Chồng quá thực dụng khiến tôi khó chịu

22/07/2025 - 08:00

PNO - Không thể chăm sóc một người nếu người đó luôn sống trong sự nghi ngờ, coi thường người khác và thiếu thấu hiểu. Sự hy sinh vượt quá sức chịu đựng sẽ phá vỡ mọi bình yên, an toàn, hạnh phúc.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em đang gặp một tình huống khó xử. Chồng em muốn đưa cô ruột của anh ấy - một phụ nữ lớn tuổi, không chồng con - về nhà để chăm sóc.

Cô của anh ấy khá giàu, có nhà cửa, tiền bạc nhưng tính tình cực kỳ khó chịu, hay xoi mói, cằn nhằn, lại dễ gây gổ. Trước đây, cô từng ở với 2 người cháu khác nhưng họ đều xích mích, cãi vã rồi dọn đi.

Em không có tình cảm gì đặc biệt với cô và thật lòng không muốn rước thêm một người khó tính như vậy vào nhà nhưng chồng em lại tha thiết thuyết phục. Anh nói: “Bây giờ chẳng ai chịu nuôi cô nữa, mình lo là hợp đạo lý. Mình cứ ráng vài năm, sau này nhà cửa, tiền bạc cô để lại cũng đáng”.

Nghe anh nói vậy, em càng khó chịu hơn vì em không đồng ý chuyện đưa người về chăm sóc chỉ để được "đền bù", cũng không thoải mái khi thấy chồng toan tính kiểu đó.

Một mặt, em cảm thấy nếu từ chối thì có vẻ như mình ích kỷ nhưng mặt khác, em biết rõ nếu sống chung, chắc chắn sẽ căng thẳng, mất hòa khí gia đình. Cô thì luôn nghĩ ai cũng chăm mình vì nhắm vào tài sản, nên sống với ai đều sinh nghi, sinh chuyện.

Em phải làm sao bây giờ? Chấp nhận để cô về sống cùng, ráng chịu đựng như chồng nói hay nên thẳng thắn bày tỏ và tìm cách khác để phụ giúp mà không phải đưa về nhà? Mong chị chỉ giúp em một hướng đi ổn thỏa.

Hoàng Thị Thu Nga

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Hạnh Dung cho rằng hầu như ai rơi vào tình huống tương tự em cũng đều phải suy nghĩ. Bởi vì chẳng ai muốn sống chung với người mà mình biết chắc rằng vì họ, cuộc sống cả gia đình mình sẽ bị đảo lộn.

Suy nghĩ cẩn trọng, cân nhắc trước sau và hỏi ý kiến của Hạnh Dung chứng tỏ em đang hết sức thận trọng bởi vì với em, sự bình an, hạnh phúc của gia đình là hết sức quan trọng, luôn được đặt cao hơn vật chất.

Hạnh Dung không nghĩ rằng chồng em lấy cái lợi đó làm đầu khi nghĩ tới việc đón cô về. Có thể anh ấy chỉ muốn tìm cách thuyết phục em mà thôi. Trong anh ấy chắc đầy ắp nỗi lo về một người thân già yếu không nơi nương tựa. Có lẽ chồng em nghĩ về việc ấy đơn giản hơn em.

Còn về người cô "tính tình khó chịu, hay xoi mói, cằn nhằn, lại dễ gây gổ", thật tình chỉ nghe đã thấy... sợ. Chưa kể bà luôn cho rằng người khác nuôi bà vì tiền. Tâm lý ấy rất khó thay đổi, nhất là ở người già. Việc bà từng ở với 2 người cháu và đều xích mích khiến ta nghĩ rằng điều này có thể sẽ lại lặp lại với em và gia đình em. Bởi không phải ai cũng đủ sức chịu đựng hay “ráng được” với một người khó chiều, đa nghi và có phần... ỷ lại vào tiền của.

Chồng em không lường được nguy cơ về một cuộc sống đầy mâu thuẫn, căng thẳng kéo dài và sự căng thẳng ấy có thể ảnh hưởng đến cả tình cảm vợ chồng cùng sự phát triển của con cái trong nhà. Em nên nói chuyện thẳng thắn, nhẹ nhàng, đầy thiện chí với chồng. Nói cho anh ấy biết em hiểu và chia sẻ sự lo lắng của anh nhưng cũng khẳng định rõ ràng rằng việc sống chung với cô không phải là giải pháp tốt.

Không thể chăm sóc một người nếu người đó luôn sống trong sự nghi ngờ, coi thường người khác và thiếu thấu hiểu. Sự hy sinh vượt quá sức chịu đựng sẽ phá vỡ mọi bình yên, an toàn, hạnh phúc.

Hãy bàn với chồng về một giải pháp khác, ví dụ thuê người chăm sóc cô tại nhà riêng của cô, chia sẻ chi phí hoặc luân phiên thăm nom cô, kiểm soát công việc của người giúp việc. Như vậy, chồng em vừa giữ được đạo lý vừa bảo vệ được sự ổn định cho gia đình nhỏ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI