Đàn ông ghen

Người ta ghen chỉ vì .. sợ bị bỏ rơi

25/10/2022 - 12:00

PNO - Một cuộc ghen của đàn ông nói lên điều gì: “Tôi quá yêu cô”, “Tôi chung thủy và muốn cô cũng phải chung thủy”, “Tôi sợ mất cô”…? Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp Welink, Trưởng ban Đào tạo - Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP.HCM - không chọn đáp án nào cả. Cuộc trò chuyện ngắn với ông có thể giúp chúng ta vỡ ra nhiều điều về vấn đề muôn thuở này.

 

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy

Phóng viên: Để mô tả về đàn ông ghen, ông sẽ dùng “gam màu” nào và khác ra sao với phụ nữ ghen? 

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy: Ghen về bản chất không phân biệt nam nữ, chỉ có lối thể hiện có thể khác nhau và sự khác nhau này là do văn hóa. Ví dụ phụ nữ khi ghen thường theo kiểu bù lu bù loa, đàn ông khi ghen có thể xuống tay nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn.

Mức độ tàn bạo xuất phát từ thái độ đối với bạo lực (dùng bạo lực trước mọi vấn đề chứ không riêng trong chuyện tình cảm). Khi tỉnh táo, có ý thức, người ta có thể kìm giữ được hành vi bạo lực nhưng khi ở trong hoàn cảnh bức bách, quá sức chịu đựng, đã xảy ra hành động bột phát.

Một ông chồng hằng ngày rất hiền, chăm sóc vợ con chu đáo, đùng cái, một ngày báo đăng anh ta chém vợ. Người ngoài có thể xì xào: “Chắc là cô vợ lẳng lơ ghê gớm lắm, anh ta mới làm như vậy”. Thực ra, vấn đề không phải vợ “ghê gớm” thì chồng có quyền bạo lực.

Trong văn hóa của ta, người đàn ông la hét, đập phá, đâm chém, cư xử bạo lực thường dễ được chấp nhận, “đàn ông mà!”. Điều này làm cho phản ứng của người Việt trong chuyện ghen tuông thường gây ra nhiều thiệt hại. 

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

 

* Có người ví von yêu - ghen là cặp song sinh. Hễ “yêu” chào đời thì tức thì “ghen” cũng cất tiếng oe oe…

- Có thể nào yêu mà không ghen, không để lại hậu quả vì ghen? Được chứ!

Tôi không nghĩ cơn ghen thể hiện tình yêu. Hoặc khi đó, “yêu” đã bị nghĩ lệch lạc để che chắn cho ghen. Khi thực sự yêu, mình sẽ muốn điều tốt cho người kia. Nếu vợ có sai phạm thì vì yêu, chồng cũng không làm hại vợ mình được.

Có vô vàn lý do khi ghen, cơ bản là do phát triển đời sống sở hữu. Kiểu gắn bó trong mối quan hệ này trở thành gắn bó lo âu. Và bởi vì xuất phát từ lo lắng, sợ mất nên mình tìm mọi cách để giữ. Người đàn ông có quyền có cảm xúc tức tối, bực bội, hoài nghi về nguy cơ bị “cắm sừng” nhưng nếu mau tìm cách tích cực để hóa giải những lợn cợn này (mà không dùng đến bạo lực) thì sẽ cải thiện được.

Một người khi đã lập gia đình vẫn có thể có cảm xúc thích thú, yêu đương với người khác, kể cả là nữ. Chuyện đó sẽ được kích động nhiều khi người chồng thiếu sự quan tâm hoặc có sự lưu tâm nhưng không đúng mong đợi của vợ.

Nếu ông chồng quá ảo tưởng về sự độc nhất của mình sẽ không chịu nổi có một hình bóng nào khác len vào mối quan hệ, dù ở mức độ nào. Nếu có tình yêu thực sự, vợ chồng sẽ đi đến nói chuyện với nhau một cách êm ắng. Ổn thì bỏ qua, tiếp tục xây dựng hạnh phúc, không ổn thì chia tay nhưng cách giải quyết luôn phải hòa bình và cùng nuôi dạy con tốt. 

Yêu là yêu. Bảo rằng “có yêu mới ghen, có ghen mới đánh ghen” chỉ để biện hộ cho hành vi bạo lực mà thôi!

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

* Tóm lại, ghen là gì và làm sao để ghen tuông không gây hậu quả mà càng làm cho tình yêu thi vị, thưa ông?

- Ghen là một dạng cảm xúc khi thấy mình thua kém so với người khác, bị qua mặt. Bản chất ghen không phải là để bảo vệ tình yêu nên gần như ghen chỉ tiêu cực. Người ta hay mượn lời lẽ hoa mỹ vẽ vời để bào chữa cho nỗi sợ của mình.

Thực ra, không phải ghen vì sợ mất người kia mà sợ mình-bị-bỏ-rơi. Vợ chồng sống với nhau đầm ấm, êm đềm thì việc gì phải sợ? Nếu ghen mà mượn bạo lực sẽ gây tổn thương cho nạn nhân lẫn chủ thể cùng con cái (nếu có). Và còn thêm nguy cơ vi phạm pháp luật. Với những người bị vợ/chồng thao túng, muốn thoát ra, hãy gạt bỏ sĩ diện, mạnh dạn lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp của người thân, các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Để chống lại cơn ghen, đàn ông cần đánh giá lại sự tin tưởng dành cho vợ, xác định mục tiêu cuộc đời mình có bị tác động gì hay không và quan trọng nhất là tinh thần tôn trọng tự do đối với bạn đời. Trong cuộc hôn nhân tốt và “khỏe mạnh”, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều phải đạt được lý tưởng.

Mỗi người đều có độc lập, tự quyết, tự do cá nhân, có đủ không gian để theo đuổi những đam mê của mình. Không ai phải cất công kiểm soát và không có quyền kiểm soát người kia. Tình yêu, hôn nhân thì cần giữ hạnh phúc, sao lại đi… “giữ người”?

* Xin cảm ơn ông! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI