Mỹ kêu gọi người dân cảnh giác với vi rút Tây sông Nile

25/08/2023 - 23:23

PNO - Chỉ sau hơn một thập niên, vi rút Tây sông Nile đã trở thành nguyên nhân hàng đầu trong các nguồn gây bệnh lây lan qua côn trùng ở Mỹ.

 

Virus Tây sông Nile thường lây lan qua trung gian là loài muỗi Culex, phổ biến trên khắp Hoa Kỳ – Ảnh: Reuters
Vi rút Tây sông Nile thường lây lan qua trung gian là loài muỗi Culex, phổ biến trên khắp nước Mỹ - Ảnh: Reuters

Ngày 24/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố báo cáo, trong đó ghi nhận một loạt cảnh báo về các bệnh truyền qua muỗi, như sốt rét, sốt xuất huyết và viêm não ngựa phương Đông. Riêng vi rút Tây sông Nile tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu trong nhóm các bệnh lây lan qua côn trùng.

Bài báo của CNN dẫn thông tin từ CDC cho biết, tính đến ngày 24/8, tổng cộng có 247 trường hợp bị nhiễm vi rút Tây sông Nile phải nhập viện đã được báo cáo và số liệu này đang tiếp tục tăng lên, có một số trường hợp tử vong ở các bang Illinois, Nebraska và Colorado.

Báo cáo của CDC cũng nhắc lại đợt bùng phát dịch bệnh Tây sông Nile vào năm 2021, tổng cộng có 2.099 người nhiễm vi rút này phải nhập viện và 227 người đã tử vong. Tính trên toàn nước Mỹ, tỉ lệ mắc bệnh sốt Tây sông Nile biến chuyển nặng, là tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vào khoảng 0,6 trường hợp trên 100.000 người, cao nhất từ năm 2012.

Thông báo của CDC cho biết: “Mặc dù số ca bệnh thay đổi theo năm, loại vi rút và khu vực địa lý, nhưng vi rút lây lan qua loài chân đốt (vi rút Arbo) vẫn tiếp tục lây lan đáng kể ở Mỹ. Thời tiết, sự phong phú của vật chủ và các chu trình lây nhiễm, cùng với hành vi của con người đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời điểm và địa điểm bùng phát dịch bệnh”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát muỗi và y tế cộng đồng, mùa đông ẩm ướt trước đó và mùa hè nóng hơn của hiện tại, liên quan đến biến đổi khí hậu, là các chỉ báo “đáng kể” về sự lây lan của vi rút Tây sông Nile ở khu vực miền Tây nước Mỹ từ năm 2012 tới nay.

CDC khuyến cáo người dân cẩn thận để tránh bị muỗi đốt, giảm nguy cơ nhiễm vi rút Tây sông Nile và các bệnh do muỗi truyền khác bằng cách dùng thuốc chống côn trùng...

Cố vấn Daniel Markowski của Hiệp hội Kiểm soát muỗi Mỹ (AMCA) cho biết: “Số lượng muỗi nở sau đợt tuyết rơi mùa xuân vừa qua là khá lớn ở nhiều bang, từ Colorado, Utah tới California”.

Vị chuyên gia cho biết, giới chức y tế các địa phương tiếp tục phát hiện vi rút Tây sông Nile ở muỗi, có nghĩa đây là “nhiệt độ thích hợp, quần thể muỗi thích hợp và thời điểm đúng trong năm để bùng phát dịch bệnh cục bộ”.

Theo đó, vi rút Tây sông Nile lây lan khi muỗi đốt những cá thể chim nhiễm bệnh rồi truyền bệnh sang con người. Ông Markowski nhận định, muỗi là loài động vật nguy hiểm nhất thế giới vì chúng là vật chủ trung gian truyền nhiều bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và cả sốt Tây sông Nile, gây chết người nhiều hơn bất kỳ loài sinh vật nào khác trên Trái đất.

Vị cố vấn cho biết thêm, khoảng 1 trong 5 người nhiễm vi rút Tây sông Nile có thể bị sốt kèm theo các triệu chứng khác. Khoảng 1 trong 150 người bị nhiễm bệnh sẽ biến chuyển nặng, đôi khi tử vong do các biến chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não và tủy sống.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI