Người mẹ dìu con vượt qua khắc nghiệt của số phận

03/09/2017 - 12:19

PNO - Ding Ding sinh ra với chứng bại não, cậu đã chinh phục vô số những trở ngại trong cuộc sống, trong đó có kỳ tích tốt nghiệp Đại học Harvard, nay phải đối mặt với rào cản mới – tìm việc làm.

Những trở ngại đeo đuổi  Ding từ ngày cậu mới chào đời, nhưng thách thức của số phận không cản trở được sự vươn lên mỗi lần cậu gặp thử thách mới.

Ngay từ ngày đầu tiên Ding làm người, các bác sĩ và thậm chí cha đẻ của cậu, đều coi đây là một trường hợp tuyệt vọng. Chỉ có mẹ cậu là không bỏ cuộc, bà an cần nâng đỡ để cậu từng bước vượt qua định mệnh hẩm hiu chờ đợi tương lai của con trai.

Nguoi me diu con vuot qua khac nghiet cua so phan
Ding Ding đã vượt qua cuộc sống khắc nghiệt nhờ mẹ mình (trái) - Ảnh: SCMP

Nhờ mẹ, Ding đi học cùng với các đứa trẻ bình thường và thậm chí tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng bây giờ cậu phải tự mình vượt qua thử thách cuối cùng của số phận: Tìm một công việc có người chủ không đánh giá cậu qua bệnh tật.

Tháng 5/2017, chàng trai người Vũ Hán tốt nghiệp đại học Harvard với tấm bằng Thạc sỹ luật và trở về nước. Cậu bắt đầu tìm kiếm một công việc liên quan đến luật pháp ở một thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhưng bản thân Ding rất lo lắng không biết ông chủ tương lai sẽ nghĩ thế nào khi gặp cậu.

Nguoi me diu con vuot qua khac nghiet cua so phan
Người mẹ thân yêu đã cùng Ding vượt qua những trở ngại tưởng như không thể vượt qua nổi trong cuộc đời - Ảnh: SCMP

"Một số người nghĩ rằng tôi phát âm không rõ khi nói”, Ding lo lắng nói với phóng viên tờ South China Morning Post. Cậu thất vọng nói thêm, cũng có thể người ta sẽ cho rằng tính cách của cậu “không đủ mạnh để làm nghề luật sư”.

Tuần trước, khi phỏng vấn xin việc ở Thượng Hải, trong suốt cuộc gặp kéo dài một tiếng rưỡi Ding đã trình bày rất rõ ràng và trơn tru quan điểm của mình.

"Tôi tự hào nói rằng tôi đã đạt yêu cầu trong tất cả các bài kiểm tra thể chất khi học tại trường đại học”, Ding nói.

Vậy mà các bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc, nơi Ding sinh ra, đã khuyên mẹ cậu là bà Zou Hongyan “bỏ cuộc” sau khi Ding được chẩn đoán bị bại não, một căn bệnh là hậu quả của việc não thiếu dưỡng khí khi cậu được sinh ra.

Nguoi me diu con vuot qua khac nghiet cua so phan
Ding Ding và mẹ - Zuo Hongyan (phải) tại lễ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2015 - Ảnh: Handout

Ngay cả cha cậu cũng nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà tin rằng Ding sẽ là một gánh nặng cho gia đình.

Khi bà Zou khăng khăng đòi giữ lại mạng sống cho con trai và chăm sóc cậu như một đứa trẻ bình thường, vợ chồng bà đã phát sinh mâu thuẫn và ly dị sau đó không lâu.

Tin tưởng vào sự can thiệp sớm, bà Zou kiên trì đưa con trai đến các buổi điều trị phục hồi “đau đớn” hàng tuần và bản thân bà học cách xoa bóp cơ để giải quyết sự cứng khớp trong căn bệnh của con trai.

Đến hai tuổi rưỡi Ding bắt đầu biết đi. Khoảng năm hay sáu tuổi, cuối cùng cậu cũng có thể tự mình lên cầu thang. Năm cậu lên bảy, mẹ cậu mơ thấy giấc mơ sau đó đã trở thành sự thật là con trai được nhận vào học ở một trường tiểu học dành cho trẻ em bình thường.

Cậu bé mất một thời gian dài để vượt qua bài học của mình và hoàn thành các bài tập và bài kiểm tra, chỉ có điều cậu không đáp ứng yêu cầu của các giờ thể dục. Nhưng bà Zou quyết không bỏ cuộc, bà theo sát Ding từng bước, động viên khích lệ cậu nỗ lực vượt qua từng thử thách một.

Nguoi me diu con vuot qua khac nghiet cua so phan
Từng bước đi của Ding đều in dấu chân của mẹ - Ảnh: SCMP

Quyết tâm của người mẹ cuối cùng cũng được báo đáp, khi Ding lên đến trung học, các giáo viên nói rằng cậu “không khác biệt gì” so với các học sinh khác trong lớp.

Tuy nhiên, Ding dường như vẫn không thể quên những những lời xúc phạm đau lòng khi còn đi học ở trường. Cậu vẫn nhớ rõ đã bị bạn học “nhục mạ” trong giờ quân sự năm cậu 13 tuổi ở trường trung học cơ sở.

Giáo viên cho phép Ding miễn thực hiện các yêu cầu tập quân sự, nhưng đáng buồn là bạn bè trong lớp lại sáng tác một bài hát chế nhạo cậu. “Ai cũng cười nhạo tôi, cả các bạn trai và bạn gái, tôi xấu hổ quá sau đó không dám đi học nữa”, Ding kể lại.

Sau khi phát hiện ra sự cố này, mẹ cậu đã tích cực can thiệp và một tháng sau mọi việc được cải thiện.

Ding luôn đạt điểm xuất sắc và giữ vững vị trí học giỏi nhất lớp, và đây chính là điều cậu có thể thay đổi hành vi các bạn cùng lớp, biến thái độ nhạo báng của họ thành sự ngưỡng mộ thực sự.

Ding kể lại: "Thầy giáo nói với họ, 'các em gọi Ding Ding là ‘chàng ngốc’, nhưng điểm của các em thấp hơn của bạn ấy, vậy thì các em là siêu ngốc”.

Năm 2007, Ding trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh, một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Cậu theo học ngành khoa học môi trường, nhưng các vấn đề về thể chất của Ding đặt cậu vào thế bất lợi.

Cậu kể: "Chúng tôi cần tiến hành các thí nghiệm hóa học, nhưng tôi không thể thực hiện một số cử động tay chính xác, vì vậy điểm số của tôi không cao".

Sau khi tốt nghiệp 4 năm học về môi trường, Ding bắt đầu theo đuổi một ngành học khác là luật.

Nguoi me diu con vuot qua khac nghiet cua so phan
Từng bước đi của Ding đều in dấu chân của mẹ - Ảnh: SCMP

Cậu nghiên cứu cả luật Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Trường Luật Đại học Bắc Kinh, nhận bằng thạc sỹ đầu tiên của mình về luật và cuối cùng được công ty NetEase ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang tuyển dụng vào năm 2015.

Mùa hè năm ngoái, Ding được nhận vào Đại học Harvard và bay sang Mỹ để tiếp tục học luật tại đại học danh tiếng này.

Khi nói về kế hoạch tương lai, Ding nói cậu chưa bao giờ có bạn gái.

"Tính tôi nhút nhát và không tự tin trước mặt các cô gái”, Ding nói. Cậu nghĩ rằng các cô gái có thể thấy cậu không thú vị vì Ding “không chuyện trò nhiều về phim ảnh và thể thao mà chỉ thích đọc sách về lịch sử và luật pháp”.

Tuy nhiên, người mẹ luôn theo sát từng bước tiến của Ding, hy vọng cậu sẽ sớm tìm được bạn gái.

Bà Zou nhớ lại, cách đây nhiều năm, khi một người phụ nữ có hoàn cảnh tương tự nhưng đã bỏ cuộc khi thấy con tập luyện đau đớn, biết tin Ding Ding có thể được đi học ở một trường tiểu học bình thường, cô ấy lập tức bật khóc nức nở.

Ding thì chỉ nói cậu chắc chắn không thể đi được xa như thế này nếu không có người mẹ thân yêu của mình. "Mẹ là ngọn hải đăng của tôi!”

Cẩm Hà (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI