Mỗi em bé chào đời là một khoảnh khắc diệu kỳ

27/02/2023 - 08:22

PNO - Đó là lời chia sẻ ngắn gọn của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Lê Minh Đạt - Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa (Nha Trang).

Cảm giác thiêng liêng

Mở điện thoại, bác sĩ Đạt vừa ngắm nghía những em bé đáng yêu mà anh đã cùng ê kíp đỡ sinh vừa nói: “Kỳ diệu bởi mỗi ca sinh là những cung nhịp cảm xúc khác nhau, nhất là những ca người mẹ sinh khó. Đúng như người ta thường nói, cửa sinh là cửa tử”.

Trải qua hơn 18 năm làm nghề, bác sĩ Đạt không thể nhớ hết tự tay mình đã đón bao nhiêu đứa trẻ chào đời, nhưng anh vẫn còn nhớ như in lần đầu bế trên tay một sinh linh bé bỏng mà anh là bác sĩ trợ sinh. Mặc cho nước ối dính đầy người, bác sĩ Đạt chỉ còn nghe tiếng bé khóc trong niềm hạnh phúc. “Đặc biệt, khi tự tay trao em bé cho gia đình sản phụ, nhìn ánh mắt người bà, người cha, nụ cười của người mẹ, cảm giác rất khó tả, thiêng liêng lắm”, bác sĩ Đạt chia sẻ.

 

Bác sĩ Nguyễn Lê Minh Đạt bế công dân đầu tiên được sinh tại quần đảo Trường Sa - ẢNH: BSCC
Bác sĩ Nguyễn Lê Minh Đạt bế công dân đầu tiên được sinh tại quần đảo Trường Sa - Ảnh: BSCC

Có lần, bác sĩ Đạt được cử đi công tác tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) hỗ trợ sinh cho thai phụ tại đây. Đang trên đường ra đảo, anh nhận được tin báo sản phụ đã sinh em bé. Rút kinh nghiệm, lần được lệnh đến đảo Sinh Tồn, bác sĩ Đạt xin ra đảo trước vài ngày để chủ động hơn. Không ngại đảo nhỏ, đời sống, đi lại khó khăn, có thời gian rảnh, anh cùng đoàn bác sĩ địa phương đến thăm khám, động viên thai phụ yên tâm sinh em bé tại đảo. 

“Khi thai phụ bắt đầu đau bụng, có dấu hiệu sinh, chúng tôi theo dõi, canh chừng xuyên đêm. Đến sáng thì cô ấy chuyển dạ, em bé chào đời hồng hào, cất tiếng khóc vang. Em cũng là em bé đầu tiên được sinh ra tại đảo Sinh Tồn, càng ý nghĩa hơn khi sinh đúng ngày 2/4 - ngày kỷ niệm giải phóng Khánh Hòa”, bác sĩ Đạt nói.

Cuộc sống tươi đẹp luôn ở phía trước

Mở hình 1 em bé khoảng 3 tuổi, bác sĩ Đạt tâm sự: “Em bé này cho tôi rất nhiều cảm nhận về sự kỳ diệu của mầm sinh”. Đêm đó, đang trực, 1 thai phụ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cấp cứu. 
Khai thác nhanh bệnh sử, anh được biết chị bị nhân xơ tử cung, trước đó bệnh viện tuyến trên tư vấn nên đình chỉ thai để điều trị bóc nhân xơ. Dù biết nguy hiểm đến tính mạng, chị vẫn quyết định giữ con. Khi thai được khoảng 31 tuần tuổi, chị vỡ ối, chuyển dạ. Bác sĩ Đạt liền khám, thấy ngôi thai bất thường, anh mời bác sĩ Khoa Nhi hội chẩn khẩn để mổ cấp cứu cho chị.
“Mở đường mổ, tôi tìm mãi không thấy thai vì tử cung gần như bị lấp đầy các khối u xơ lớn. Nếu để lâu, em bé non tháng sẽ rất nguy hiểm, nhưng phải thật tỉ mỉ, thận trọng, nếu không, người mẹ sẽ khó qua khỏi. Tập trung tối đa, dồn lực bóc từng khối u, cuối cùng tôi thấy bé ở một góc sâu phía trong tử cung. Đưa được em bé ra ngoài cho bác sĩ Khoa Nhi hồi sức tích cực, cũng là lúc tôi gần như kiệt sức”, bác sĩ Đạt xúc động.
 

Bác sĩ Nguyễn Lê Minh Đạt tự tay chăm sóc, tắm cho em bé trên đảo - ẢNH: BSCC
Bác sĩ Nguyễn Lê Minh Đạt tự tay chăm sóc, tắm cho em bé trên đảo - Ảnh: BSCC

Nhớ về quyết định chọn ngành phụ sản, anh cười hiền: “Nghề chọn tôi đó”. Anh từng tận mắt chứng kiến nhiều cặp vợ chồng cưới nhau đã lâu mà không có con, phải đi khắp nơi điều trị hiếm muộn. Hạnh phúc gia đình thiếu một mảnh ghép nhỏ, cứ chông chênh, nên sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh muốn chọn lĩnh vực hiếm muộn hơn.

“Tôi muốn góp phần mang lại hạnh phúc cho những gia đình ấy bằng phương pháp khoa học hiện đại. Tuy nhiên, thời điểm đó không có nhiều chọn lựa, tôi loay hoay mãi rồi ngành phụ sản “chọn” tôi luôn”, bác sĩ Đạt từ tốn.

Từ đó, anh và ê kíp không ít lần “chiến đấu” với tử thần để giành lại những người mẹ, những em bé cho các gia đình. Những kỷ niệm ấy như thước phim khó quên của người bác sĩ. 

Nguồn: PV

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI