Nắng nóng đe dọa cuộc sống hàng trăm triệu người

19/07/2022 - 06:24

PNO - Kể từ tháng 6, nhiều đợt nắng nóng đã tấn công châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và châu Á. Nhiệt độ ở nhiều nơi tăng trên 40 độ C, đe dọa cuộc sống, sức khỏe hàng trăm triệu người.

Nắng nóng và cháy rừng

Tính đến 17/7, khu vực Tây Nam Âu đã phải chịu đựng bảy ngày nắng nóng liên tiếp. Các vụ cháy rừng kinh hoàng tiếp tục diễn ra khi nhiều khu vực của lục địa chuẩn bị đón nhận những kỷ lục nhiệt độ cao mới vào đầu tuần. Lực lượng cứu hỏa ở Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp phải đối mặt với những vụ cháy rừng tàn phá những khu vực rộng hàng ngàn héc-ta. 

Một nông dân trên cánh đồng lúa mì ở Q.Ludhiana, bang Punjab, Ấn Độ đang dùng nước để hạ nhiệt cơ thể - ẢNH: BLOOMBERG
Một nông dân trên cánh đồng lúa mì ở Q.Ludhiana, bang Punjab, Ấn Độ đang dùng nước để hạ nhiệt cơ thể - Ảnh: BLOOMBERG

Gemma Suarez - một nông dân Tây Ban Nha từ vùng Casas de Miravete - bật khóc khi phải sơ tán đến nơi trú ẩn. “Nhân viên xã hội đến gặp tôi vào giữa đêm để cùng đi đón người chú lớn tuổi của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy đám cháy lớn như vậy”, Gemma Suarez bàng hoàng cho biết. Các nhà khoa học nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do biến đổi khí hậu và dự đoán các đợt thời tiết khắc nghiệt sẽ còn thường xuyên, dữ dội hơn. Báo La Vanguardia dẫn nguồn từ Viện Y tế Carlos III của Tây Ban Nha cho biết, có ít nhất 360 người đã chết do đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha, nơi nhiệt độ lên hơn 400C. 

Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, cơ quan chức năng ghi nhận 238 trường hợp tử vong trong thời gian từ ngày 7-13/7. Nạn nhân trong hầu hết các trường hợp là những người đã suy yếu vì tuổi già hoặc bệnh tật. Hôm 15/7, một người quét dọn đường phố 60 tuổi tại Tây Ban Nha đột nhiên gục ngã và tử vong. Nhân viên y tế đo được nhiệt độ cơ thể của nạn nhân là 41,60C.  

Tại Pháp, 1.200 lính cứu hỏa và 5 máy bay đang chiến đấu để cố gắng kiểm soát hai vụ cháy rừng rất lớn gần thị trấn ven biển Arcachon thuộc vùng Gironde. Karyn - một người dân sống gần Teste-de-Buch - mô tả đám cháy rừng giống như “hậu tận thế” mà lần đầu tiên cô thấy trong đời. Một người khác, Manon Jacquart (27 tuổi) cho biết: “Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Ngọn lửa lớn, rất lớn và ngày càng mạnh lên. Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân nhưng tôi hoàn toàn không ổn… Tôi chỉ muốn quên đi ký ức về tuần này”.

Người nghèo khổ sở tìm cách tránh nóng

Các quốc gia phát triển đang chật vật tìm cách giúp người dân chống lại nắng nóng và kiểm soát cháy rừng. Còn ở Ấn Độ và nhiều quốc gia nóng ẩm khác dọc theo đường xích đạo, cuộc sống giữa thời tiết nóng buộc mọi người tự thích nghi, xoay xở để tồn tại. 

Ở Ấn Độ, Sitanhshu Bhushan Baral (38 tuổi) - quản lý một trang trại trồng cà tím dọc theo đường cao tốc Bhubaneswar-Puri, bang Odisha - chia sẻ: “Mùa hè năm nay thật khó khăn. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một căn chòi để tránh nóng và đào một giếng khoan gần vườn cây, bởi vì cái nóng bây giờ không thể chịu nổi”. Giống như những công nhân xây dựng ở các thị trấn gần đó, Baral và nhóm của anh phải dừng công việc vào giữa trưa và ở trong nhà cho đến 15 giờ, khi nhiệt độ bắt đầu giảm xuống. Kể từ khi cơn bão Fani xảy ra vào năm 2019, các đợt nắng nóng đã trở nên dữ dội hơn, khiến anh bị đau đầu, buồn nôn nếu ở ngoài trời vào buổi trưa. 

Trong vài tháng qua, dân làng ở Rasmai, bang Uttar Pradesh phải thức dậy làm việc từ lúc 4g sáng và tắm cho gia súc thường xuyên nhằm giữ cho chúng sống sót. Máy điều hòa không khí giúp giảm nhiệt độ trong nhà của những người có khả năng mua chúng, nhưng lại thổi không khí nóng ra  xung quanh. Việc người dân sử dụng máy điều hòa cũng làm tiêu tốn rất nhiều điện trong khi nguồn cung cấp điện của quốc gia này chủ yếu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sơn trắng mái nhà là một cách giảm nhiệt độ tiết kiệm chi phí được nhiều người dân sử dụng. Những chiếc bình đất nung lớn chứa nước mát được các tình nguyện viên đặt dọc các đường phố trên khắp đất nước để cung cấp cho người đi đường. Đối với những người buộc phải làm việc ngoài trời, những chiếc bình này - gọi là maktas - có thể là hình thức hỗ trợ duy nhất đối với họ trước thời tiết cực đoan. 

Nhà nghiên cứu khí hậu Chandni Singh - Viện Nghiên cứu định cư con người ở Bengaluru - cho biết: “Nắng nóng là thảm họa thầm lặng, đủ sức gây chết người”. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ cao nằm ở Nam Á, nơi có hơn một tỷ người sinh sống và chưa đến 10% được sử dụng máy điều hòa không khí. Trong đó, hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các công việc phi chính thức, không có nơi trú ẩn khỏi cái nóng khắc nghiệt vào ban ngày. Ước tính có khoảng 89.000 người chết mỗi năm ở Ấn Độ vì nắng nóng. Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên đến 400C so với hiện nay, con số tử vong do nhiệt sẽ tăng lên 1,5 triệu người mỗi năm. 

Linh La (theo Bloomberg, SCMP, Guardian, AP)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI