Mỹ “trụ hạng” thứ 18 trong Chỉ số Thịnh vượng Toàn cầu

16/11/2020 - 17:43

PNO - Hoa Kỳ đứng ổn định ở vị trí thứ 18 trong Chỉ số Thịnh vượng Toàn cầu (GPI) suốt thập kỷ vừa qua, với điểm số một số lĩnh vực giảm nhẹ sau cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008. Các chỉ số của Mỹ tăng nhẹ vào năm 2019, sau đó một lần nữa tụt giảm vào năm 2020.

Nước Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử tổng thống với rất nhiều hệ lụy và sự chia rẽ trên toàn quốc - Ảnh: Newsweek
Nước Mỹ vừa trải qua một cuộc bầu cử tổng thống với rất nhiều hệ lụy và sự chia rẽ trên toàn quốc - Ảnh: Newsweek

Về thứ hạng GPI, nước Mỹ đứng dưới Đan Mạch (thứ nhất), Na Uy (thứ 2), Thụy Sĩ (thứ 3). Cuối bảng xếp hạng là Nam Sudan (thứ 167).

Tự hào là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng Hoa Kỳ xếp thứ 66 trong số 167 quốc gia về an ninh và an toàn xã hội (giảm 13 bậc so với một thập kỷ trước) và thứ 59 về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Rõ ràng, Tổng thống đắc cử Joe Biden có nhiều việc phải làm nếu ông muốn tăng hạng chỉ số thịnh vượng cho nước Mỹ trong những năm tới.

Khi xem xét chi tiết, nước Mỹ đối diện nguy cơ khủng bố đặc biệt tồi tệ - hiện Mỹ đứng ở vị trí thứ 122 trong số 167 quốc gia được khảo sát - mặc dù đã tăng 11 bậc trong phân khúc này trong vòng một thập kỷ.

Theo chỉ số GPI về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Hoa Kỳ được xếp hạng là một trong những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về bệnh béo phì, lạm dụng chất kích thích và rối loạn trầm cảm. Tình trạng này “nhất quán” trong thập kỷ qua. Hoa Kỳ cũng được xếp hạng 137 trên thế giới về lượng khí thải CO2.

Tốc độ cải thiện sự thịnh vượng toàn cầu trên quy mô toàn thế giới đã chậm lại trong năm qua. Trong khi 86% dân số toàn cầu sống ở các quốc gia có sự gia tăng thịnh vượng từ năm 2017 đến năm 2018 và 81% sống ở các quốc gia chứng kiến ​​sự cải thiện về thịnh vượng từ năm 2018 đến năm 2019, thì chỉ có 61% được sống ở các quốc gia có sự cải thiện trong giai đoạn 2019 và 2020.

Các chỉ số thịnh vượng chững lại chủ yếu là do tình trạng trì trệ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi an toàn và an ninh, tự do cá nhân, chất lượng kinh tế và giáo dục đều giảm sút trong năm 2019, và tốc độ cải thiện điều kiện doanh nghiệp cũng như tiếp cận thị trường và cơ sở hạ tầng đều chậm lại.

Ngoài ra, sự thịnh vượng cũng suy giảm ở Bắc Mỹ và Tây Âu trong vòng 12 tháng qua, khi nhiều khu vực vốn thành công trong lịch sử bắt đầu chứng kiến ​​sự suy giảm về chất lượng môi trường đầu tư và điều kiện doanh nghiệp. Ngoài ra, còn quan sát thấy một sự sa sút về giáo dục ở Bắc Mỹ trong năm qua.

Chỉ số GPI cho thấy, trước đại dịch, thịnh vượng toàn cầu đứng ở mức cao kỷ lục, với 147 trong số 167 quốc gia chứng kiến ​​sự thịnh vượng tăng lên trong vòng một thập kỷ, nhờ sự cải thiện trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục và điều kiện sống, cũng như các nền kinh tế mở cửa hơn.

Philippa Stroud, Giám đốc điều hành Viện Legatum, nhận định: “Đại dịch COVID-19 làm nổi bật bản chất toàn diện của sự thịnh vượng thực sự và kiểm tra khả năng phục hồi về thể chế, kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia”. Bà cho biết, "COVID-19 và những nỗ lực quốc gia để ngăn chặn nó, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến công việc của chúng ta, đến việc giáo dục con cái và mối quan hệ của chúng ta với nhau và với nhà nước”.

Viện Legatum nhấn mạnh sự thịnh vượng được các quốc gia xây dựng theo những cách khác nhau. Trước hết, viện ca ngợi các chính phủ đưa ra quyết định theo cách tạo sự tin tưởng và liêm chính, tôn trọng quyền tự do của công dân. Tiếp theo mới là nền kinh tế và việc duy trì một môi trường thuận lợi cho việc làm hiệu quả, tăng trưởng kinh tế và phát triển cá nhân bền vững. Cuối  cùng, mới là xây dựng sự thịnh vượng cá nhân, đảm bảo công dân chăm sóc sức khỏe thể chất và hạnh phúc của chính mình, mọi người đều được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tô Châu (theo Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI