Nghệ sĩ Dzũng Yoko: “Phần đông, con người hiện đại quá phụ thuộc vào công nghệ”

28/03/2020 - 07:30

PNO - Nếu để mạng xã hội và công nghệ kiểm soát, người ta dễ bị cuốn vào sự cô đơn, thói giận dữ hay những suy nghĩ tiêu cực.

Dzũng Yoko vừa tung bộ ảnh Human Distancing (tạm dịch: Thế hệ cúi đầu), mô tả trạng thái lướt điện thoại không ngừng của con người thời hiện đại. Dzũng nói, anh hy vọng bộ ảnh này giúp người xem nhận ra đâu mới là điều quan trọng trong đời sống: thế giới thật hay cõi mạng.

Ăn uống, gặp gỡ bạn bè, xem ca nhạc, đến triển lãm, mua quần áo, mới cắt tóc, nấu một bữa ăn… các hoạt động đều nhanh chóng được cập nhật trên các nền tảng Facebook, Instagram, TikTok… Dù là gặp nhau trực tiếp nhưng người ta vẫn mải mê chat chit qua các ứng dụng Messenger, Zalo, Viber, Skype… Công nghệ và mạng xã hội, kết nối đó mà xa đó. Khá nhiều người lớn tuổi gần như bị bỏ rơi khỏi cuộc chơi này, cô đơn đến ngơ ngác.

Phóng viên: Chào anh, ý tưởng bộ ảnh Human Distancing đến với anh trong hoàn cảnh nào? 

Nghệ sĩ Dzũng Yoko: Trong xã hội hiện nay, tôi nhận thấy con người ngày càng trở nên xa cách và lệ thuộc vào cuộc sống trên mạng. Người ta khóc cười với niềm vui trên mạng mà thờ ơ cuộc sống thực. Thay vì trò chuyện trực tiếp với nhau, họ “nói chuyện” với smartphone nhiều hơn, trong mọi hoạt động. Họ cũng tin và thích cập nhật mọi thứ trên mạng xã hội nhiều hơn.

Gia đình, bạn bè thi thoảng có buổi đi ra ngoài ăn uống cùng nhau, vậy nhưng phần đông đều dán mắt vào màn hình, chụp ảnh thức ăn đưa lên Facebook. Trong tình yêu, các cặp đôi cũng dán mắt vào màn hình nhiều hơn là dành cho nhau sự quan tâm ngoài đời thực. Đi du lịch hay xem triển lãm giờ đây với phần đông là dịp để sống ảo nhiều hơn là thưởng thức nghệ thuật hay tận hưởng cuộc sống, tăng cường trải nghiệm.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, việc hạn chế ra đường, hạn chế gặp mặt giữa người với người tăng dần, tôi thấy tiếc nuối vì trước đó, chúng ta có cơ hội nhưng lại không kịp trao nhau sự quan tâm, tử tế nhiều hơn. Bây giờ, việc gặp bạn bè thân thiết, ôm vai bá cổ hay đơn giản là gắp thức ăn cho nhau cũng trở nên khó khăn. Vậy là, bộ ảnh này ra đời. Dùng từ cảnh tỉnh thì hơi quá, không hợp với tính cách của tôi. Tôi chỉ hy vọng bộ ảnh giúp người xem nhận ra những điều quan trọng từ đời thực mà bấy lâu nay, chúng ta đã vô tình lãng quên. Từ đó, chúng ta biết trân trọng và nâng niu hơn cuộc sống thực.

* Trước đây, cũng từng có một vài bức ảnh hiện thực thể hiện sự phụ thuộc của con người vào smartphone. Để “làm mới” chúng, anh đã sắp đặt mọi thứ ra sao?

- Vì làm trong ngành thời trang, tôi dùng ngôn ngữ thời trang để diễn tả ý tưởng này, sao cho mọi thứ đều phải đẹp và có gu. Người mẫu với tỷ lệ vàng, quần áo và căn phòng theo tông màu classic blue - màu xu hướng của năm, diễn tả sự hạn hẹp - là chất liệu làm nên bộ ảnh. Tất nhiên, không thể thiếu vật bất ly thân: chiếc điện thoại.

* Mối quan hệ giữa con người và công nghệ liệu có phải là chủ đề chính cho cuốn artbook tiếp theo của anh?

-Nó chỉ là một phần thôi. Quyển artbook sắp tới của tôi sẽ từ từ bóc tách và biểu đạt những trạng thái bên trong con người bằng ngôn ngữ của thời trang, của cái đẹp. Đó là niềm hạnh phúc, sự cô đơn, chứng trầm cảm, khoái cảm… - những điều mà khi trẻ tôi chưa thẩm thấu hết để thực hiện. Làm artbook là cách giúp tôi tự khám phá bản thân và thế giới quanh mình nhiều hơn.

* Smartphone nói riêng và công nghệ nói chung đã làm thay đổi thế giới và công việc của anh thế nào, ở khía cạnh tích cực và ngược lại?

- Smartphone và công nghệ giúp con người hiểu biết hơn, nắm bắt thông tin nhanh hơn, tăng cường tính kết nối hơn. Chẳng hạn, dù ở nhà nhưng bạn vẫn có thể xem livestream một buổi hòa nhạc hay triển lãm ở quốc gia khác, biết được chuyện gì đang xảy ra ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Bạn cũng có thể trò chuyện với gia đình, bạn bè ở cách nửa vòng trái đất. Thậm chí, với nhiều người, mạng xã hội còn giúp họ tìm lại người thân lâu ngày thất lạc. Nhờ mạng xã hội và công nghệ, người ta dễ dàng tiếp cận với lượng kiến thức khổng lồ, những người trẻ tài năng có thêm kênh để thể hiện tài năng đó, tìm kiếm những cơ hội mới.

Tuy nhiên, nếu để mạng xã hội và công nghệ kiểm soát, người ta dễ bị cuốn vào sự cô đơn, thói giận dữ hay những suy nghĩ tiêu cực. Hành vi bắt nạt qua mạng, tung thông tin cá nhân lên mạng, tung tin giả (fake news) hay thử thách cá voi xanh khiến hàng trăm người trẻ tự tử chính là minh chứng cho mặt trái của mạng xã hội và công nghệ. Với người làm sáng tạo, mạng xã hội đôi khi là kẻ “phá bĩnh” khi tác phẩm của họ bị livestream lên Facebook.

Tất cả đều do cách con người sử dụng chúng. Chúng ta không thể kiểm soát được mạng xã hội nhưng chúng ta có thể kiểm soát được cách chúng ta tạo ra thông tin và tiếp nhận thay vì để chúng kiểm soát đời sống của mình.

* Bà Li Edelkoort, chuyên gia dự đoán xu hướng có tầm ảnh hướng nhất thế giới hiện nay, nói với tờ Dezeen, đại ý rằng, con người nên biết ơn vi-rút Corona vì nó giúp thiết lập lại cách con người sống, tiêu thụ, di chuyển và giải trí. Tôi thì đặt vấn đề ngược lại. Anh có nghĩ, chúng ta sẽ phụ thuộc vào thế giới online nhiều hơn khi gần như mọi hoạt động thực tế đóng băng vì dịch bệnh đều chuyển qua online. Sau vài bức bối ban đầu, lâu dần, người ta nhận ra, mọi thứ cũng không đến nỗi nào?

- Thực tế chúng ta đã bước vào thời đại digital và không thể quay đầu. Đó là hành trình tất yếu, không thể phủ nhận hay chối bỏ. Việc các hoạt động chuyển từ đời sống thực lên online là xu hướng chung. Ngành thời trang cũng đang phải tích cực dịch chuyển.

Mặt khác, tôi tin, đại dịch là lời nhắn nhủ của trái đất khi đã bị tàn phá quá sức. Tôi đồng ý với bà Li Edelkoort, rằng đây là thời điểm con người cần hệ thống và tư duy lại thế nào mới là một cuộc sống có ý nghĩa. Liệu mỗi người có cần có hai cái smartphone? Có cần mỗi sáu tháng thay một cái mới? Có cần quá nhiều đồ hiệu? Có cần phải sở hữu đến ba chiếc xe hơi và hai căn nhà?…

Tôi tin người ta có thể quen với các hình thức giao dịch trên online. Thế nhưng, sự yêu thương và quan tâm thì không bao giờ dư thừa cả. Muốn thể hiện được chúng trọn vẹn, không công nghệ hay mạng xã hội nào có thể thay chúng ta làm việc đó.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Art & Photo: Dzũng Yoko n Trang điểm: Tùng Châu
 Stylist: Quang Thiên Thần n Sản xuất: Elena Chi Nguyễn
Người mẫu: Lê Thanh Thảo, Trịnh Thu Hường, Kim Dung, Nguyễn Việt Dũng

 Props tác phẩm điêu khắc của bộ phim Stranger Things: Khiết Trần 
 Đồ ăn đất sét: Tidu Workshop - Tạo hình nhân vật
 Trang phục: Gia Studios, Yonndon, La Lune, MT Nguyễn, Latui

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI