lan trong KCN. 

Bài học đắt giá từ tỉnh Hải Dương

Cuối tháng 1/2021, hàng chục công nhân tại Công ty TNHH Poyun (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) được phát hiện mắc COVID-19 và sau đó nhanh chóng lây lan ra khắp địa bàn tỉnh với tổng số hơn 700 ca nhiễm. Để khoanh vùng dịch, tỉnh Hải Dương đã phải thực hiện giãn cách toàn tỉnh và phong tỏa nhiều xã, khu vực dân cư. Không chỉ có số ca lây nhiễm lớn, cuộc sống người dân đảo lộn, kinh tế của Hải Dương cũng bị ảnh hưởng, hàng loạt tỉnh, thành đã phải giải cứu nông sản cho địa phương này…

Điều đáng nói, khi kiểm tra “tâm dịch” từ Công ty TNHH Poyun, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này không tuân thủ quy định phòng, chống dịch như những văn bản, hướng dẫn đã ban hành. Từ bài học đắt giá ấy, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, việc kiểm soát dịch bệnh tại các KCN, nhà máy, xí nghiệp đặc biệt quan trọng bởi nguy cơ lây nhiễm cao. 

 

 

Các chuyên gia nhận định, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao trong các khu công nghiệp nếu không tuân thủ quy định phòng, chống dịch
Các chuyên gia nhận định, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao trong các khu công nghiệp nếu không tuân thủ quy định phòng, chống dịch

Đáng lưu ý, trong đợt dịch lần này, theo ông Trần Đắc Phu, do trải qua kỳ nghỉ lễ dài, công nhân từ các địa phương trở về làm việc nên nguy cơ là hiện hữu ở tất cả các KCN trên cả nước. “Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kêu gọi, yêu cầu phải xây dựng bản đồ an toàn các nhà máy, xí nghiệp, nhưng theo tôi biết thì đến nay không có nhiều địa phương thực hiện. Nếu cứ tình trạng này, khi cộng đồng có một ca nhiễm bệnh thì các KCN, các nhà máy xí nghiệp sẽ vô cùng nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm, trở thành ổ dịch rất cao”, ông Trần Đắc Phu cảnh báo.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, không riêng tỉnh Bắc Giang mà tất cả các địa phương đều phải nâng cao cảnh giác, siết chặt phòng, chống dịch trong tình hình thực tế - Việt Nam đang xuất hiện nhiều ổ dịch với tốc độ lây nhiễm nhanh. Trong đó, cần thực hiện nghiêm quy định như: bắt buộc công nhân khai báo y tế, thực hiện các biện pháp 5K... Đặc biệt, phải có biện pháp phát hiện sớm các trường hợp ho, sốt, khó thở, và những người có nguy cơ khác để báo cho nhân viên y tế ngay. 

Chia sẻ với phóng viên, một thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hưng Yên cho hay, là nơi tập trung nhiều KCN, Hưng yên luôn xác định, đây là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cùng những diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh các quy định của Bộ Y tế, tỉnh này đã phân quyền, giao trách nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các huyện, các KCN, doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở của mình.

Tuy nhiên, khi trả lời về việc có thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để đánh giá, phát hiện nguy cơ ở khu vực này hay không, vị này cho hay, hiện do số lượng mẫu xét nghiệm người có liên quan tới các ổ dịch như Hà Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K… nhiều nên chưa thể thực hiện. Thực tế, đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay. 

Mới đây, làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, địa bàn liên tục ghi nhận số ca COVID-19 tăng cao trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý về vấn đề phòng, chống dịch tại các công ty, KCN từ bài học chống dịch của tỉnh Hải Dương vừa qua. Ông khẳng định, phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ riêng ngành y tế mà phải của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân tham gia. 

Công nhân ở Bắc Giang ho sốt vẫn đi làm

Tại cuộc họp khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương với các đơn vị ngày 9/5, các chuyên gia cũng chỉ ra việc kiểm soát dịch bệnh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa chặt chẽ. 

Điển hình như tại Công ty Shin young, bệnh nhân N.T.T đã xuất hiện triệu chứng ho, sốt nhưng vẫn tới công ty làm việc. Trước thực tế này, ông Lê Ánh Dương đã yêu cầu các đơn vị truy vết thần tốc các trường hợp F0 và những người tiếp xúc gần. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ban Quản lý các KCN rà soát danh sách công nhân theo từng địa phương, nơi lưu trú, danh sách công nhân đi làm bằng xe tuyến cố định đưa đón công nhân. 

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang điều chỉnh giảm tần suất, quy mô, số lượng chuyên gia lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc. Từ 13g ngày 9/5, tỉnh cũng đã ra quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế tại xóm 6 và xóm 7, tổ dân phố My Điền 2; giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại ba tổ dân phố My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3 (thị trấn Nếnh, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là khu vực tập trung nhiều khu nhà trọ có công nhân tại KCN Vân Trung.

Minh Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI