Mệt mỏi vì gia đình xúi bỏ chồng

08/09/2021 - 20:29

PNO - Em quá mệt mỏi khi gia đình luôn chỉ trích chồng em và xúi em ly hôn. Mà mệt nhất là họ nói không sai điểm nào.

Chào chị Hạnh Dung,

Em quá mệt mỏi khi gia đình luôn chỉ trích chồng em và xúi em ly hôn. Mà mệt nhất là họ nói không sai điểm nào. Theo bố mẹ, chồng em quá “ngu ngơ”, thiếu sâu sát với nhà vợ. Mỗi lần gia đình sum họp xong mà em gặp riêng bố mẹ thì thể nào cũng nghe mắng “lấy thằng chồng trớt quớt, chấm không được điểm nào mà không chịu bỏ đi”.

Hình minh họa - XFRAME
Hình minh họa - XFRAME

Những điều bố mẹ em nói rất đúng nhưng chỉ là một phần con người anh. Anh rất trách nhiệm, rộng rãi và quan tâm đến mọi người. Tuy nhiên về mặt giao tiếp thì anh không giống người ta. Anh rất ít tham gia “bà tám”, trong khi nhà em cực kỳ mạnh về khoản này. Cả nhà em ai cũng hài hước, ăn to nói lớn. Vậy nên chồng em xuất hiện như vật thể lạ, và luôn làm bố mẹ em… mất hứng.

Thỉnh thoảng em cũng bực mình vì có mấy điều quá cơ bản mà chồng em cũng không làm được để em phải bị mắng hoài. Ví dụ anh vốn rất yêu thương nhà em, vẫn đều đặn thăm nom dù lần nào về chơi thì anh cũng rất lạc lõng. Đã làm được như thế, tại sao khi gia đình đang nói chuyện rôm rả thì anh không tham gia? Anh hoàn toàn đủ thông minh để đối đáp cùng mọi người, nhưng anh chỉ ngồi cười.

Rồi có nhiều lúc, cậu em (làm cùng ngành với anh nhưng chức cao hơn anh) về thăm quê, bố mẹ em nôn nóng rủ anh lên chơi cùng thì anh lại từ chối vì bận công tác. Đúng là anh bận thật. Nhưng gia đình em lại đánh giá anh kém, không khôn ngoan, tại sao lại chỉ xem việc lên gặp cậu là chuyện gặp gỡ gia đình, trong khi đó cũng là một cơ hội kết nối công việc. Những chuyện như thế cứ trở thành cái cớ để gia đình em càng lúc càng đánh giá anh kém cỏi, rồi bỉ bai cả em không biết lấy chồng, không biết dạy chồng.

Em quá mệt mỏi, làm sao để thoát khỏi cảnh “bên tình bên hiếu” đây hả chị?

Khánh Tiền (Tiền Giang)

Khánh Tiền mến,

Với sự khác biệt thì ta chỉ có thể dung hòa trong khả năng, và chấp nhận nó thôi em ạ.

Hiện tại, chồng em đang ở “phe thiểu số” nên trông anh ấy có vẻ… lạ đời. Nhưng thực tế việc người ta ít nói, không thích “bà tám” cũng là một tính cách khá phổ biến. Ngược lại, tính cách rôm rả, hài hước cũng phổ biến và thú vị. Không có ai cần phải thay đổi cách sống trong chuyện này.

Nhưng ta có thể xác định những điều kiện tiền đề của từng mối quan hệ để suy nghĩ cho sáng rõ. Từ đó cũng phân định được đâu là ranh giới để ta tôn trọng, hoặc yêu cầu người khác phải thay đổi trong một mối quan hệ.

Ví dụ, giữa con rể với nhà vợ thì quan trọng nhất vẫn là sự tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm. Việc anh ấy hòa nhập cả về sinh hoạt, giao tiếp gia đình có thể là một “giá trị tăng thêm” mà em có thể động viên, gợi ý và tạo điều kiện cho anh ấy. Nhưng nếu chưa đạt được điều đó, cũng đừng vội chê trách hay bực bội.

Ngược lại, em và gia đình em cần tôn trọng anh ấy. Sự tôn trọng đó cần bao gồm cả tôn trọng sự khác biệt trong tính cách. Không nên vì sự khác biệt mà chỉ trích và phủ nhận toàn bộ tư cách làm chồng, làm rể của anh ấy. Mọi người không có quyền yêu cầu anh ấy phải rôm rả như người khác, cũng giống như anh ấy không thể bắt em, hay người nhà em phải “trật tự, yên tĩnh” như tính cách của anh ấy được.

Hạnh Dung hiểu, việc sống giữa hai bên quá khác biệt cũng sẽ làm em khó xử. Nhưng chính em phải xác định rõ vấn đề trước tiên. Khi xác định được đó là sự khác biệt, thì em sẽ tôn trọng một cách nhất quán. Với gia đình, em có thể nói rõ về sự khác biệt trong tính cách của chồng, và chỉ ra những điều chồng em đã nỗ lực và làm rất tốt trong vai trò một người con rể. Chuyện này có thể nói trong lúc vui vẻ như cách cả nhà vẫn hay vui vẻ với nhau. Sau đó, hãy bỏ ngoài tai những lời gợi ý bỏ chồng, và xem đó như một “chuyện phiếm” của những người thích đùa.

Khi em tôn trọng chồng và không lung lay niềm tôn trọng đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng và nhẹ nhõm hơn. Việc không thay đổi được chồng cũng giống như em có thể sẽ chẳng thay đổi được thái độ của gia đình với sự khác biệt của anh ấy. Vậy chỉ cần xây dựng lên những cam kết, để khi gặp nhau, mỗi người vẫn lịch sự, tình cảm và tham gia vào cuộc sum họp bằng sự chân thành của riêng họ.

HẠNH DUNG

 

 

MỜI BẠN CHIA SẺ TÂM TƯ CÙNG CHỊ HẠNH DUNG

 

Việc ở nhà toàn thời gian mùa dịch khiến chúng ta va chạm với các thành viên gia đình nhiều hơn, đồng thời cũng có động lực hơn trong gắn kết tình cảm, hoá giải gút mắc các mối quan hệ...

 

Chị Hạnh Dung - người đã lắng nghe tâm tư bao thế hệ bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM đang sẵn sàng 24/7 để nghe những chia sẻ, băn khoăn và hỗ trợ bạn gỡ rối.

Mời bạn gõ câu hỏi trực tiếp trong cửa sổ Chát với Hạnh Dung bên cạnh các bài viết của chuyên mục Chát với Hạnh Dung trên trang phunuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

 

 

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI