Mùa kịch Lưu Quang Vũ ở nhà hát Tuổi Trẻ

08/08/2023 - 14:50

PNO - Đã 10 năm nay, mỗi dịp vào thu, nhà hát Tuổi Trẻ lại bước vào “mùa kịch Lưu Quang Vũ”. Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc nhà hát Tuổi Trẻ - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về nỗ lực giữ gìn thương hiệu “mùa kịch Lưu Quang Vũ” độc đáo này.

Phóng viên: Những năm qua, khán giả Hà Nội dần quen với việc đến nhà hát Tuổi Trẻ xem kịch Lưu Quang Vũ vào khoảng tháng Tám, Chín hằng năm. Mùa kịch đặc biệt này bắt đầu từ đâu thưa ông?

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Sĩ Tiến: Năm 2013, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Nhà hát Tuổi Trẻ tham gia 2 vở là Mùa hạ cuối cùngLời thề thứ 9. Các đêm diễn đều chật kín khán giả, không khí rất xúc động. Khoảng thời gian 1/4 thế kỷ cũng đủ để nhìn nhận và khẳng định tầm ảnh hưởng của tác giả Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam. 

Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị đầu tiên dựng kịch bản Sống mãi tuổi 17 (1979) của Lưu Quang Vũ. Ông viết khoảng 50 kịch bản đủ thể loại thì nhà hát Tuổi Trẻ dựng được 10 vở. Các bản dựng mới, sau khi tác giả qua đời nhiều năm, vẫn nhận được phản hồi rất tốt. Từ đó, thành chu kỳ, vào dịp tưởng nhớ ngày mất của Lưu Quang Vũ hằng năm, nhà hát Tuổi Trẻ lại thực hiện “mùa kịch Lưu Quang Vũ”. Qua 10 năm, mùa diễn này đã trở thành thương hiệu độc đáo của nhà hát.

 
NSƯT Sĩ Tiến

* Sự đón nhận của khán giả với mùa kịch này như thế nào thưa ông? Có độ chênh nào giữa lớp khán giả xưa và những khán giả của hôm nay?

- Mỗi mùa diễn có khoảng 10 buổi diễn, đón trung bình trên dưới 400 khách/buổi (rạp Tuổi Trẻ có quy mô khoảng 500 ghế). Trong thập niên qua, ước tính khoảng 40.000 lượt khán giả. Con số không quá lớn nhưng đủ để chúng tôi tự hào và nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh rất khó để kéo dài đời sống các vở diễn.

Khán giả của “mùa kịch Lưu Quang Vũ”, có người hoài niệm về Hà Nội một thời tem phiếu nhưng qua thời gian cũng đã có sự dịch chuyển. Khi nhà hát đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội thì mùa kịch này có rất nhiều khán giả trẻ. Có thể họ thuần túy chỉ muốn xem vở kịch nào đó hoặc tò mò về cái tên Lưu Quang Vũ. Sau đó, họ giới thiệu cho bạn bè hoặc mua vé cho cha mẹ, ông bà đi xem.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - “mùa kịch Lưu Quang Vũ” là cách xây dựng thương hiệu độc đáo của nhà hát Tuổi Trẻ. Trước hết là tôn vinh một tác giả đánh dấu thời kỳ đổi mới của sân khấu nước nhà. Lưu Quang Vũ là người đi đầu trong đổi mới văn học kịch, cả về đề tài và nghệ thuật biên kịch. Từ đó, tạo ra những chuẩn mực cho biên kịch, đạo diễn, biểu diễn về sau.

“Từ lâu, Hội Sân khấu TPHCM vẫn mong ước thực hiện được các chuyên đề tôn vinh các tác giả có nhiều cống hiến, như: Ngọc Linh, Hà Triều - Hoa Phượng, Lê Duy Hạnh… Hay nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ có chuỗi tác phẩm của soạn giả Trần Hữu Trang. Đáng tiếc, đến nay vẫn chưa có tiềm lực để thực hiện…” - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

Có khán giả xem 1 vở đến 5 lần, thuộc hết cả lời thoại. Có những đêm diễn xong, khán giả không đứng lên, cứ ngồi vỗ tay từng chặp 5-7 phút. Diễn viên đứng trên sân khấu cúi chào mà nước mắt cứ trào ra. Khi mình không lường trước liệu sang năm có gì đổi mới, liệu sẽ dừng lại hay tiếp tục mùa diễn thì những khoảnh khắc cộng hưởng cảm xúc giữa diễn viên và khán giả đó lại hiện lên, lại trở thành động lực để tiếp tục cố gắng.

* Ông lý giải thế nào về sức hút của kịch Lưu Quang Vũ đến tận hôm nay?

- Lưu Quang Vũ là một tác giả lớn. Hơn 40 năm qua, nhiều kịch bản của ông chưa bao giờ nguội, không nơi này thì cũng nơi kia dựng. Như năm nay, ngoài chúng tôi diễn thường niên thì nhà hát Kịch Việt Nam cũng ra mắt chương trình Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời với 4 vở diễn. Không bàn đến những giá trị độc đáo và tiên phong đã tác động sâu sắc đến dư luận, góp phần chuyển biến cả nền sân khấu trong thời kỳ đổi mới, cá nhân tôi thích nhất là “chất thơ” trong kịch Lưu Quang Vũ. 

Tác giả vốn là một nhà thơ nên các lời thoại trong kịch ẩn chứa nhiều tầng ngữ nghĩa chứ không đơn giản là nói chuyện hằng ngày. Không giáo điều mà rất nhẹ nhàng đi vào lòng người. Đằng sau những câu nói, tình huống rất hài hước là những triết lý sống đơn giản, là những khát vọng của con người bình thường nhưng không phải ai cũng nhận ra.

Tuy nhiên, để đưa kịch Lưu Quang Vũ trở lại sân khấu hôm nay mà vẫn truyền tải trọn vẹn thông điệp là điều không dễ khi thời đại đã khác nhiều. Chúng tôi phải biên tập, chỉnh lý đôi chút và đổi mới phương thức dàn dựng, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ khán giả hiện nay.

Vở Sống mãi  tuổi 17 về anh hùng  Lý Tự Trọng sẽ diễn ngày Quốc khánh 2/9 - Nguồn ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ
Vở Sống mãi tuổi 17 về anh hùng Lý Tự Trọng sẽ diễn ngày Quốc khánh 2/9 - Nguồn ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ

* Các diễn viên trẻ của nhà hát đón nhận mùa kịch Lưu Quang Vũ như thế nào?

-Với kịch Lưu Quang Vũ, người nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ, được tham gia vừa là vinh dự vừa là khó khăn. Cách khai thác, cách nhìn nhận của người trẻ đối với các nhân vật quá khác biệt với mình luôn là thách thức. Mà thách thức ấy trong nghề là rất đáng trân trọng, nó giúp diễn viên thỏa sức tìm tòi, sáng tạo.

* Nhà hát Tuổi Trẻ có ý định sẽ dựng toàn bộ 50 tác phẩm của Lưu Quang Vũ hay không?

- Điều này rất khó, vì trong đó có cả những kịch bản cho chèo, cải lương. Nhà hát Tuổi Trẻ chủ yếu phục vụ thanh thiếu nhi, phải lựa chọn tác phẩm phù hợp hoạt động chuyên môn của mình. Cho nên, có nhiều nơi dựng kịch Lưu Quang Vũ, nhưng ở nhà hát Tuổi Trẻ lại mang màu sắc khác khi chúng tôi hướng đến kịch về người trẻ và cho khán giả trẻ. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục lựa chọn và dàn dựng thêm tác phẩm Lưu Quang Vũ phù hợp trong thời gian tới.

Năm nay, “mùa kịch Lưu Quang Vũ” của nhà hát Tuổi Trẻ sẽ diễn 4 vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm?, Ông không phải là bố tôi, Sống mãi tuổi 17 với sự tham gia của các diễn viên chủ lực: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, các nghệ sĩ Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Bá Anh, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Dương, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Chí Huy, Thanh Tú, Minh Cúc, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy…

Trong đó, Ông không phải là bố tôi được viết năm 1988 - một trong những tác phẩm cuối cùng của Lưu Quang Vũ - kể về bi kịch và sự hàn gắn của gia đình trước biến cố và lòng người. Ai là thủ phạm? là bức tranh sống động về Hà Nội những năm 1980, tiêu biểu qua hình ảnh khu tập thể Quân khu Phượng Hà. Còn Hoa cúc xanh trên đầm lầy, dù được viết cách đây hơn 30 năm, nhưng lại chứa đựng yếu tố giả tưởng vượt thời gian cũng như thể hiện thông điệp của muôn đời: hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người. Bản dựng của NSƯT Sĩ Tiến đã đạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 tại TPHCM. 

Đặc biệt, vở Sống mãi tuổi 17 về người anh hùng Lý Tự Trọng sẽ diễn đúng dịp Quốc khánh 2/9. Kịch bản từng được Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phạm Thị Thành dàn dựng và đạt Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980. Cuối năm 2022, NSƯT Sĩ Tiến đưa Sống mãi tuổi 17 trở lại nhân kỷ niệm 45 năm thành lập nhà hát Tuổi Trẻ. Vở cũng được chọn diễn phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần XII. 

“Chúng tôi không chỉ ca ngợi một người anh hùng mà mong muốn truyền tải thông điệp về sứ mệnh của tuổi trẻ Việt Nam. Nếu lý tưởng của thanh niên thế hệ anh Lý Tự Trọng là độc lập dân tộc thì lý tưởng của thanh niên hôm nay là đất nước giàu mạnh, ngày càng phát triển” - NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ

Ninh Lộc (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI