"Một thế kỷ suy tư" - tưởng nhớ nhà thơ Hải Như

20/12/2023 - 13:49

PNO - Nhà thơ Hải Như được trao giải Cống hiến của Hội Nhà văn TPHCM năm 2023. Tọa đàm "Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư" để tưởng nhớ ông.

Sáng ngày 20/12, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức tọa đàm chủ đề Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông; đồng thời tôn vinh tác phẩm nhân dịp ông vừa được trao giải Cống hiến của Hội Nhà văn TPHCM năm 2023. 

Dịp này, tuyển tập Thơ và tiểu luận của cố nhà thơ Hải Như cũng được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Buổi tọa đàm để những người cầm bút, các nghệ sĩ, bạn đọc cùng nhìn lại những cống hiến của nhà thơ Hải Như từ lĩnh vực văn chương đến âm nhạc.

Ấn phẩm tưởng nhớ cố nhà thơ Hải Như (1923-2023). Ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Ấn phẩm tưởng nhớ cố nhà thơ Hải Như (1923-2023). Ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

“Nhà thơ Hải Như cả đời lặng lẽ và miệt mài cầm bút. Thơ ông giàu chất suy tư. Ông luôn ngắm nhìn xung quanh ở cả chiều sâu số phận lẫn chiều rộng văn hóa. Và khi nhắc đến một nhân vật có những đóng góp nhất định cho đời sống xã hội như nhà thơ Hải Như, thì không thể không điểm lại con đường ông đã đi cùng dân tộc” – nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhìn nhận.

Con đường đó đã bắt đầu từ khi ông còn là học sinh trường Thành Chung sư phạm Đỗ Hữu Vỵ tại Hà Nội (trước năm 1945). Thời điểm ấy, ông làm thư ký cho Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau khi tham gia cướp chính quyền tại quê nhà Nam Định, ông phụ trách công tác thanh niên Việt Minh. Năm 1946, ông chính thức gia nhập quân đội và đảm nhận vai trò thư ký tòa soạn báo Sông Lô của phòng chính trị liên khu 10 Việt Bắc...

Nhà văn Bích Ngân:
Nhà văn Bích Ngân: "Tác phẩm của nhà thơ Hải Như sẽ còn sống mãi đến tương lai".

Sự nghiệp cách mạng của nhà thơ Hải Như cũng gắn liền với cuộc “đấu tranh trên mặt trận tư tưởng” của văn nghệ sĩ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Năm 1949, ông được cử đi học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng; rồi về làm báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân hiện nay), sau đó chuyển sang báo Cứu Quốc...

Ông đã xuất bản các tập thơ Trái đất mai này còn lại tình yêu (1985), Bài thơ trên bến Nhà Rồng (1990), Thơ viết về Người (2004)... Dù sáng tác nhiều thể loại, có nhiều tác phẩm thi ca được phổ nhạc, nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà thơ Hải Như là các sáng tác về Bác Hồ. 

Các bài thơ của ông được phổ nhạc: Như hoa hướng dương (nhạc sĩ Tô Vũ), Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc sĩ Lương Vĩnh), Nơi ấy điểm hẹn (nhạc sĩ Trương Tuyết Mai)...

"Từ bài thơ đầu tiên Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi viết ngày 8/9/1969 đến những bài thơ cuối cùng trong cuộc đời mình, ông đã chắt chiu những cảm hứng trong lành nhất, trìu mến và sâu sắc nhất để sáng tác đề tài về Bác” – nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Nhà thơ Hải Như sinh ngày 27/11/1923 tại Nam Định. Ông qua đời vào ngày 30/6/2017 tại TPHCM. 

Nam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI