Năm 2022 đến với hy vọng thế giới thoát khỏi đại dịch

04/01/2022 - 08:41

PNO - Thế giới đang bước sang năm thứ ba chiến đấu với COVID-19 và vẫn nằm trong “chế độ đại dịch”. Thế nhưng, thay vì hoang mang, lo lắng như xuân năm trước, nay tâm thế mỗi người đã khác và nhiều hy vọng, đại dịch sẽ kết thúc.

Sẽ là một năm tốt đẹp hơn

Mặc dù số ca nhiễm mới vẫn đang tăng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng các chuyên gia vẫn hy vọng về một tương lai gần khả quan. Những nhà khoa học nhận định rằng, coronavirus không bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng căn bệnh này không còn là đại dịch mà sẽ chuyển thành dịch bệnh đặc hữu thông thường.

Những nhận định trên dựa vào tình hình thực tế khi hiện nay, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin trên toàn cầu khá cao, và ít nhất có hai loại thuốc chữa trị COVID-19 được phê duyệt. Ngoài ra, các nghiên cứu và bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron dường như ít gây bệnh nặng hơn các biến chủng trước đó.

Nigeria - nơi chỉ có 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ - vừa qua phải hủy  1 triệu liều vắc-xin vì hết hạn
Nigeria - nơi chỉ có 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ - vừa qua phải hủy 1 triệu liều vắc xin vì hết hạn

Trong đó, Nam Phi - quốc gia phát hiện Omicron đầu tiên - tuyên bố đỉnh dịch đã qua và luôn bảo vệ ý kiến nó “đến nhanh và nhẹ” hơn các biến thể trước. Anh, Pháp, Mỹ… đã báo cáo ca nhiễm kỷ lục vì Omicron lây lan nhanh khủng khiếp nhưng tỷ lệ chuyển nặng, nhập viện, tử vong lại thấp hơn nhiều so với trước đây. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo, việc virus lây lan nhanh vẫn có thể dẫn đến sự gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. 

Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết: “Bên cạnh vắc xin, có những cách quan trọng khác để cơ thể chống lại đại dịch. Hãy tiếp tục tuân theo các biện pháp phòng bệnh hiện hành như mang khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người, rửa tay, sát khuẩn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Những ai chưa tiêm chủng hãy đi tiêm, nếu có điều kiện hãy tiêm tăng cường… có như thế chúng ta mới có thể đưa thế giới ra khỏi giai đoạn đại dịch này”.

Cách để thế giới thoát khỏi đại dịch

Năm 2021 kết thúc với sự thất bại của WHO khi không thể đạt mục tiêu tiêm chủng trên toàn cầu là 70%. Trong năm 2022, WHO tin sẽ đạt được tỷ lệ này vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, để làm được điều này cần có kinh phí phù hợp, phân phối vắc xin tốt hơn và các vắc xin có thời hạn sử dụng lâu hơn.

Trong khi các nước phương Tây đang cố gắng triển khai đợt tăng cường để đối phó với làn sóng Omicron thì chỉ có 8,4% người dân ở các nước thu nhập thấp nhất đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Các loại vắc xin đang được phân phối đến các nước châu Phi theo chương trình COVAX thường gần hết hạn sử dụng. Nigeria - nơi chỉ có 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ - đã phải tiêu hủy hơn một triệu liều vắc xin hết hạn.

Nigeria không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn. Tại Ghana, nơi có 7,4% dân số được tiêm chủng, Fred Osei-Sarpong - đại diện của WHO - cho biết: “Việc nhận vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn gây áp lực quá lớn cho nhân viên và khó lập kế hoạch đầy đủ cho hiệu quả”. Thời hạn sử dụng ngắn đã cản trở nghiêm trọng việc vận chuyển vắc xin đến các vùng nông thôn và điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi hầu hết các loại vắc xin hiện nay đều yêu cầu hệ thống lưu trữ cực lạnh - thường không có ở những khu vực này.

Theo ông Osei-Sarpong, để đạt mục tiêu phủ sóng 70% trên toàn cầu, điều cấp bách nhất vẫn nằm ở chương trình tài trợ của COVAX, với điều kiện họ có thể đảm bảo có sẵn vắc xin theo kế hoạch. Việc phân bổ vắc xin công bằng hơn với thời hạn sử dụng dài hơn thì sẽ cho phép lập kế hoạch thực tế và hiệu quả. 

Thảo Nguyễn (theo CNN, Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI