Người nghèo Hồng Kông sống ở nơi chật hẹp: "Giống như con vật trong lồng"

09/06/2022 - 09:31

PNO - Những người nghèo ở Hồng Kông (Trung Quốc) từ lâu đã sống trong một không gian nhỏ hẹp mà nhiều người cho rằng đó là những ngôi nhà tồi tệ nhất của thành phố "đất hẹp người đông" này.

Sau khi tan ca đêm, Leung - một nhân viên bảo vệ trở về không gian nhỏ bé của mình. Nơi mà anh gọi là nhà nằm trong một khu dân cư cũ ở Sham Shui Po.

Chỗ anh ở là một gian gác xép đã được chia nhỏ thành 12 phòng có cùng kích thước, mỗi phòng vừa đủ cho một người.

Nơi ở của Leung nhỏ đến nỗi anh phải chất đống đồ đạc cá nhân và quần áo trên giường. Có nghĩa là anh không thể duỗi thẳng người khi ngủ. Trong căn phòng anh ở có một bồn rửa, một phòng tắm không có cửa và không có nhà bếp.

Không gian này vô cùng chật hẹp, oi bức hơn cả mùa hè. Ngoài ra, muỗi nhiều cũng khiến anh thức trắng nhiều đêm, và đệm của anh bị ố vàng bởi những con rệp bẹp dúm.

Leung kể, sau khi ly hôn, anh dọn ra thuê một căn hộ lớn hơn nhưng sau đó khó khăn dịch bệnh thời gian qua khiến anh không thể chi trả số tiền thuê quá cao 3.900 HKD (500 USD). Bây giờ, nơi ở này có giá 2.800 HKD.

Cái gọi là nhà lồng là nơi tồi tệ nhất trong số những căn nhà tồi tệ nhất của những ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn ở Hồng Kông. Ảnh: Xiaomei Chen
"Nhà lồng" hay "nhà quan tài" là nơi tồi tệ nhất trong số những căn nhà tồi tệ nhất ở Hồng Kông - Ảnh: Xiaomei Chen

Hiện có hơn 220.000 người giống như Leung, đang sống trong khu nhà tồi tàn nhất Hong Kong. Thành phố có khoảng 110.000 căn hộ chia nhỏ, chủ yếu là các tòa nhà đổ nát ở Kowloon và New Territories.

Người thuê ở nơi này hầu hết là những người độc thân hoặc các cặp vợ chồng mới cưới. Nhưng cũng có những cha mẹ đơn thân ở cùng con cái và thậm chí cả các hộ gia đình ba thế hệ.

Tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng trong thành phố đã khiến mọi người phải thuê những không gian nhỏ hẹp trong những căn hộ đông đúc, có căn với khoảng 40 người ở.

Nổi tiếng nhất là "nhà lồng", còn được gọi là "nhà quan tài", nơi các hình hộp được xếp chồng lên nhau từ sàn đến trần, ngăn cách bằng các tấm gỗ mỏng hoặc lưới thép.

Từ lâu, những người sống trong các không gian nhà ở chia nhỏ của Hồng Kông luôn đối mặt với các mối nguy hiểm về vệ sinh, hỏa hoạn và chấp nhận điều kiện sống tồi tàn. Hầu hết những người thuê căn hộ chia nhỏ đều cho rằng với thu nhập ít ỏi của mình, họ không còn lựa chọn nào khác.

Xing Aizhen trong căn hộ được chia nhỏ của cô ở Mong Kok. Ảnh: Xiaomei Chen
Xing Aizhen trong căn hộ được chia nhỏ ở Mong Kok - Ảnh: Xiaomei Chen

Trong bảy năm qua, Xing Aizhen, 46 tuổi và 2 con trai với người chồng đầu tiên, 20 và 15 tuổi, đã chia sẻ một không gian chật hẹp trong một căn hộ ở Mong Kok.

Quê ở Hải Nam, sau khi ly hôn người chồng đầu tiên Xing đến Hồng Kông cùng các con trai vào năm 2015. Đến đây, cô kết hôn lần thứ 2 với một người Hồng Kông và cũng kết thúc bằng ly hôn.

Là một nhân viên phục vụ bán thời gian, thu nhập khoảng 10.000 HKD một tháng, cô cho biết mình thuê nơi này với giá 3.900 HKD/tháng. Hai con trai của cô ngủ chung giường tầng trong khi Xing ngủ trên giường đơn. Phòng tắm và nhà bếp phải sử dụng chung một không gian, và cô kể đôi khi có thể ngửi thấy mùi hôi thối của nhà vệ sinh khi đang chuẩn bị thức ăn.

Nơi mẹ con cô ở chỉ có hai ô cửa sổ nhỏ, lại không thông thoáng nên đồ xào để lại mùi dầu mỡ nồng nặc. Nên thường cô chỉ luộc hoặc hấp các bữa ăn của ba mẹ con.

Xing nói rằng không gian dường như thậm chí còn ngột ngạt, nhỏ hơn trong đại dịch, khi ba người đều ở nhà. Con trai lớn của cô đã tham gia các khóa học nấu ăn trực tuyến, và con trai nhỏ, đang học cấp hai, cũng tham gia các lớp học trực tuyến. Xing cũng ở nhà nhiều hơn vì chủ của cô cắt giảm thời gian làm việc và thu nhập.

Tsang Shiu-tung sống tại một trong 18 chỗ ngủ trong một căn hộ được chia nhỏ ở Yau Ma Tei
Tsang Shiu-tung sống tại một căn hộ được chia nhỏ thành 18 chỗ ngủ ở Yau Ma Tei

Ông Tsang Shiu-tung, 51 tuổi thì sống trong một trong 18 gian giường giống như quan tài được ngăn cách bằng ván gỗ trong một căn hộ chung cư đổ nát ở Yau Ma Tei.

Ly hôn và không có con cái, ông chuyển đến nơi này vào tháng 5 năm ngoái và trả tiền thuê nhà hàng tháng là 1.500 HKD. Đại dịch đã khiến người khuân vác bán thời gian ở siêu thị bị giảm thu nhập trầm trọng.

Ông Tsang kể, 18 gian giường nơi ông ở, mỗi ngăn được đánh số, được xếp chồng lên nhau thành hai tầng. 18 người thuê đều là nam, tuổi từ 40 đến 80. Họ dùng chung hai phòng tắm và chỉ một phòng có vòi sen. Không có bếp.

Tsang nói rằng môi trường sống ở đây là địa ngục. Không gian giường tầng trên của ông hẹp đến mức khó có thể duỗi ra hoàn toàn hoặc ngồi thẳng mà không va vào vách ngăn bằng gỗ. Đôi khi, ông trở mình cũng khiến người đàn ông ở giường bên dưới khó chịu và thường bị đá lên để báo hiệu sự bực bội của người ấy.

Vì là đàn ông nên những người thuê cùng thường thức khuya, hút thuốc rất nhiều và vì thế trong nhà nồng nặc mùi thuốc lá. Tsang cho biết ông thường kéo kín cửa khoang của mình, nhưng điều đó không ngăn được tiếng ồn hoặc khói. Nhưng nếu đóng kín thì bên trong lại ngột ngạt hơn.

Đôi lúc chịu không nổi, ông phải trốn ra công viên để ngủ.

Từ lâu, những người như anh Leung, chị Xing hay ông Tsang đã đăng ký và mong mỏi được thuê một căn hộ công cộng của nhà nước với hy vọng có nơi ở lớn hơn ở thành phố này. Nhưng sự chờ đợi của họ dường như vô vọng. Như mẹ con Xing cho biết, họ đã chờ đợi mòn mỏi 5 năm  một nơi ở lớn hơn với điều kiện sống tốt hơn nhưng giờ vẫn chưa thấy.

Theo thống kê, tính đến tháng 3 năm nay, đã có khoảng 147.500 đơn đăng ký thuê nhà công cộng từ các gia đình và người già độc thân được ưu tiên, với thời gian chờ đợi trung bình là 6,1 năm. Tuy nhiên, theo ông Tsang, "ánh sáng cuối đường hầm là không có với những người như ông", bởi ông đã xếp hàng để thuê nhà công cộng... 16 năm và đến nay vẫn phải ở trong không gian chật hẹp này.

"Tôi sống như một con vật trong lồng. Tôi muốn trốn khỏi nơi này, nơi tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Tất cả những gì tôi muốn là một nơi an toàn để sống", ông nói.

Trọng Trí (theo SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI