Người thân bên bờ sinh tử, quyết định thế nào?

29/02/2024 - 09:42

PNO - Trước việc phải lựa chọn điều trị tiếp cho người thân hay buông xuôi, chúng ta đối diện nhiều nỗi đau chồng chéo...

Sau hơn 4 tháng chăm chị ruột bị bệnh, sức khỏe bà Tím suy sụp trông thấy rõ. Vốn là một người hoạt động xã hội năng nổ, hoạt bát, nay bạn bè nhìn vào không thấy luồng sinh khí tươi trẻ nơi bà Tím nữa.

Nhưng điều các con bà Tím đau đáu lo không chỉ vì chuyện mẹ lao lực chăm dì mà cái cách bà khăng khăng “còn nước, còn tát” buộc cả nhà cùng đồng ý cho bà bán căn nhà chung của 2 chị em, để bà Khanh (chị ruột của bà Tím, người phụ nữ đơn thân cả đời hi sinh vì gia đình) được tiếp tục điều trị tích cực. Căn nhà nhỏ đó theo giá thị trường khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Mòn mỏi chờ đợi người thân với hy vọng lành bệnh, giật lại mạng sống cho người thân của mình, ai cũng mong muốn cả- Ảnh minh họa
Mòn mỏi chờ đợi, cầu nguyện những phép màu hay đánh đổi tất cả để giành giật lại mạng sống cho người thân của mình? (Ảnh minh họa)

Bà Khanh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Vì phát hiện bệnh muộn, khối u đã rất to bác sĩ đã khuyên gia đình suy tính kỹ hướng điều trị. Mổ, chỉ là lọc khối u ác tính, cắt bỏ phần gan xơ hóa, muốn điều trị tới nơi tới chốn còn cần hóa trị, xạ trị. Các bác sĩ cũng không nói đến khả năng phục hồi là bao nhiêu phần trăm vì bà Khanh đã 75 tuổi, nay chỉ nặng hơn 30kg, bà còn bị bệnh Parkinson, viêm đại tràng, suy tim, hen suyễn cộng với nhiều biến chứng của tiểu đường...

Vài ngày gần đây, cơ thể bà Khanh không tiếp nhận điều trị, các chỉ số sinh tồn mỗi ngày một xuống thấp hơn. Bác sĩ yêu cầu gia đình quyết định gấp, nếu tiếp tục điều trị phải nộp ngay tạm ứng chi phí phẫu thuật..

Câu hỏi của các cháu là liệu phẫu thuật rồi bà Khanh có chịu nổi tác dụng phụ từ các toa thuốc hay không? Bác sĩ điều trị cho bà Khanh cũng khẳng định, việc phẫu thuật là thử thách lớn với cả bệnh nhân và y bác sĩ. Còn nếu không mổ, thì kéo dài sự sống bằng thuốc và các dưỡng chất bổ sung sẽ được bao lâu trong khi bà Khanh vẫn phải chịu những cơn đau mỗi ngày?

Bà Tím hỏi các con: “Tại sao không cứu dì? Dì các con có tiền, có nhà mà!”.

Nhưng ca mổ và quá trình trị liệu kéo dài vừa qua, hơn 500 triệu đồng tiết kiệm của bà Khanh cùng toàn bộ vàng nữ trang của bà Tím dành dụm bấy lâu đều đã bán hết. 

Bán nhà lo cho dì, rồi mẹ ở đâu? 3 người con bà Tím, 2 người đang ở nhà thuê, người còn lại sống bên chồng, ai cũng đang chật vật mưu sinh. Việc thuê người giúp mẹ, chăm dì, lo cơm nước, thuốc thang hàng ngày, họ cũng góp vào người 3 triệu đồng/ tháng, cùng trang trải.

Các anh chị lo, nếu ca mổ không thành công thì sao? Trường hợp bà Khanh được kéo dài tuổi thọ thì sao, nếu suốt quãng dài 3 năm 5 năm cứ phải gắn chặt trên giường bệnh chịu thêm đau đớn? Bởi chứng viêm gan tự miễn và Parkinson phát hiện muộn làm sao dứt được? Hơn nữa, khi viết di chúc để nhà lại cho em gái, từ 5 năm trước, bà Khanh có ghi rõ: "Nếu chị có mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối, Tím đừng chạy chữa vì sẽ tốn kém và đau lắm. Tím xin bác sĩ cho chị được cái chết êm ái, đừng mổ xẻ gì".

Câu hỏi nào cũng quan trọng và cần có câu trả lời thật rõ ràng: hoặc tiến hành phẫu thuật, hoặc không. Thế nhưng họ, những người thân yêu nhất của bà Khanh, đều không dám quyết. Cứ vậy, suốt cái tết vừa qua, cả nhà rối bời trong lo lắng, bất an, còn bất hòa trong lựa chọn cứu cầu, chữa chạy. Bà Tím giận run, bà quy rằng con cháu không thương bà Khanh, không giúp bà Khanh kéo dài sự sống, rằng chúng suy nghĩ buông xuôi, mặc cho diễn biến bệnh tình của người thân như thế chính là tội ác.

Các con, cháu của bà nào có ai ác tâm, tàn nhẫn gì đâu. Họ cũng canh cánh trong lòng biết bao câu hỏi làm mất ăn, mất ngủ. Ai trong họ thì cũng vì thương bà Khanh thôi, nhưng lựa chọn nào cũng đau đớn quá.

Câu chuyện gia đình bà Khanh làm tôi nhớ đến những ngày mẹ chồng tôi bên bờ sinh tử. Khi bác sĩ đề nghị chúng tôi ký giấy cam kết thôi điều trị tích cực cho mẹ, cả 4 người con ruột nhìn nhau khóc, không ai dám ký. Cuối cùng, tôi, đứa con dâu, đành làm thay mọi người cái sự bất hiếu đó. 10 ngày sau khi tôi đặt bút ký, mẹ trút hơi thở cuối cùng.

Hồi mẹ chồng tôi còn tỉnh, mẹ nói mẹ không muốn kéo dài đau đớn. Vậy mà chúng tôi đều không ai dám làm theo ý mẹ mà cứ tâm lý “còn nước còn tát” kéo dài những ngày còn lại của mẹ.

Trước khi vào phòng điều trị tích cực, mẹ nói: “Các con à mẹ không muốn sống vậy chút nào đâu. Mẹ sợ đau lắm. Con xin bác sĩ cho mẹ liều thuốc để mẹ được ngủ vĩnh viễn đi con...”. Vậy mà chị em chúng tôi không ai dám làm gì ngoài hối thúc bác sĩ tích cực điều trị cho mẹ.

Khi nhớ lại những ngày tháng đó, chúng tôi ngập tràn trong hối tiếc và bất lực. Chúng tôi hối tiếc vì đã để mẹ oằn mình với những cơn đau đớn trước ngày bà nhắm mắt xuôi tay. Bất lực bởi không có cách nào, hay nói đúng hơn là cũng không dám nghĩ bất cứ hướng nào khác.

Có nỗi đau đớn nào hơn chứng kiến người thân từng ngày một kiệt quệ vì sức khỏe và định trước sự ra đi? Nói thì dễ lắm: “Khi đó, tôi sẽ…”, nhưng khi làm, bạn phải đối diện khó khăn chồng chất. Thậm chí, nói là “quyết xong rồi”, nghĩ lại, cũng không biết mình đã đúng hay sai. Em và cháu bà Khanh đang đối diện nỗi đau cùng ưu tư đó, họ thật sự rối bời…

Một số quốc gia có quy định về quyền an tử (nghĩa là bệnh nhân được chọn cái chết êm ái), ở Việt Nam thì không. Về mặt pháp luật, ai cũng được khai sinh, khai tử, trên hết là quyền được sống. Thế nhưng, quyền được chết thì sao? Và ai sẽ là người can đảm hoặc được giao thực thi quyền ấy cho người thân của mình? 

Nguyễn Thụy

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Như Lan 01-03-2024 09:59:36

    một đề tài rất hay, xin cảm ơn tác giả

  • Trương Mỹ Hương 01-03-2024 09:39:07

    Ở Mỹ có chương trình Hospice Care mình thấy rất hay. Khi người thân đã ngấp nghé bờ vực sinh tử, sống khổ sở, gia đình có thể nhờ chương trình này chăm sóc thuốc men giảm đau để chờ chết. Đừng bắt người thân của mình sống khổ sở, đau đớn mà cho rằng có Hiếu, có tình thương. Đó là làm khổ họ đó thôi.

  • YenTruong 29-02-2024 20:57:48

    Nếu con cái của người bệnh đã từ 18 tuổi trở lên thì xem như người bệnh đã hoàn thành sứ mệnh có mặt ở đời rồi nên cả người bệnh và người thân không có gì phải vật vã đau khổ níu kéo để rồi người còn sống vật vã với cuộc sống không vui vẻ gì. Luật pháp nên cho phép quyền người bệnh được lựa chọn chết hơn là sống với bệnh tật đau đớn.

  • M.Y 29-02-2024 15:35:49

    Tôi sợ tình trạng như trên rơi xuống bản thân, cũng mong nếu không may lâm vào cảnh ấy, xin đừng "điều trị tích cực" mà hãy dùng phương cách nào giảm đau đớn để chờ ra đi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI