Nữ nghệ sĩ và những khối mosaic soi mình vào quá khứ

26/03/2020 - 07:33

PNO - Những bức tranh được làm từ vải cũ của Trân Châu, chính là phép ẩn dụ cho cách tiếp cận của người làm nghệ thuật, tỉ mẩn thu nhặt những mẩu quá khứ, thể hiện điểm nhìn của họ về những gì tạo nên, ghi dấu, các di sản của quá khứ.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Võ Trân Châu đến với nghệ thuật đương đại muộn hơn bạn bè cùng trang lứa. Sau nhiều triển lãm chung, ở tuổi 30, Châu mới có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Neo lại Kỳ lâu (2017) với chất liệu thực hành là trang phục xưa của Triều Nguyễn. Như một kẻ lưu lạc tìm đúng con đường cần phải đi, Châu bắt đầu tỏa sáng. Tài năng của cô được thừa nhận không chỉ trong nước, mà còn với giới nghệ thuật thế giới.

Tác phẩm  Nhặt lá rừng xưa làm từ vải  quần áo cũ  ghép lại theo phong cách mosaic
Tác phẩm Nhặt lá rừng xưa làm từ vải quần áo cũ ghép lại theo phong cách mosaic

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề may, không ngạc nhiên khi vải vóc, kim chỉ đã trở thành phương tiện thực hành nghệ thuật của Võ Trân Châu. Suốt hai năm qua, Võ Trân Châu đã thu thập vải và quần áo cũ được thải ra trên những con tàu vô chủ rải rác khắp các cảng ở Sài Gòn, đặc biệt là cảng Cát Lái. Châu mang về tái chế và biến đổi, ghép chúng lại thành những bức tranh vải mang phong cách mosaic treo lơ lửng. Trong số đó, nhiều tác phẩm khắc họa những công trình kiến trúc đã không còn tồn tại như nhà máy dệt Nam Định, Thương xá Tax Sài Gòn, nhà thờ Trà Cổ…

Những bức tranh được làm từ vải cũ của Trân Châu, chính là phép ẩn dụ cho cách tiếp cận của người làm nghệ thuật, tỉ mẩn thu nhặt những mẩu quá khứ, thể hiện điểm nhìn của họ về những gì tạo nên, ghi dấu, các di sản của quá khứ.

Kể từ sau cuộc triển lãm Neo lại Kỳ lâu cho đến nay, Châu đã có khá nhiều triển lãm thành công cả trong và ngoài nước. Điểm chung của các cuộc triển lãm là sự nặng lòng của Châu đối với những thứ cũ kỹ, và cô xem nó là phương tiện thực hành sáng tác. Châu nói: “Có lẽ một phần vì tôi là người hơi đa cảm và luôn cảm thấy bồi hồi trước những thứ xưa cũ. Tôi “đọc” được trong những thứ xưa cũ ấy cả một bề dày đời sống tinh thần mạnh mẽ, lúc thăng hoa, khi trầm mặc… Những điều xưa cũ như những bằng chứng sống động và chân thật nhất, để kể những câu chuyện lịch sử mà một vùng đất nào đó đã trải qua. Và chính chúng cũng là những nguyên tố cơ bản để hình thành nên nền tảng xã hội, văn hóa của hôm nay. Làm việc với những thứ cũ kỹ là cách tôi tìm thấy mình, hay rộng hơn là cộng đồng trong tương quan với văn hóa xã hội”.

Nguồn cảm hứng để Châu tạo ra tác phẩm thường đến từ những điều chân thật và gần gũi trong cuộc sống, xã hội mà cô đang sống. Hình ảnh những núi quần áo cũ ngồn ngộn xung quanh nơi cô ở, sự biến mất nhanh chóng đến ngỡ ngàng của các biểu tượng di sản, hay đơn giản là bãi gạch đá lổn nhổn sau khi người ta phá ngôi biệt thự cổ, nơi cô hằng ngày đi qua và đem lòng yêu mến. Có một sự luyến nhớ, nuối tiếc từ thẳm sâu bên trong người đàn bà này, và cô quyết định giữ nó lại theo cách của mình. 

Với Châu, giá trị của công nghệ và thời đại đã thách thức rất lớn các giá trị của nghệ thuật truyền thống và những thứ thuộc về lịch sử. Để tiện lợi và ít tốn kém, cộng với gu thẩm mỹ thay đổi, người ta chọn cách phá bỏ và chồng lấp lên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, di sản xưa bằng những thứ mới và hợp thời hơn, bỏ qua giá trị lịch sử vô giá mà chúng chứa đựng trong đó. Cô nói: “Nếu chúng ta không có biện pháp lưu giữ kịp thời thì đến một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ chỉ có thể tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử qua sách vở, viện bảo tàng thay vì có những không gian để cảm”.

Nữ nghệ sĩ đương đại Võ Trân Châu
Nữ nghệ sĩ đương đại Võ Trân Châu

Những khối mosaic (những mảnh ghép, khảm) nhiều màu trong các “bức tranh” của Châu đẹp đẽ mà cũng gợi nhiều cảm giác về sự lướt qua, bỏ quên rồi biến mất. Nhưng cũng chính cảm giác ấy lại làm cho người ta chậm lại một chút để tưởng nhớ, để suy ngẫm về những gì đã qua, cũng như trọn vẹn hơn với hiện tại và những gì còn sót lại...

Quá trình tạo ra tác phẩm đòi hỏi khá nhiều công sức và thời gian. Châu rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ những người phụ nữ kiên nhẫn bên cạnh, bởi việc sáng tác và thực hiện tác phẩm phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đó là mẹ cô, là cô thợ may gắn bó với gia đình. Họ là những người phụ nữ nhẫn nại, khéo tay và tỉ mỉ.

Châu cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với người bạn đời của mình: “Ông xã tôi là người đàn ông tuyệt vời. Anh cũng là người trong nghề, lại còn là người đi trước nên luôn thông cảm, thấu hiểu và giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc cũng như chăm sóc gia đình. Ở giai đoạn cuối của dự án, anh gần như gác việc sáng tác của mình qua một bên, chỉ để chăm sóc con cái, làm việc nhà, cho tôi yên tâm tập trung làm việc. Tôi thật sự cảm kích vì điều đó”.

Võ Trân Châu cho biết, cô đã từng trẻ và từng vấp phải những khó khăn, bối rối trong quá trình tìm tòi, định hình và khẳng định bản thân, nên rất hiểu những thách thức mà một người trẻ phải trải qua. “Tôi nghĩ mỗi người đều có những sứ mệnh riêng của họ, nên việc tiên quyết là bạn phải nhìn được thật sâu bên trong bản thân để biết rõ mình muốn gì, cần gì. Khi đã biết rồi, hãy quyết tâm đi trọn vẹn con đường đã chọn bằng tình yêu chân thành và một sự tập trung tròn đầy. Tôi tin rằng với sự trọn vẹn trong từng khoảnh khắc sống và làm điều mình yêu, mỗi người sẽ vững bước hơn và tìm thấy cho mình hạnh phúc” - cô nói. 

Hoài Hương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI