Người dân Hàn Quốc lo ô nhiễm sau các vụ cháy rừng lịch sử

29/03/2025 - 08:24

PNO - Khói cháy rừng làm dấy lên báo động về ô nhiễm không khí, phơi nhiễm chất độc.

Một nhà máy ở Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, bị phá hủy do đám cháy rừng bùng phát - Ảnh: Yonhap
Một nhà máy ở Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, bị phá hủy do đám cháy rừng bùng phát - Ảnh: Yonhap

Sau gần 7 ngày, vào chiều 28/3, các vụ cháy rừng trên khắp khu vực đông nam Hàn Quốc đã được khống chế. Ngoài gây thiệt hại 28.000ha rừng, các vụ cháy còn gây ra mối đe dọa tiềm tàng là ô nhiễm không khí độc hại.

Vào ngày 28/3, nồng độ bụi siêu mịn tại các khu vực bị cháy rừng ở tỉnh Gyeongsang Bắc đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Tại Andong, nồng độ bụi mịn (PM2.5) đạt 537 microgam/m3, cao hơn 7 lần so với ngưỡng "rất xấu" là 75. Cheongsong gần đó còn chứng kiến ​​mức tăng đột biến lên đến 557 microgam/m3.

Hình ảnh do vệ tinh của Hàn Quốc chụp cho thấy khói cháy rừng đã lan qua Biển Đông, bao phủ một phần lãnh thổ Nhật Bản, như lời nhắc nhở về mức độ ô nhiễm do cháy rừng có thể lan rộng đến mức nào.

Các nhà khoa học cảnh báo, khói cháy rừng không phải là ô nhiễm không khí thông thường, nó cực kỳ độc hại. Không giống như khói bụi đô thị, khói từ cháy rừng là hỗn hợp phức tạp của các hạt siêu mịn, carbon monoxide, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các hóa chất gây ung thư được giải phóng từ thảm thực vật đang cháy, đất và các công trình do con người tạo ra như nhà cửa và xe cộ.

Khi hít phải khói này, các hạt nhỏ trong khói bụi có thể xâm nhập sâu vào phổi và di chuyển khắp cơ thể thông qua mạch máu, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm hệ thống tim mạch và thậm chí cả não bộ.

Một nghiên cứu quốc tế còn phát hiện ra rằng ô nhiễm hạt mịn từ các vụ cháy rừng ở California từ năm 2008 - 2018 đã góp phần gây ra hơn 50.000 ca tử vong. Một nghiên cứu khác ở Canada cho thấy những người sống trong phạm vi 50km tính từ các khu vực dễ xảy ra cháy rừng, có khả năng mắc ung thư phổi hoặc khối u não cao hơn đáng kể.

Đối với người cao tuổi ở Hàn Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Gyeongang Bắc - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ cháy rừng, có tỉ lệ người cao tuổi cao, rủi ro về sức khỏe thậm chí còn lớn hơn.

Các chuyên gia cảnh báo tác động của việc tiếp xúc với khói có thể kéo dài trong nhiều năm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch và rối loạn chức năng miễn dịch.

Để phòng ngừa, các quan chức y tế khuyên người dân nên ở trong nhà, đóng kín cửa sổ, sử dụng máy lọc không khí cao cấp và đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Thu Hương (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI