Mobile money vẫn chưa thể hấp dẫn người dùng

18/12/2021 - 06:43

PNO - Với dịch vụ thanh toán di động (mobile money), người dùng chỉ cần chiếc điện thoại là có thể chuyển tiền, thanh toán khi mua bán hàng hóa mà không cần kết nối wifi, 3G, 4G, không cần có tài khoản ngân hàng. Được xem là một bước tiến trong việc giao dịch không dùng tiền mặt, nhưng dịch vụ này vẫn chưa thu hút được nhiều người dùng.

 

Khách hàng đang được hướng dẫn cách đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán di động tại VNPT Vinaphone - ẢNH: T.HOA
Khách hàng đang được hướng dẫn cách đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán di động tại VNPT Vinaphone - Ảnh: T.Hoa

 Đăng ký nhiều, giao dịch ít 

Những ngày gần đây, trước nhiều tiệm tạp hóa, ăn uống ở vùng ven TPHCM, xuất hiện nhiều tấm bảng “nhận thanh toán, nạp rút, chuyển tiền bằng mobile money” của nhà mạng Viettel, Vinaphone. Từ đầu tháng 12/2021, các nhà mạng đồng loạt đẩy mạnh việc “phủ sóng” dịch vụ thanh toán di động.

Tại một điểm giao dịch của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Vinaphone trên đường Pasteur, Q.3, khách hàng đến giao dịch được nhân viên tư vấn, giới thiệu cách đăng ký sử dụng mobile money. Điều kiện để đăng ký là thuê bao di động đã kích hoạt và sử dụng trên ba tháng, có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu trùng với thông tin đã đăng ký thuê bao; nếu thông tin chưa trùng khớp với thông tin thuê bao đã đăng ký thì phải cập nhật. Những người dùng điện thoại đời cũ (phím bấm cơ, màn hình đen trắng) cũng có thể đăng ký dịch vụ này bằng tin nhắn theo cú pháp của nhà mạng. 

Khách muốn nạp tiền, rút tiền mặt thì đến các phòng giao dịch hoặc điểm kinh doanh của nhà mạng để nhân viên thực hiện; muốn chuyển tiền cho người khác hoặc thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ… thì bấm cú pháp trên điện thoại. Chẳng hạn, khi chuyển tiền, người dùng mạng Vinaphone bấm *9191# rồi nhập số 1 để chuyển tiền, khi thanh toán thì bấm *9191# rồi nhập phím 2. 

Với điện thoại thông minh (smartphone), việc sử dụng dịch vụ mobile money đơn giản hơn, người dùng có thể tải ứng dụng của nhà mạng rồi đăng ký mobile money trên ứng dụng này; việc chuyển tiền cũng dễ dàng thực hiện qua ứng dụng tới số điện thoại hoặc qua tài khoản ngân hàng, thẻ ATM nội địa của người nhận. Người dùng rút tiền trực tiếp tại điểm giao dịch hoặc qua ứng dụng rồi chuyển về tài khoản ngân hàng. Hầu hết các nhà mạng đều cho phép giao dịch bằng cách quét mã QR nên các thao tác đơn giản hơn rất nhiều. 

Đại diện VNPT cho biết, tất cả các giao dịch mobile money đều phải qua hai bước bảo mật là mật khẩu, mã OTP nhằm bảo đảm an toàn cho người giao dịch. Nhà mạng này có khoảng 1.000 điểm giao dịch, trên 10.000 điểm giao dịch ủy quyền, 200.000 điểm kinh doanh liên kết. Hiện đã có khoảng 20.000 thuê bao đăng ký thành công dịch vụ mobile money.

Điều kiện đăng ký mobile money của nhà mạng Viettel cũng khá tương đồng với Vinaphone. Các thuê bao sử dụng từ ba tháng trở lên đều có thể đăng ký bằng tin nhắn nếu dùng điện thoại trắng đen, tải ứng dụng Viettel money để kích hoạt và sử dụng dịch vụ nếu dùng điện thoại thông minh. Việc chuyển tiền, thanh toán cũng không có nhiều khác biệt với các nhà mạng khác. Thuê bao Viettel còn cho phép khách hàng dùng điện thoại đời cũ thanh toán các loại dịch vụ, như nộp tiền điện, nước… 

Vẫn còn những hạn chế 

Theo một số khách hàng, mobile money tiện lợi hơn ví điện tử vì có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều thiết bị mà không cần có tài khoản ngân hàng hay kết nối internet. Tuy nhiên, mobile money cũng bất tiện do chỉ cho phép thực hiện các giao dịch trị giá dưới 10 triệu đồng.

Viettel money đang dần xuất hiện tại các điểm bán hàng ở nông thôn ẢNH DO VIETTEL CUNG CẤP
Viettel money đang dần xuất hiện tại các điểm bán hàng ở nông thôn Ảnh do Viettel cung cấp 

Đại diện VNPT thừa nhận, hạn mức giao dịch dưới 10 triệu đồng/tháng là khá thấp và đây là điểm hạn chế của mobile money trong hai năm thí điểm. Bên cạnh đó, nhà mạng chỉ mới cho phép các doanh nghiệp trở thành điểm nạp, rút tiền mà chưa cho phép các hộ kinh doanh cá thể thực hiện việc này, trong khi chính các hộ kinh doanh sẽ giúp mạng lưới mobile money phát triển mạnh hơn. Một điểm hạn chế nữa là người dùng chỉ có thể chuyển tiền trong cùng một nhà mạng, chưa cho phép chuyển tiền giữa các nhà mạng với nhau. “Khi thử nghiệm đạt một số kết quả, nhà mạng sẽ gỡ bỏ những hạn chế nêu trên để tạo thuận tiện cho người dùng dịch vụ” - đại diện VNPT nói. 

Chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo dữ liệu do nền tảng nghiên cứu Merchant Machine của Anh cung cấp, Việt Nam xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng thấp nhất thế giới, với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Mobile money ra đời là giải pháp thay thế cho tài khoản ngân hàng, có thể thanh toán ở bất kỳ đâu miễn có sóng di động, thuận lợi để xây dựng nền kinh tế số không dùng tiền mặt.

Có thể tính toán nâng hạn mức giao dịch của loại hình này lên, bởi trong giai đoạn thử nghiệm, nếu dịch vụ được đánh giá tiện ích thì sẽ thu hút được người dùng và tạo thành thói quen lâu dài cho khách hàng. Dịch vụ này hướng đến khách hàng vùng sâu, vùng xa nên nếu nông dân dùng nó để mua bán hàng hóa trong mùa vụ thì hạn mức 10 triệu đồng/tháng là quá nhỏ và việc chỉ giao dịch được nội mạng là rất bất tiện.

“Khi đi mua hàng, ta dễ dàng nhìn thấy các tấm bảng ví điện tử chen chúc nhau trên cùng một quầy bán hàng, hoặc mỗi người dùng phải tải vài ba cái ví điện tử trên điện thoại. Đó là do mỗi ví điện tử có thế mạnh khác nhau, có ví thì mạnh thanh toán điện nước, có ví thì mạnh về đặt xe công nghệ, đặt mua thức ăn hoặc đặt giao hàng. Mobile money cũng vậy, nếu không cho phép chuyển tiền khác nhà mạng, khách hàng phải nhờ tài khoản của người khác hoặc phải sắm thêm sim, như vậy là quá rườm rà” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI