Người tiêm đủ 3 mũi vắc xin có nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nữa không?

30/03/2022 - 20:39

PNO - Nhiều ý kiến cho rằng tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và đã là “cựu F0 lần 2” thì miễn nhiễm, không cần phải tiêm thêm vắc xin. Theo các bác sĩ, người đã nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi khỏi bệnh 6 tháng.

Trước thông tin ngành y tế TPHCM đã sẵn sàng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, nhiều phụ huynh đang chần chừ ký vào giấy đồng thuận. Theo thống kê của ngành Giáo dục, bên cạnh khối tiểu học, học sinh lớp 6 nhận được trên 80% sự đồng thuận của phụ huynh thì khối mầm non chỉ đạt trên 60%. 

Một vài ý kiến cho rằng trong số các bé có bé đã nhiễm bệnh, có bé tái nhiễm lần 2, hay người thuộc nhóm nguy cơ vừa đã tiêm đủ 2, 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 vừa là “cựu F0” nên… đã đủ hiệu quả bảo vệ. 

Bệnh nhân COVID-19 tập các bài tập thở ngay khi bệnh chuyển từ nặng sang nhẹ
Bệnh nhân COVID-19 tập các bài tập thở ngay khi bệnh chuyển từ nặng sang nhẹ

Trước quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng, một người đã nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19 (cụ thể mắc biến chủng Omicron) vẫn nên tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi khỏi bệnh 6 tháng. Đây là thời điểm vắc xin phát huy hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

“Về mặt khoa học, người nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19 tiêm vắc xin vào 6 tháng sau sẽ tốt hơn tiêm sau 3 tháng hoặc tiêm ngay khi khỏi bệnh”, bác sĩ Khanh nói.

Ngoài ra, người dân không nên cố ý để bản thân mắc COVID-19 nhằm tạo miễn dịch tự nhiên. Trên thực tế, không một ai có thể biết trước được khi mình nhiễm bệnh thì tình trạng diễn tiến nặng hay nhẹ, một khi bệnh nặng sẽ rất nguy hiểm. Thêm vào đó, F0 cũng có khả năng trở thành nguồn lây lan cho người thân như ông bà, cha mẹ, trẻ nhỏ thuộc những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Hay lây lan bệnh cho bạn bè, người xung quanh... chưa được tiêm ngừa khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo kết quả nghiên cứu trên 600 tình nguyện viên của TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM và các cộng sự nhằm tìm hiểu về đáp ứng miễn dịch kháng thể trung hòa ở người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và các “cựu F0” thì người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giống như được tiêm vắc xin mũi 1 và đạt từ 30% đến 50% đáp ứng kháng thể trung hòa; người đã tiêm vắc xin mũi 1 trở thành F0 thì giống như được tiêm mũi 2. Cả hai trường hợp đều làm tăng kháng thể trung hòa. 

Dù là cựu F0 bao nhiêu lần, ai cũng cần phải tiêm vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ
Dù là "cựu F0" bao nhiêu lần vẫn cần phải tiêm vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ

Trường hợp người đã tiêm vắc xin đủ liệu trình rồi bị nhiễm COVID-19 hoặc những người nhiễm COVID-19 rồi được tiêm vắc xin, kháng thể trung hòa đạt rất cao, có thể lên đến 90%.

Lý giải về kết quả này, bác sĩ Hùng Vân cho biết, khi một người mắc COVID-19 hoặc được tiêm vắc xin, cơ thể sẽ hình thành hệ thống miễn dịch nhớ. Khi miễn dịch bảo vệ của cơ thể thấp đi, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ nhắc lại sẽ kích thích hệ thống miễn dịch nhớ. Tuy nhiên, ở người vừa nhiễm COVID-19, hệ thống miễn dịch đặc hiệu sẽ rất cao. Tiêm vắc xin lúc này không có hiệu quả vì không tiếp cận được hệ thống miễn dịch nhớ. 

Quan trọng là miễn dịch cơ thể có được từ nhiễm COVID-19 không vĩnh viễn vì virus SARS-COV-2 bị biến đổi theo thời gian. Người nhiễm COVID-19 gây ra do biến chủng này vẫn có thể tái nhiễm COVID-19 do biến chủng khác.

Cụ thể, người đã nhiễm biến chủng Delta hay Alpha có thể tái nhiễm biến chủng Omicron; người nhiễm Omicron BA.1 vẫn có thể tái nhiễm Omicron BA.2 hay BA.3. Vì thế, quan niệm một người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và đã là F0 thì không cần tiêm ngừa là sai hoàn toàn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI