Người trẻ ngại sinh con vì…thiếu tiền

09/04/2024 - 06:00

PNO - Ở Anh, nhiều phụ nữ dần từ bỏ ý tưởng có con vì lo lắng về chi phí sinh hoạt và nhiều mối bận tâm khác.

Elizabeth, 29 tuổi, một giám đốc bán hàng ngụ tại hạt Surrey (đông nam nước Anh), rất muốn sinh con. Tuy nhiên, cô e ngại mình hiện không thể làm được điều này. “Lý do đơn giản là vì…tiền”, Elizabeth thẳng thắn bày tỏ. “Tôi và chồng đã bên nhau 10 năm. Chúng tôi luôn muốn có thêm thành viên nhí trong nhà, nhưng giá cả sinh hoạt ở đây quá đắt đỏ”.

Elizabeth là một trong số hàng trăm phụ nữ Anh, phần lớn thuộc độ tuổi trên dưới 30, được phỏng vấn bởi nhật báo The Guardian mới đây. Hầu hết đưa ra chung một phản hồi: dù muốn sinh con, họ cảm thấy mình không thể hoặc không còn động lực. Thế nhưng, vấn đề tiền nong – như Elizabeth đề cập, có phải nguyên nhân duy nhất khiến tỉ lệ sinh ở đất nước được mệnh danh “cường quốc kinh tế” của châu Âu, đang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử?

Phiền muộn của người lao động

Yếu tố khiến nhiều phụ nữ chần chừ hơn cả trước ý tưởng có con, là chi phí cần thiết để nuôi dưỡng một đứa trẻ. Đa phần người được hỏi cho biết họ không đủ khả năng trang trải toàn bộ những khoản chi để duy trì cuộc sống khi nghỉ thai sản, để chăm sóc trẻ nhỏ và nhà cửa.

Chuyên gia xã hội học cảnh báo “sinh con đang trở thành mong ước xa xỉ” với người dân Anh khi xã hội còn nhiều vấn đề bất cập. (Ảnh: PA)
Chuyên gia xã hội học cảnh báo “sinh con đang trở thành mong ước xa xỉ” với người dân Anh khi xã hội nước này còn nhiều vấn đề bất cập. (Ảnh: PA)

Daisy, một nhà nghiên cứu sống tại hạt Oxfordshire, hãy còn lưỡng lự về quyết định có nên lập gia đình. “Tính riêng tiền thuê nhà, tôi và bạn trai phải chi trả gần nửa số lương mỗi tháng. Trong trường hợp tôi chấp nhận ở nhà chăm con sau sinh để tiết kiệm tiền gọi dịch vụ trông trẻ, phí sinh hoạt cho gia đình nhỏ của chúng tôi cũng là ‘bài toán’ khó”, Daisy than phiền.

Không ít người dân Anh thể hiện cùng một nỗi lo: cả khi giá sinh hoạt ở những thành phố lớn bình ổn hơn, họ vẫn chưa hoàn toàn an tâm về mặt tài chính để xây dựng tổ ấm riêng.

“Bài toán” thu nhập ở các thành phố lớn khiến một số gia đình, cặp đôi liên tục lùi lại kế hoạch sinh con. (Ảnh: Alamy)
“Bài toán” thu nhập ở các thành phố lớn khiến một số gia đình, cặp đôi liên tục lùi lại kế hoạch sinh con. (Ảnh: Alamy)

Muôn nỗi bấp bênh

Rachel, 32 tuổi, nhân viên của một tổ chức từ thiện đến từ hạt Devon (tây nam nước Anh), không chỉ băn khoăn trước vấn đề tiền bạc. “Ngoài âu lo liên quan đến công việc và lương, điều tôi e ngại không kém là sức khỏe bản thân”, cô chia sẻ. “Càng lớn tuổi, phụ nữ càng khó mang thai. Song song đó, dẫu muốn hưởng niềm vui làm mẹ, tôi lại sợ hãi thay cho đứa trẻ. Giữa nhiều bấp bênh hiện nay về nhà cửa, việc làm, thậm chí bất cập trong ngành y tế, liệu tôi có đảm bảo được tương lai tốt đẹp cho con mình?”

Chương trình hỗ trợ điều trị hiếm muộn của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) thu hút ngày càng nhiều phụ nữ độ tuổi 30-40 đăng ký tư vấn. Thế nhưng, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Vương quốc Anh đang chật vật “chạy hết công suất” như hiện nay, họ rất có thể sẽ phải đợi một thời gian dài.

Natalie, 31 tuổi, cho biết cô mắc một chứng rối loạn ảnh hưởng tới chức năng buồng trứng từ năm 17 tuổi. Cộng thêm nỗi lo về tài chính, đến giờ này Natalie mới quyết định tìm kiếm can thiệp y khoa để sinh con.

“Tôi đã kết hôn 8 năm, nhưng ‘gánh nặng’ cuộc sống và mục tiêu mua nhà khiến vợ chồng tôi phải liên tục hoãn lại kế hoạch có con”, cô nói. “Tôi đang lo, liệu chúng tôi còn kịp thực hiện mơ ước đón chào một đứa con của riêng mình không…”

Trong vòng 1 năm trở lại đây, ước tính có thêm 300,000 trẻ em tại Anh rơi vào tình cảnh đói nghèo. Các trung tâm phúc lợi và điểm phát lương thực cho người nghèo ngày càng tấp nập trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục gây lo ngại. (Ảnh: TheGuardian)
Trong vòng 1 năm trở lại đây, ước tính có thêm 300.000 trẻ em tại Anh rơi vào tình cảnh đói nghèo. Các trung tâm phúc lợi và điểm phát lương thực cho người nghèo ngày càng tấp nập khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục gây lo ngại. (Ảnh: TheGuardian)

Nguyên do ít được nhắc đến hơn khiến phụ nữ mất dần động lực sinh con là “sự cô lập, thiếu điểm tựa từ cộng đồng”, theo Kay, 30 tuổi, nhân viên y tế đến từ thành phố Leeds (hạt Tây Yorkshire).

“Nhiều người từ thế hệ bố mẹ tôi bắt đầu rời bỏ làng quê, đến thành phố lớn kiếm sống”. “Chúng tôi không thể gắn bó với mảnh đất quê hương nữa. Nhịp sống đô thị tất bật, giá cả đắt đỏ khiến ngay cả người lớn tuổi cũng phải miệt mài mưu sinh. Ai sẽ trông chừng bọn trẻ? Chúng tôi cũng không có người thân, láng giềng sẵn sàng giúp đỡ nhau mỗi ngày. Tôi muốn được làm mẹ. Nhưng tôi không muốn con mình phải lớn lên trong hoàn cảnh có phần ảm đạm như hiện nay”, cô nói.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ trẻ tiết lộ, họ chưa dám nghĩ tới chuyện con cái khi đang thiếu vắng một người bạn đời phù hợp.

Như Ý (theo TheGuardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI