Tiết kiệm cho tương lai con hay đầu tư trải nghiệm?

23/07/2025 - 18:00

PNO - Vợ chồng bạn đang mâu thuẫn về tài chính? Nên ưu tiên tiết kiệm hay chi tiêu cho những sở thích? Chị Hạnh Dung phân tích và cho lời khuyên hữu ích.

Chào chị Hạnh Dung,

Ông bà nói đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn, còn vợ chồng em trái ngược hoàn toàn. Chúng em kết hôn 7 năm, có 2 con, một 6 tuổi và một 4 tuổi. Vợ chồng em kinh tế bình thường, mỗi tháng tiết kiệm chưa tới 10 triệu đồng mà còn phải chi cho tết, sinh con hoặc những sự kiện phát sinh.

Chồng em muốn dùng tiền tiết kiệm cho gia đình đi chơi, đi du lịch nhiều nơi để con có nhiều trải nghiệm, vốn sống và là hành trang cho con vào đời. Chồng em cho rằng chúng em đã có nhà riêng, công việc ổn định và đã có bảo hiểm y tế thì chỉ cần tiết kiệm 100 triệu đồng để phòng rủi ro, còn lại dùng vào việc cho con cái đi chơi, tích lũy vốn sống. Em không đồng ý. Em muốn phải tích lũy thêm vài năm nữa, phải lo được cho con tiền vào đại học thì mới yên tâm đi chơi. Vợ chồng em tranh cãi suốt về vấn đề này.

Nay, chồng muốn cho gia đình đi du lịch Tây Bắc, Đông Bắc 10 ngày, còn em kiên quyết ở nhà, vừa tiết kiệm, vừa đỡ vất vả khi con còn nhỏ mà phải đi xa. Nhờ chị làm trọng tài phân xử giúp chúng em. Em cảm ơn chị!

Phạm Thùy Chi (phường Tân Sơn Nhì)

Ảnh minh họa: Pexels
Ảnh minh họa: Pexels

Em Thùy Chi thân mến,

Cảm ơn em đã tin tưởng Hạnh Dung. Thật ra, việc vợ chồng khác biệt trong suy nghĩ, quan điểm sống là điều khá phổ biến trong các gia đình.

Hạnh Dung từng tiếp xúc nhiều phụ nữ tiết kiệm như em và sau này cuộc sống khá ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn mà không phải bị áp lực về tiền bạc. Hạnh Dung cũng có nhiều người quen có quan điểm như chồng em và cả những người trưởng thành từ “sản phẩm” này. Có bạn thành đạt, có bạn không giàu có nhưng sống bình yên, vui vẻ. Các bạn cho rằng tuổi thơ đầy ký ức đẹp với gia đình qua những chuyến đi là hành trang quý giá, là động lực giúp họ luôn lạc quan vượt qua khó khăn, thử thách.

Chồng em tập trung cho việc đầu tư vào trải nghiệm và vốn sống cho con. Điều này không sai khi anh ấy tin rằng những chuyến đi, những hoạt động khám phá, gắn kết gia đình sẽ giúp con phát triển toàn diện, mở mang kiến thức và xây dựng những kỷ niệm quý giá. Việc có bảo hiểm y tế, nhà cửa và công việc ổn định cho phép anh ấy ưu tiên những trải nghiệm thay vì chỉ tập trung vào tiết kiệm. Hơn nữa, số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng dự phòng rủi ro cũng là một con số hợp lý cho những trường hợp khẩn cấp.

Còn em đề cao sự ổn định tài chính và tương lai học vấn của con thì chắc chắn không sai. Đây là một tư duy thận trọng, đảm bảo con có đủ điều kiện để theo đuổi những bậc học cao hơn, mở rộng cơ hội trong tương lai.

Thật ra, quan điểm của hai em đều có giá trị và bổ trợ cho nhau. Với trẻ nhỏ, ngoài dinh dưỡng còn cần cả kiến thức và trải nghiệm để phát triển toàn diện. Vấn đề ở đây không phải ai đúng ai sai mà là các em cần tìm ra giải pháp dung hòa, đáp ứng được điều cả hai mong muốn.

Thay vì tranh cãi, vợ chồng em nên ngồi lại và lập kế hoạch tài chính cho từng mục tiêu chi tiết. Các em hãy tính xem cần bao nhiêu tiền cho quỹ học tập; bao nhiêu để dự phòng rủi ro; bao nhiêu cho hoạt động vui chơi, du lịch... Theo đó, phần tiền dư sẽ chia nhỏ ra cho những mục tiêu này thành các khoản tiết kiệm hằng tháng.

Tùy theo số tiền tiết kiệm mà cân nhắc những chuyến đi, trải nghiệm phù hợp. Hai em đều chung mục tiêu đem đến những điều tốt nhất cho con, vì vậy sẽ dễ ngồi lại bàn bạc và thỏa thuận với nhau. Thay vì chỉ tập trung vào một chuyến đi lớn, gia đình em có thể đi chuyến ngắn ngày, điểm đến gần, chi phí thấp. Điều đó đáp ứng được nhu cầu của chồng em là cho con trải nghiệm, vốn sống cũng như mục tiêu tiết kiệm của em. Từ những chuyến đi ngắn ngày, các em có thể lên kế hoạch cho những chuyến đi dài hơn khi ngân sách trải nghiệm, đi chơi tăng lên và các con cũng lớn hơn.

Bên cạnh đó, các em có thể tìm những trải nghiệm chi phí thấp hoặc miễn phí như đưa con đi chơi công viên, bảo tàng hoặc tham gia những hoạt động cộng đồng. Đây cũng là những cách tuyệt vời để con học hỏi và khám phá. Điều quan trọng nhất là vợ chồng em cần trao đổi, lắng nghe, thấu hiểu lo lắng, mong muốn của bạn đời.

Việc vợ chồng tranh cãi là điều khó tránh khỏi trong hôn nhân, quan trọng là cách cùng nhau giải quyết vấn đề để đi đến giải pháp cả hai đều hài lòng và mang lại điều tốt đẹp nhất cho gia đình.

Chúc vợ chồng em hóa giải được “chuyện nhỏ”, có những ngày hè vui vẻ, ý nghĩa, ít tốn kém và các con nhận được nhiều trải nghiệm thú vị.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Nga Trân Cách đây 5 giờ

    Tôi là một người được cha mẹ nuôi theo kiểu tài sản cho con là những chuyến đi, vốn sống, ký ức với gia đình. Ba mẹ tôi chỉ nuôi học tới đại học chứ không cho tài sản. Tôi mang ơn những trải nghiệm, những ký ức đẹp đẽ này. Chúng đã vỗ về tôi, giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn, bị đời quăng quật. Những trải nghiệm, ký ức quý giá tuổi thơ như chiếc phao cứu tôi, như ngọn đuốc soi sáng đường tôi đi. Vì vậy tôi ủng hộ quan điểm của chồng chị.

  • Gia Bảo Cách đây 5 giờ

    Thời này không có tiền thì khỏi học, khỏi sống, làm gì thì cũng phải để tiết kiệm.

  • Hà Trang Cách đây 5 giờ

    Quan điểm của tôi là cho con đi chơi, chỉ cần tích luy được căn bản là cứ đi chơi. Con cái lớn nhanh, tuổi thơ qua mau, sau này có tiền cũng không có những ký ức đẹp thơ ấu nữa.

  • Tú Anh Cách đây 7 giờ

    Vẫn có thể bàn bạc để cùng thống nhất mà chị!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI