Người già Trung Quốc tiến công mạng xã hội, dẫn đầu xu hướng mới

12/05/2021 - 18:27

PNO - Nhiều người cho rằng mạng xã hội chỉ phù hợp với giới trẻ. Thế nhưng ngày càng có nhiều lão niên tại Trung Quốc chứng minh rằng, tuổi tác chỉ là một con số và họ vẫn sẵn sàng dẫn đầu xu hướng.

Thông điệp tích cực từ những trào lưu

Lộng lẫy trong chiếc váy sườn xám truyền thống, bà Sang Xiuzhu (76 tuổi) là một trong những người tiên phong có ảnh hưởng, đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội Trung Quốc với những video về sự quyến rũ cùng mái tóc bạch kim.

Hai năm trước, bà Sang tham gia nhóm "Fashion Grandmas”. Đoạn clip một phút ghi lại cảnh các thành viên trong nhóm biến đường phố của Bắc Kinh thành sàn catwalk đã khiến hàng triệu người hâm mộ say mê.

Nhóm Fashion Grandmas sải bước trên đường phố Bắc Kinh
Nhóm "Fashion Grandmas" sải bước trên đường phố Bắc Kinh

Họ pha trộn sự thanh lịch truyền thống với những biểu tượng của sự khôn ngoan, chia sẻ kinh nghiệm về hôn nhân, tình yêu và cuộc sống từ một thế hệ ngày càng trở nên quan trọng, đối với cả nền kinh tế và văn hóa trực tuyến của Trung Quốc.

Bà Sang chia sẻ: “Những người hâm mộ trẻ tuổi nói họ không sợ già đi, sau khi nhìn thấy những người phụ nữ như chúng tôi sống một cuộc sống thời trang và hạnh phúc”.

Trung Quốc đang có dân số già hóa nhanh chóng và Bắc Kinh đang phải đối mặt với thách thức lớn là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho hàng chục triệu người về hưu.

Dù vậy, điều này cũng đã mở ra cơ hội cho một nền kinh tế dành cho người cao tuổi trị giá hàng trăm tỷ USD, khao khát tuổi thọ, giải trí và tiêu dùng.

Tập thể “Fashion Grandmas” có 23 thành viên chính, với hàng chục cộng tác viên khác trên khắp đất nước, tất cả đều ở độ tuổi từ cuối 50 đến giữa 70 tuổi. Họ kiếm tiền từ quảng cáo bật lên trong video và bán sản phẩm trực tiếp qua livestream.

He Daling, đại diện nhóm cho biết: “Họ có thể bán 200 đơn vị sản phẩm trong vòng một phút sau khi bắt đầu phát trực tiếp”.

Các video cũng mang những thông điệp truyền cảm hứng, chẳng hạn như "vẻ đẹp không chỉ dành cho giới trẻ" hoặc "ngay cả những người già cũng có thể sống một cuộc sống tuyệt vời!", và các thông điệp nghiêm trọng như kêu gọi chống bạo lực gia đình.

Một trong những video cho thấy một người đàn ông giơ tay đánh bạn gái của mình trong cửa hàng, ngay lập tức một người phụ nữ lớn tuổi tức giận nắm lấy cánh tay của anh ta và gọi nhân viên bảo vệ đến kéo đi.

Dòng chữ trên màn hình viết: "Bạo lực gia đình là bất hợp pháp", nói thêm rằng việc đánh phụ nữ là điều "đáng xấu hổ".

Những người phụ nữ cao niên muốn chứng minh cho giới trẻ thấy rằng tuổi già không có gì đáng sợ
Những người phụ nữ cao niên muốn chứng minh cho giới trẻ thấy rằng tuổi già không có gì đáng sợ

Công nghệ không phải là “điểm mù” của người cao tuổi

Một thế hệ người Trung Quốc sinh ra trong những năm 1960 đang đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60 đối với nam và 55 đối với nữ.

Những người mới về hưu này là nhóm đầu tiên được giáo dục đại học sau cuộc Cách mạng Văn hóa, vốn bài trừ sự theo đuổi học tập của “tư sản” và khiến một thế hệ tụt lại sau trong xã hội.

Bian Changyong, giám đốc điều hành của Công ty Công nghệ Dama Bắc Kinh, công ty giúp điều hành mạng xã hội của những người lớn tuổi có ảnh hưởng, cho biết: “Thế hệ cao niên mới này giàu hơn và có trình độ học vấn cao. Điều đó cải thiện khả năng sinh lợi và chất lượng cho ngành công nghiệp internet lâu đời của Trung Quốc"

Theo công ty tư vấn tài chính iiMedia Research có trụ sở tại Quảng Châu, giá trị của nền kinh tế “tóc bạc” của Trung Quốc ước tính đạt 5,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (880 tỷ USD) trong năm 2021.

Bà Ruan đang quay một đoạn video ngắn cho kênh của mình trên ứng dụng chia sẻ video Kuaishou và Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc - trong một công viên ở Bắc Kinh
Bà Ruan đang quay một đoạn video ngắn cho kênh của mình trên ứng dụng chia sẻ video Kuaishou và Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc - trong một công viên ở Bắc Kinh

Bian cho biết đại dịch COVID-19 cũng đẩy người cao tuổi lên mạng nhiều hơn, săn lùng hàng hóa và giải trí.

Để tiếp cận nhóm người tiêu dùng lớn tuổi chưa được khai thác này, công ty của Bian cũng cung cấp các khóa học trực tuyến cho người cao tuổi học hát, nhảy hoặc võ thuật thông qua các kênh phát trực tiếp.

Bian cho biết: “Ngành công nghiệp internet di động của Trung Quốc đã kiếm được tiền từ mọi nhóm ... nam giới, phụ nữ, thanh niên, cha mẹ, nhưng chưa bao gồm người già. Đây có thể là miếng bánh ngon cuối cùng của ngành”.

Bà Ruan Yaqing (58 tuổi) có kênh video riêng và sử dụng iPhone để tiếp cận hơn sáu triệu người hâm mộ, cùng tìm hiểu lịch sử và văn hóa của Bắc Kinh.

Bà đùa rằng mình vào lạc vào thế giới video trực tuyến nhằm tránh trở thành một người "cằn nhằn" khi mắc kẹt ở nhà.

Cuối cùng, bà Ruan chia sẻ một thông điệp về những phẩm chất đáng quý từ một thế hệ vàng, từ chối bị đẩy ra rìa của xã hội Trung Quốc hiện đại: “Giới trẻ cho rằng người già không biết gì. Thực ra chúng tôi biết mọi thứ".

Bà Ruan và trợ lý Xie Xincun (trái) chỉnh sửa một đoạn clip cho kênh của mình
Bà Ruan và trợ lý Xie Xincun (trái) chỉnh sửa một đoạn clip cho kênh của mình

Linh La (theo AFP, the Star)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI