Người đàn ông của mẹ đơn thân

04/10/2019 - 18:00

PNO - “Để chị hỏi Bin rồi quyết nhé”. Câu này được bà mẹ đơn thân sử dụng thường xuyên đến nỗi, ai không rõ sẽ nghĩ Bin - người đàn ông có quyền lực nhà chị chắc phải đĩnh đạc có uy lắm.

Thực ra, Bin chưa tốt nghiệp trung học, mới qua tuổi 15, là con trai duy nhất của chị. Hành trình của một người mẹ, để cậu bé bụ bẫm ẵm ngửa chỉ biết quấy khóc đòi ăn đến khi trở thành một thiếu niên biết là chỗ dựa cho mẹ, là cả một chặng dài cả hai cùng bước mỗi ngày mà tôi nghĩ, nó có thể là trải nghiệm đáng cho tất cả các bà mẹ đơn thân cùng chia sẻ. 

Bin ra đời được hai năm thì cha mẹ ly hôn. Cha của Bin tái hôn ngay sau đó và gần như phó mặc chuyện chăm sóc nuôi dạy con cho vợ cũ, thi thoảng có ghé thăm hay chu cấp lấy lệ.

Nguoi dan ong cua me don than
Mẹ luôn tôn trọng người đàn ông trong nhà. Ảnh minh họa

“Lúc đầu mình cũng hay buồn, chạnh lòng khi đưa con đi chơi, đi học mà trời mưa, những lúc thằng bé cần một bờ vai đúng nghĩa đen của cha mà mình không thể làm thay. Nhưng rồi tự nhủ cái gì cũng có giá của nó. Mình toàn quyền nuôi con, từ việc lớn như chọn trường, chọn môn học đến việc nhỏ như chọn đôi giày, cái áo cho con mình cũng được toàn quyền, thì bù lại, mình phải gánh luôn cả những trách nhiệm làm cha cho con là chuyện đương nhiên”. 

Và cũng giống như những bà mẹ đơn thân văn minh hiện đại khác, mẹ Bin không than khổ, không bi quan và nhất là không mặc cảm, thụ động với hoàn cảnh của mình. Đôi khi, chị còn an ủi các bà mẹ phải đấu tranh, thuyết phục các ông chồng để cho con theo học môn này, môn kia... Chị không mặc cảm về hoàn cảnh của mình nên Bin cũng không tự ti, bạn hỏi ba cậu đâu, từ khi lớp Hai, Bin đã bình thản trả lời: “Mẹ con mình sống với nhau, ba ở nhà khác, lâu lâu ghé thăm thôi”. 

Con ốm, con khỏe một mình chăm con đã đành, tập xe đạp cho con phải gồng tay lên giữ, đưa con đi học bơi phải coi ngó canh chừng khi thay đồ và cả khi đưa con đi ăn tối bên ngoài, vào toilet nam cũng cần khéo léo, hàng trăm tình huống dở khóc dở cười nhưng Bin của chị cứ thế trải qua, lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ, không hề có chút mặc cảm hay thiếu tự tin của một cậu trai không có cha bên cạnh. 

Bản thân mình làm cha cần mạnh mẽ, thì cũng phải tập cho con không ủy mị, yếu đuối kiểu bám chặt lấy mẹ khi ra đường bị bắt nạt, mẹ trùm hết cả, bù đắp cho con bằng cách chăm sóc tận răng, kiểu mẹ Kangaroo nuôi con trong túi, trước ngực... sẽ khiến con trở nên yếu đuối vì được bảo bọc. Mình ngược lại, vừa làm mẹ vừa làm cha thì phải tập cho con tự tin trước tiên. Không có cha cũng vẫn có mẹ, vẫn có giáo dục và được yêu thương. 

Khác những bà mẹ chọn cho con đàn, nhạc, vẽ, mẹ Bin cho con tự chọn môn thể thao cậu thích. Ngoài bơi và bóng rổ, mỗi tuần 1 lần đi cùng các anh em họ, Bin còn say mê các chương trình dạy nấu ăn trên YouTube và cậu có thể tự nấu vài món rất ngon giúp mẹ mỗi khi nhà có khách. Còn ngày thường, mẹ có đi công tác vài ngày cũng không lo Bin ăn uống thất thường hoặc bị đói, thậm chí mẹ hay quên còn phải điện thoại nhờ Bin nhiều việc ở nhà. 

“Biết chia sẻ mọi việc với mình, cho con dần dần trở thành một người đàn ông vững chãi, độc lập phải tập từ khi con nhỏ, chứ không thể một sớm một chiều, khi bé con hoàn toàn được bảo bọc, dựa hoàn toàn vào mẹ, tự nhiên khi con lớn lên sẽ đổi vai được thành chỗ dựa cho mẹ thì quả là chuyện hoang đường”, chị nói.

Mẹ làm cha, ba tiếng nhẹ bẵng mà chứa nặng biết bao trách nhiệm, nỗi niềm. Có những chuyện đơn giản như nhắc con cạo râu đúng cách, con chỉ cần buông một câu “mẹ có phải đàn ông đâu mà biết”, là khiến mẹ chạnh lòng. Không ngại nhờ trợ giúp, phải thẳng thắn đề nghị ông ngoại, cậu, chú, dượng, thầy giáo của Bin, các đồng nghiệp nam của mình, những ông hàng xóm... nói chung tất cả những người đàn ông tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ con trong việc giáo dục kỹ năng sống, giới tính… Không nhờ họ thì nhờ ai, có những chuyện chỉ đàn ông mới chỉ bảo nhau, nói với nhau đúng theo kiểu, ngôn ngữ của họ, mình tham gia là hỏng bét”. 

Nguoi dan ong cua me don than
Ảnh minh họa

Và nhờ sự cởi mở của mẹ, Bin thành thạo mọi kỹ năng cần có của một cậu con trai tháo vát, chu đáo còn hơn cả những cô cậu bạn cùng lứa nhà có đầy đủ thành viên. 

7 tuổi, Bin biết nấu cơm và luộc rau, biết lau bàn và rửa chén. 

8 tuổi, cậu biết đi siêu thị mua thức ăn và đổ mì tôm chống đói nếu mẹ về muộn, biết kiểm tra cửa chính và cửa sổ mỗi khi ra khỏi nhà. 

10 tuổi, Bin biết giao dịch thay mẹ mỗi khi đóng các khoản phí như điện, nước, điện thoại. Kể cả khi mẹ có nhà, Bin cũng vẫn có thể check hóa đơn, trả tiền và để vào ngăn kéo. Đúng ngày quy định hằng tháng, Bin bắc ghế lên xem số điện, mở đồng hồ nước ghi chỉ số rồi dán lên tấm bảng treo ở cửa y hệt một người đàn ông chu đáo trong nhà.

12 tuổi, Bin rành nhiều thể loại kỹ thuật số, đồ điện tử. 

14 tuổi thì máy tính của mẹ, cầu chì, máy giặt, vòi nước, bản lề cửa, ổ khóa tủ, cái gì đơn giản Bin tự sửa, còn cái gì khó, cậu mang ra cửa hàng hoặc gọi dịch vụ…

Chuyến xuất ngoại du lịch đầu tiên của hai mẹ con, trong khi mẹ lo xin visa, Bin đặt phòng Airbnb, check vé rẻ, xem các phương tiện di chuyển, các điểm du lịch được đánh nhiều sao và các bình luận tích cực rồi tự đề nghị mẹ về các tuyến đi sao cho hợp lý.

Trên đường đi, mẹ Bin hết sức tự hào vì không dưới một lần, cậu bé được yêu quý, chào đón và khen ngợi vì lễ phép, chu đáo và sẵn lòng giúp người khác ở sân bay, trên tàu điện ngầm.

“Mẹ đơn thân, mọi thứ dồn hết cho con, càng thương, càng lo... thì phải luôn nhớ tập cho con trưởng thành, độc lập, dần thoát khỏi sự ảnh hưởng và không phụ thuộc vào mẹ, để mẹ có thể dựa vào vai con khi mình mỏi”. Tôi nghĩ, mẹ Bin đã hoàn toàn đúng. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI