“Mỏ vàng” dược liệu vẫn chưa được khai thác đúng mức

30/06/2023 - 06:27

PNO - Việt Nam có hơn 5.000 loài cây dược liệu, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trồng, khai thác, chế biến cây thuốc được đánh giá sẽ mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế, sức khỏe cộng đồng, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Biết là vậy, nhưng…

 

Sơ chế kim ngân hoa ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang - ẢNH: N.Đ.
Sơ chế kim ngân hoa ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang - Ảnh: N.Đ.

Giảm nghèo bằng cây thuốc 

Quản Bạ từng là 1 trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, nhưng nhờ cây thuốc, khoảng 2.000 nông hộ với hơn 5.000 nông dân đã có nguồn thu nhập gia tăng đều đặn. Mấy năm nay, doanh thu từ cây thuốc của huyện Quản Bạ đạt trên 100 tỉ đồng/năm. Các cây thuốc được trồng và khai thác ở huyện này gồm thảo quả, hà thủ ô đỏ, đương quy, thất diệp nhất chi mai… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, thảo dược là 1 trong 3 giống cây trồng chủ lực của huyện.

15 năm trước, khi anh Lý Tà Dèn (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) quyết tâm phục hồi cây thuốc ở bản Nặm Đăm của người Dao. Bấy giờ, nạn khai thác cây thuốc theo lối tận diệt diễn ra khắp các cánh rừng. Cây thuốc được bán hết cho thương lái, đến khi bà con cần để chữa bệnh thì khó mua, giá lại cao. Anh Dèn nhận thấy việc tận diệt cây thuốc quý để bán không giúp người Dao ở Nặm Đăm có cuộc sống tốt hơn.

Năm 2009, anh thành lập Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Nặm Đăm để trồng cây thuốc, bán dược liệu. Vượt rất nhiều khó khăn, 6 năm sau, anh Dèn và 7 thành viên của HTX mới bắt đầu có lãi. Từ năm 2020 đến nay, doanh thu của HTX đạt hơn 3 tỉ đồng/năm, mỗi hộ về 80-100 triệu đồng/năm nhờ thu hoạch, bán dược liệu cho HTX. Các hộ liên kết với HTX, trồng và cung ứng dược liệu cho HTX cũng thu lợi nhiều hay ít tùy số cây họ trồng được. Hiện HTX có 30 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ. Toàn bản nay chỉ còn 1 hộ nghèo.

Phụ nữ người Dao ở bản Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang sơ chế dược liệu - ẢNH: N.Đ.
Phụ nữ người Dao ở bản Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang sơ chế dược liệu - Ảnh: N.Đ.

Anh Dèn cho biết, HTX Cộng đồng Nặm Đăm có gần 10 sản phẩm từ cây thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép, như thuốc trị đau răng, cao củ dòm, cao bổ tì ích não. Có được thành quả ấy là nhờ vào quyết tâm bền bỉ của anh Lý Tà Dèn cùng các thành viên HTX, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chế biến của tiến sĩ Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội.

Từ bản Nặm Đăm, cây thuốc đã được trồng nhiều ra toàn xã Quản Bạ và các xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Cao Mã Pờ, thị trấn Tam Sơn. UBND huyện Quản Bạ đặt mục tiêu trong 5 năm (2021-2025), sẽ trồng mới trên 500ha cây dược liệu, duy trì diện tích trồng cây thuốc trên 650ha, trong đó có gần 540ha do nông dân trồng, chăm sóc, còn lại là cây trong tự nhiên.

Khó khăn về vốn, thị trường

Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng hiện đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai dự án ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo ở các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà của tỉnh Thái Bình.

Ông Lê Ngọc Huê (bìa phải) - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng - giới thiệu trà thảo mộc của Việt Nam trong hội chợ ở Ấn Độ ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Ông Lê Ngọc Huê (bìa phải) - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng - giới thiệu trà thảo mộc của Việt Nam trong hội chợ ở Ấn Độ Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Ông Lê Ngọc Huê - Giám đốc Công ty Thái Hưng - vốn là cử nhân triết học, cử nhân luật, điều hành 1 công ty cơ khí nhưng rẽ ngang sang ngành chế biến dược liệu. Càng làm, ông càng nhận thấy giá trị cũng như tiềm năng của ngành này. Sản phẩm của Công ty Thái Hưng không chỉ các loại trà đinh lăng, trà cà gai leo, trà tía tô, trà giảo cổ lam mà còn có kem đánh răng, dầu gội đầu, sữa tắm… Các loại trà thảo mộc của công ty đã vươn đến thị trường Lào, Campuchia, Mỹ, Ấn Độ. 

Hiện ngoài vùng dược liệu ở tỉnh Thái Bình ông Huê còn liên kết với các hộ ở tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Kon Tum… để trồng giảo cổ lam, đinh lăng, cà gai leo, cỏ ngọt, thảo quyết minh (muồng)... Năm 2019, Công ty Thái Hưng đã liên kết với HTX Dược liệu Bảo Châu để trồng cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices - thực hành tốt việc nuôi trồng và thu hái) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Khi được hỏi khó khăn lớn nhất khi sản xuất, kinh doanh dược liệu là gì, anh Lý Tà Dèn và ông Lê Ngọc Huê đều cho rằng đó là nguồn vốn. Theo anh Lý Tà Dèn, HTX Cộng đồng Nặm Đăm mong muốn dược liệu của bà con được chế biến theo công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao giá trị kinh tế của dược liệu, nhưng để đầu tư máy móc hiện đại, cần có tiền tỉ. Số tiền này quá lớn so với khả năng của HTX nhưng nhiều năm qua, HTX vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay.

Dù đã nhận ra xu hướng tương lai của sản phẩm từ cây thuốc là dược mỹ phẩm, nhưng Lê Ngọc Huê lắc đầu: “Đầu tư máy móc hiện đại tốn cả trăm tỉ đồng. Nếu có vay được vốn thì đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán lớn nhất cần giải”. Ông so sánh, tỉ lệ người Việt thường xuyên uống cà phê không nhiều và lượng tiêu thụ của mỗi người trong ngày cũng không cao, trong khi trà thảo dược có thể thay thế nước lọc. Thế nhưng, doanh thu năm 2022 từ riêng cà phê hòa tan của 1 công ty là 8.000 tỉ đồng, còn doanh thu toàn ngành trà thảo dược chỉ đạt 1.000 tỉ đồng.

Theo ông Lê Ngọc Huê, tiềm năng, giá trị của cây dược liệu về kinh tế cũng như sức khỏe toàn dân là rất lớn. Để ngành dược liệu phát triển, ngoài nỗ lực của các đơn vị sản xuất, chế biến dược liệu, rất cần các cấp, các ngành cùng vào cuộc, chẳng hạn quảng bá về lợi ích của trà thảo mộc để người Việt tiêu thụ rộng rãi.

Vùng trồng đinh lăng theo  tiêu chuẩn GACP ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng - ẢNH: M.T.
Vùng trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng - Ảnh: M.T.

Ngày 30/10/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngày 20/1/2015, Bộ Y tế có Quyết định số 179/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, nhằm bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên. 

Theo Bộ Y tế, nước ta có 8 vùng dược liệu trọng điểm, gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Mục tiêu của bản quy hoạch là phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái, gồm 36 loài bản địa, 18 loài nhập nội, trồng tập trung với quy mô lớn.

Trong hội nghị tập huấn về sổ tay hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, diễn ra hồi tháng 4/2023, đại diện Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có 5.117 loài cây dược liệu, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Tổng giá trị thị trường của dược liệu nước ta ước tính hơn 400 triệu USD/năm.

Minh Tuệ

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI