Người gốc Á ở Mỹ đối mặt sự thù địch bất kể giai tầng

22/03/2021 - 07:11

PNO - Cộng đồng người châu Á ở Mỹ tuy có sự khác biệt về tiếng nói, văn hóa, ẩm thực nhưng tất cả đều chăm chỉ, kín tiếng trên con đường theo đuổi giấc mơ học vấn hoặc tìm cách đổi đời. Nhưng giờ đây, nỗi sợ bị kỳ thị, hành hung đang bao trùm toàn bộ viễn cảnh tươi đẹp của họ tại Mỹ.

Người dân bày hoa và tưởng niệm những nạn nhân hai vụ xả súng vào tiệm spa của người gốc Á hôm 16/3 ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ - Ảnh: EPA
Người dân bày hoa và tưởng niệm những nạn nhân hai vụ xả súng vào tiệm spa của người gốc Á hôm 16/3 ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ - Ảnh: EPA

Sự đe dọa bất kể tầng lớp

Trong nhiều năm, Cayden Mak - Giám đốc điều hành 18 Million Rising, một tổ chức người Mỹ gốc Á - và các nhóm cộng đồng cơ sở mà anh làm việc cùng biết rằng, xu hướng tấn công nhằm vào người châu Á trên khắp đất nước là một vấn đề cố hữu. Nhưng theo anh, định kiến cho rằng người Mỹ gốc Á vốn luôn thành công và sống chan hòa hơn các nhóm thiểu số khác đã giúp xu hướng này “không trở thành vấn đề lớn”.

Dù vậy, sự cộng hưởng giữa COVID-19 và những căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề chủng tộc gần đây đã đưa vấn đề lên mức báo động. Sau khi tám người ở Atlanta - bao gồm sáu phụ nữ gốc Á - bị giết tại ba tiệm spa, sự phân biệt chủng tộc và những nguy hiểm mà cộng đồng người Mỹ gốc Á phải đối mặt hiện rõ hơn bao giờ hết.

Người Mỹ gốc Á thuộc mọi thành phần đều lo sợ bị quấy rối bằng lời nói, bị nhổ nước bọt vào người, xô đẩy, đấm, đâm hoặc thậm chí sát hại với đà gia tăng bạo lực chủng tộc gần đây. Năm 2020, tội ác thù địch chống lại người gốc Á ở New York đã tăng 833% so với năm 2019 với gần 3.800 vụ. Không chỉ người Mỹ gốc Á có địa vị kinh tế xã hội thấp, có nhiều khả năng làm việc trong các ngành như nhà hàng, tiệm ăn, dọn phòng và nhà máy, dễ bị tổn thương. Ngay cả vị thế nghề nghiệp cao mà nhiều người Mỹ gốc Á được hưởng nhờ nỗ lực và thành công tại các tổ chức giáo dục ưu tú nhất ở Mỹ cũng không giúp ích được gì.

Anna Mok - một người Mỹ gốc Hoa - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Deloitte (San Francisco) - thừa nhận tội ác do căm thù người Mỹ gốc Á trong năm 2020 khiến cô không dám ra ngoài đi dạo. Cô nói thêm rằng, nhiều người gốc Á khác làm việc cho các công ty lớn cũng mô tả mức độ căng thẳng tương tự: “Không có giới hạn hay hoàn cảnh cá biệt nào. Bất kể người đó kiếm được bao nhiêu tiền, bất kể người đó thành công như thế nào. Đó là thực tế mà một người châu Á sinh sống ở Mỹ phải đối mặt”.

Theo Tổ chức Stop AAPI Hate chuyên ghi lại các báo cáo về hành vi thù hận đối với người gốc Á, các chuyên gia người Mỹ gốc Á trong lĩnh vực báo chí, y học và công nghệ đã phản ánh về một năm đầy lo lắng, thậm chí đau đớn do bị hành hung. Các bác sĩ giỏi vốn thường kín lịch hẹn khám bỗng trở nên ế ẩm khi bệnh nhân từ chối chăm sóc y tế nếu bác sĩ và y tá là người gốc Á.

Tiếng nói cho người Mỹ gốc Á

Cayden Mak cho biết, bên cạnh một số cuộc tấn công gắn liền với thù hận chủng tộc, còn có những cuộc tấn công khác do định kiến văn hóa. Mak giải thích: “Mọi người nghĩ rằng người châu Á sẽ không chống trả lại, nên họ dễ dàng trở thành mục tiêu. Những đối tượng khó khăn nhất trong cộng đồng, điển hình như nhóm người lớn tuổi thuộc tầng lớp lao động bình dân, đã phải đương đầu với sự thù địch trong một thời gian dài”.

Mặc dù không phải mọi hành động tội phạm chống lại người Mỹ gốc Á đều do thù hận hoặc có động cơ chủng tộc, nhưng đối với nhiều người, loạt bạo lực gần đây gắn liền với phân biệt chủng tộc, một vấn đề quá quen thuộc ở Mỹ.

Từ đó, các quan chức và chính trị gia phải đau đầu trước làn sóng bài xích người châu Á. Vào ngày 26/1, Tổng thống Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ chống lại sự kỳ thị đối với người Mỹ gốc Á. Tháng trước, bang California đã tài trợ 1,4 triệu USD để giải quyết tác động của COVID-19 đối với các cộng đồng gốc Á, bao gồm nghiên cứu và phân tích các vụ việc thù địch được báo cáo.

Vào ngày 19/3, phát biểu sau cuộc họp với các nhà lập pháp người Mỹ gốc Á của các bang và các nhà lãnh đạo khác, Tổng thống Biden nói, thật đau lòng khi nghe những câu chuyện của họ về nỗi sợ hãi mà người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI) đối mặt. Ông kêu gọi tất cả người Mỹ đứng lên chống lại sự thù địch khi họ nhìn thấy nó: “Sự im lặng của chúng ta là đồng lõa. Chúng ta không thể đồng lõa. Chúng ta phải thay đổi trái tim của chính mình. Hận thù không thể hiện diện ở Mỹ”.

Bà Kamala Harris - người gốc Nam Á đầu tiên nắm giữ chức vụ Phó tổng thống Mỹ - bổ sung: “Phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại và phân biệt giới tính luôn tồn tại ở Mỹ và tôi sẽ không im lặng. Chúng ta phải lên tiếng chống lại bạo lực, tội ác thù địch và phân biệt đối xử, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào nó xảy ra”.

 Ngọc Hạ (theo NY Times, AP, CNN, AFP)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI