Người già đi từng chiếc…

22/05/2023 - 11:58

PNO - Đó là sự nhàn rỗi hoặc cô đơn khi nhiều người già không có việc gì để làm, không có bạn để chơi, không có nhiều dịp để trò chuyện với con cháu...

Ba tôi mất khi mẹ tôi 70 tuổi và đã có gần 50 năm chung sống, có thể nói là hạnh phúc trọn vẹn. Ông bà đã nuôi dạy 3 con nên người, là nhà báo, nhà giáo, kỹ sư, đó là điều tuyệt vời khi xuất thân của ông bà thuộc thành phần “bần cố nông”. Trong dòng họ nội - ngoại của anh em chúng tôi hay của ba mẹ tôi, gia cảnh của ông bà như vậy có thể coi là đặc biệt.

Tất cả những điều đó càng làm cho mẹ tôi hụt hẫng và suy sụp khi ba tôi nằm xuống, dù ông đã bệnh nhiều năm trước. Sức khỏe của mẹ xuống dốc rất nhanh, nhiều bệnh như đồng loạt “xuất quân”. Đầu tiên là đau dạ dày, rồi mất ngủ, tiếp đó thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Hậu quả của bao nhiêu năm làm lụng vất vả giờ hành hạ thân thể gầy yếu của mẹ, trong khi người vẫn thường sụt sùi khi nhớ lại các kỷ niệm của ba, thậm chí có khi chỉ bâng quơ nhớ lại những ngày tháng còn chung sống với nhau… Mẹ tôi thực sự cô đơn từ khi không còn ba nữa.

Anh em chúng tôi cố gắng tìm cách khắc phục tình trạng này. Đầu tiên là tạo điều kiện để mẹ qua lại nhiều hơn với bà con, hàng xóm ở gần. Chúng tôi động viên mẹ nếu có đám tiệc của họ hàng thì cố gắng đi thay vì chỉ gửi quà như trước với lý do ở nhà chăm ba bị bệnh.

Trong số này, ngoài thím Út vốn thân thiết như chị em ruột còn có cô Năm Thương, vốn là sui gia của một người chú họ của tôi, kém mẹ tôi vài tuổi, cũng khá thân tình. Dượng Năm lúc trước còn là bạn trà thường xuyên của ba tôi... Ấy vậy mà sau một cơn đột quỵ, cô Năm ra đi đột ngột, khiến mẹ tôi đau buồn khá lâu.

Chúng tôi cũng kết nối điện thoại, Zalo với những người bà con ở xa, nhất là các chị em cùng tuổi hoặc cùng thế hệ của mẹ. Lúc đầu, việc gắn kết này phát huy rất tốt. Trong đó, có một người chị họ của tôi, vốn gần tuổi với mẹ, hồi trẻ 2 người còn là bạn thân, thường xuyên gọi điện nói chuyện với mẹ. Có lần chị còn bảo: “Cô cứ về quê chơi, cô muốn đi thăm ai, con chở cô đi”. Tôi nghe kể và bật cười: “Bà già này chở bà già kia, thiệt vất vả cho chị quá!”… Nhưng lần hồi cũng… hết chuyện để nói với nhau.

2 người “bạn” thường xuyên nhất của mẹ lại chính là bà nhạc và vợ tôi. Bà nhạc tự nhận “trách nhiệm” động viên, chia sẻ với mẹ tôi, nên chuyện gì 2 bà cũng gọi nói với nhau. Tôi có dịp đưa gia đình đi chơi ở đâu thì 2 bà hỏi có bà kia đi cùng không, nếu có mới chịu đi. Còn vợ tôi tự giác thay tôi trò chuyện, an ủi, chia sẻ với mẹ. Có ngày 2 mẹ con nói chuyện hàng giờ liền, đủ các việc, hệt như cách vợ tôi làm với ba tôi khi người còn sống.

Nhưng sau những quãng thời gian đó thì nỗi cô đơn vẫn ập đến với mẹ, dù hiện người vẫn sống cùng với vợ chồng con trai út và 3 đứa cháu nội. Em tôi làm việc ở xa, cuối tuần mới về, vừa bận việc nhà vừa lo dạy con; thời gian dành cho vợ đã ít, lấy đâu dành cho mẹ. Em dâu tôi cũng đi làm xa, thường về muộn, mẹ ở nhà lo cơm nước xong, chờ lâu thì sốt ruột, lo lắng đủ thứ. Em gái nhà gần đó nhưng cũng bận công tác, vài bữa mới tạt qua thăm mẹ, nói vài câu rồi về. Lòng người mẹ già nhạy cảm, có lúc tưởng mình không còn ý nghĩa gì với các con nữa…

Tháng rồi, mẹ tôi phải vào một trung tâm vật lý trị liệu ở Biên Hòa để điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Sau bữa đầu thấy có kết quả, mẹ quyết định ở lại nội trú. Hằng ngày, tôi điện thoại hỏi thăm, mẹ bảo, chỗ ăn ở, điều trị rất tốt, chúng tôi không cần bận tâm, cũng khỏi phải thăm hay tiếp tế. Trong phòng chung có 4 phụ nữ lớn tuổi khác, đã ở đó nhiều tháng, kết quả điều trị rất tích cực…

Nhưng sau những “chuyện vui” đó là nỗi lo của mẹ, rằng ở nhà không biết tụi nhỏ có chăm bầy chó tốt không; rằng đứa cháu út đi học mẫu giáo có được anh chị đón đúng giờ không, rồi mỗi khi mẹ nó về trễ thì ai lo ăn uống; mấy đứa cháu khác không biết có lo học hành không hay hở tí ôm máy tính chơi game; kể cả lo thằng cháu ngoại đang tuổi “nổi loạn dậy thì” không biết mẹ nó có nói được nó không, trong khi cha nó bận công tác trên tỉnh…

Vợ chồng tôi thường nói việc của các em để các em lo, tự khắc sẽ có cách thôi; việc của mẹ bây giờ là phải lạc quan, phấn chấn lên để điều trị có kết quả tốt. Mẹ “ừa ừa” rồi lại bảo “chắc ít bữa về, chứ bỏ nhà cửa, các cháu thì không yên tâm”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Những ngày cuối tuần, tôi thường đi bộ dọc các con phố gần nhà, thấy một hiện tượng khá phổ biến: có những ông bà già bắc ghế ngồi trước nhà nhìn xe cộ qua lại một cách vừa vô thức vừa bình thản; có những bà cụ cầm chổi quét qua quét lại như để giết thời gian; có vài cụ ông ngồi trước mâm cờ tướng hoặc cạnh mấy bình trà… Đó là sự nhàn rỗi hoặc cô đơn khi nhiều người già không có việc gì để làm, không có bạn để chơi, không có nhiều dịp để trò chuyện với con cháu hoặc chính cách biệt thế hệ khiến các cuộc trò chuyện trở nên khó khăn hơn. 

Rồi những người già khác, nếu còn đủ vợ chồng thì hủ hỉ với nhau, rủi không được vậy thì âm thầm như một cái bóng, dù vẫn sống bên cạnh con cháu. Xã hội ta đã và đang chăm sóc tốt hơn cho người già nhưng dường như vẫn chưa giải tỏa được nỗi cô đơn của họ. Chắc ai rồi cũng rơi vào hoàn cảnh đó, trong nay mai mà thôi. 

Ngô Đồng Vũ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Uyên linh 23-05-2023 15:14:44

    Người ta cô đơn là bởi quen tìm niềm vui và hạnh phúc ở bên ngoài. Quay vào bên trong chính mình sẽ ko còn thấy cô đơn nữa dù chỉ ở 1 mình. Đó là phương pháp để về già ko cô đơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI