Biến đổi khí hậu khiến bệnh sốt rét lan truyền rộng hơn ở châu Phi

17/02/2023 - 18:20

PNO - Báo The New York Times vừa trích dẫn thông tin từ một nghiên cứu được công bố vào thứ Ba tuần này trên tạp chí Biology Letters. Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ nóng lên khiến các loài động vật và thực vật dịch chuyển đến môi trường sống mới, điều này gây ra những hậu quả tàn khốc đối với hệ sinh thái.

 

Muỗi truyền bệnh sốt rét đã dịch chuyển xa khỏi đường Xích đạo khoảng 3 dặm mỗi năm trong thế kỷ qua - Ảnh: Reuters
Trong thế kỷ qua, mỗi năm, loài muỗi truyền bệnh sốt rét dịch chuyển xa khỏi đường xích đạo khoảng 4,7km - Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu của nhà sinh vật học Colin Carlson ở Trung tâm Khoa học Y tế toàn cầu và An ninh (Đại học Georgetown) nhận thấy, trong thế kỷ qua, mỗi năm, loài muỗi truyền bệnh sốt rét ở khu vực châu Phi cận Sahara đã liên tục di chuyển rời xa đường xích đạo khoảng 4,7km.

Nghiên cứu cho thấy, tốc độ dịch chuyển nói trên phù hợp với biến đổi khí hậu, cũng như tốc độ và phạm vi mở rộng của bệnh sốt rét ở châu Phi trong vài thập niên vừa qua.

Nhà địa lý học y sinh Sadie Ryan (Đại học Florida) cho biết: “Hiện tượng này thực sự tương ứng với khu vực và cách thức lây truyền bệnh dịch đã xảy ra”. Nỗi lo ngại của các chuyên gia về tác động của biến đổi khí hậu đối với bệnh truyền nhiễm là có cơ sở.

Khi hành tinh ấm lên, thực vật và động vật, đặc biệt là động vật không xương sống, phải tìm kiếm khu vực có nhiệt độ mát hơn, chúng sẽ tìm cách di chuyển rời xa đường xích đạo và lại gần các vùng cực. Theo đó, các loài sống trên cạn đã dịch chuyển với tốc độ trung bình 1,7km mỗi năm.

Cụ thể, loài ve truyền bệnh Lyme đang mở rộng đáng kể phạm vi của chúng ở miền bắc Hoa Kỳ. Các loài dơi cũng đang dịch chuyển và mang theo nhiều bệnh truyền nhiễm như bệnh dại.

Ở vùng đông bắc Mỹ, tôm hùm đang chết vì bệnh nấm, còn các loài cá đang di cư về phía bắc hoặc đến các vùng nước sâu hơn để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn. Hệ quả là các loài chim biển như hải âu phải tìm cách thích nghi với nguồn thức ăn ngày càng cạn kiệt, còn ngư dân phải chuyển sang các hình thức đánh bắt hải sản mới.

Nhà sinh thái học Morgan Tingley tại Đại học California cho biết: “Chúng ta thường nói về tác động của biến đổi khí hậu, rằng thế giới chỉ đang ấm lên mà thôi, mặc kệ cách thức các yếu tố trong thế giới rộng lớn liên kết với nhau".

Tiến sĩ Tingley cho biết thêm: “Mặc dù các loài đã trải qua quá trình phân phối lại trên hành tinh trong hàng triệu năm qua để thích ứng với khí hậu, nhưng những thay đổi hiện nay đang “diễn ra cực kỳ nhanh chóng”. Diễn biến này không tốt đối với nhiều loài, cũng như không tốt với sự ổn định của hệ sinh thái”.

Ở Hawaii, cuộc xâm lược của các loài muỗi ngoại lai đang đe dọa 2 loài chim bản địa, một loài chỉ còn khoảng 50 cá thể và được dự đoán ​​sẽ tuyệt chủng trong thập niên này. Khí hậu ấm hơn sẽ có lợi cho muỗi vì chúng và các ký sinh trùng mà chúng mang theo đều sinh sản nhanh hơn trong môi trường nhiệt độ ấm hơn.

Tiến sĩ Carlson cảnh báo: “Chúng ta đang sống trong một thế giới vốn đã nóng hơn trước 1,2 độ và thực sự chưa ai biết rủi ro có đang bắt đầu diễn ra hay không”.

Ông Carlson và các đồng nghiệp đã trích dẫn một cơ sở dữ liệu khổng lồ ghi lại sự phân bố của 22 loài muỗi ở châu Phi cận Sahara từ năm 1898 đến năm 2016. Theo đó, trong 118 năm, các loài muỗi anopheles truyền bệnh sốt rét đã mở rộng phạm vi không gian sống của chúng lên độ cao trung bình tích lũy là 701m, rộng hơn 482km về phía nam đường xích đạo.

Tiến sĩ Tingley cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng vào kết quả được báo cáo trong nghiên cứu do tiến sĩ Carlson làm trưởng nhóm. Tuy nhiên, ông Tingley lưu ý, nghiên cứu nói trên vẫn đánh giá thấp sự thay đổi do tốc độ nóng lên toàn cầu ngày càng nhanh trong những năm gần đây.

Trường An (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI