Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Nửa này cảm được nửa kia

20/03/2023 - 14:27

PNO - Nói gì thì nói, hạnh phúc vẫn là điều khó nói nhất, khó tìm ra mẫu số chung bởi quan niệm mỗi người mỗi khác, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Tôi có chị bạn thân, nói khẽ một chút, dẫu là nói sau lưng chị, rằng lúc “tám” chuyện thì ai cũng bảo chị là người phụ nữ bất hạnh nhất trong đám bạn bè.

Thì đó, không bất hạnh sao được khi chị suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, đưa đón con đi học, lo cơm nước, tất tả lo cho mẹ chồng nằm bệnh một chỗ suốt mấy năm liền. Chồng chị chỉ là anh “thợ đụng” - đụng đâu làm đó, ai kêu thì làm, không có công việc ổn định, thu nhập ba cọc ba đồng. Ấy thế, khi tôi lân la trò chuyện, những lúc nhắc đến chồng, bao giờ chị cũng dành cho những lời tốt đẹp trên gương mặt rạng rỡ. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Có lần tôi hỏi làm cách nào chị có thể luôn thấy hạnh phúc như vậy bên một anh chồng “làng nhàng”. Câu trả lời đơn giản: chị hạnh phúc vì bằng lòng với những gì đang có. Này nhé, mỗi dịp lễ tết, giỗ quảy bên nhà vợ hoặc anh chị em bên đó có việc gì cần là lập tức anh có mặt góp công góp sức. Sự hăng hái, nhiệt tình của anh đã khiến mọi người hài lòng và chị cũng được tiếng khen “biết chọn chồng”.

Rồi đêm hôm, khi có việc cần kíp hễ chị “ới một tiếng” là anh răm rắp chấp hành ngay. Thì đó, lần nọ đã khuya khoắt, ngoài trời lại mưa tầm tã, bỗng dưng chị cao hứng… thèm một ly chè đậu đen. Mới nghe chị thốt lời, chưa “sai khiến” gì, anh đã tròng ngay áo mưa, phóng xe đi mua cho vợ. 

Chỉ cần chồng luôn quan tâm đến mình, khi mình cần gì thì chồng có mặt ngay tắp lự là đủ để nhiều phụ nữ cảm thấy mình có “uy quyền” ghê gớm và hài lòng về người đầu ấp tay gối. Đôi khi người ta cho rằng, đã làm chồng thì một trong những việc cần thiết nhất vẫn là làm ra tiền, đem tiền về nhà càng nhiều càng tốt. Điều này không sai. Nhưng rồi, có người dẫu không làm ra tiền nhưng “một nửa” vẫn cảm thấy đời sống hạnh phúc đó thôi.

Hạnh phúc với đàn ông thì sao? Trong tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng, những đoạn hay nhất, khiến ta cảm động nhất vẫn là lúc ông viết về món ăn do vợ nấu. Không riêng gì Vũ Bằng, nhiều người thấy sự lo toan cần mẫn, chu đáo của người vợ dành cho mình mãi mãi là ấn tượng khó quên, bởi nó cho thấy sự quan tâm, ân cần của người vợ.

Từ sự chăm sóc này, nhiều người đàn ông dù xa vợ, dù có thể gặp biết bao quyến rũ khác dễ sa ngã nhưng rồi… họ vẫn nhớ về vợ, tức là nhớ đến hạnh phúc êm đềm mình đã có và đang có.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Đời này đâu phải người vợ nào cũng có tài bếp núc khiến chồng mê tít. Nhưng thật lạ, nhiều gia đình dù cô vợ nấu ăn không giỏi, không khéo như các tay đầu bếp “nhà người ta”, nhưng đến bữa cơm thì đàn ông vẫn “quất sạch”. Đơn giản vì người chồng ấy nghĩ, vợ mình cũng phải ra ngoài làm việc mệt nhọc như mình, thế mà lại còn làm được bữa cơm mỗi ngày cho cả nhà, há chẳng đáng trân trọng sao?

Thế thì, hạnh phúc có được là do đâu? Là tự ở mỗi người, mỗi nhà biết trân trọng, thương yêu.

Nếu được phép, xin trao đổi thêm một chuyện nhỏ: tôi có người bạn nhạc sĩ, cả đời anh tung tăng theo giai điệu âm nhạc, trong khi cô vợ anh lại là dân kế toán, một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết. Vậy mà hễ có sáng tác nào mới thì bao giờ anh cũng nhờ cô vợ nghe, thẩm định, góp ý trước.

Kỳ cục chưa? Khi tôi hỏi tại sao, anh nói đại ý rằng vợ anh không biết nhạc nhưng “biết” lắng nghe với tất cả sự đồng cảm. Vợ anh không thuần túy nghe nhạc (vì chị không rành) mà nghe bằng tấm lòng yêu thương chồng, nghĩ sự thành công hay thất bại của ca khúc cũng là của chính chị.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Tôi luôn tin rằng, hạnh phúc con người ta có được còn là khi “nửa này” thấu cảm được tấm lòng yêu thương của “nửa kia”. Sự thể hiện ấy không có “mô hình” cố định nào cả mà tùy vào hoàn cảnh, tính cách của mỗi người. 

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI