Em chồng khuấy đảo cuộc sống riêng tư của tôi

25/07/2025 - 08:00

PNO - Khi hiểu đây không phải là mâu thuẫn chị dâu - em chồng mà là vấn đề văn minh cơ bản khi sống chung, chồng em sẽ nhận ra vấn đề.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em đang rơi vào một tình huống vô cùng khó xử, mong được chị cho lời khuyên. Em lấy chồng được 3 năm, hiện sống ở thành phố. 2 năm gần đây, em gái chồng từ quê lên ở nhà em đi học.

Căn nhà này phần lớn tiền mua là do ba má chồng hỗ trợ, phần còn lại chồng em và em cùng góp vào. Vì vậy, bên nhà chồng luôn xem đây là “tài sản chung của cả gia đình” và mặc nhiên cho rằng con gái họ - tức em chồng - có quyền sống ở đây như chủ nhà.

Em chồng là sinh viên từ quê lên học nhưng sống cực kỳ bừa bộn, luộm thuộm, lại hay lén lút dẫn bạn trai về nhà khi em và chồng đi làm. Có lần em phát hiện vỏ bao cao su trong thùng rác phòng tắm, rồi đồ dùng cá nhân, quần áo, đồ trang điểm, nước hoa của em cũng thường xuyên bị đụng tới mà em không tiện nói ra. Đặc biệt, em còn nhận ra tủ của em hình như bị làm chìa khóa phụ, vì vẫn khóa nhưng đồ bên trong thì bị xáo trộn.

Em cảm thấy không an toàn, không riêng tư nhưng nếu lên tiếng thì dễ bị xem là chị dâu “ghen ăn tức ở”, “thấy em chồng được nuông chiều nên khó chịu”. Ba má chồng thì ở quê, thương và bênh con gái hết mực.

Khi em bóng gió nói nên để em ấy ra ngoài thuê trọ thì bị gạt ngay: “Con gái mà ở riêng dễ hư lắm, nhà tụi con cũng có phần của ba má thì con gái ba má ở là chuyện bình thường”.

Em không biết nên nói rõ sự thật với chồng và ba má chồng hay tiếp tục nhẫn nhịn để giữ hòa khí. Nhưng cứ như thế này, em thật sự rất mệt mỏi. Em phải làm sao cho đúng mà không mang tiếng là người chị dâu ích kỷ?

Hải Châu

Em Hải Châu thân mến,

Chẳng ai cảm thấy dễ chịu khi sống chung với người bừa bộn, luộm thuộm lại không biết tôn trọng đời sống riêng tư của người khác, làm những chuyện khó chấp nhận. Cho nên cảm xúc bực bội, khó chịu của em là hoàn toàn bình thường, thậm chí là... phi thường khi em còn nghĩ tới chuyện ráng nhẫn nhịn để giữ hòa khí trong gia đình.

Tuy nhiên, việc nhẫn nhịn chịu đựng đó có rất nhiều "tác hại" mà em cần nhận ra để xử lý vấn đề một cách cương quyết, mạnh mẽ. Điều đó không chỉ tốt cho em, cho không gian sống của em mà còn cho cả em chồng.

Dù sống ở đâu, bất cứ ai cũng nên xây dựng nếp sống ngăn nắp, gọn gàng. Nói ra sự thật với tinh thần góp ý, yêu cầu em chỉnh sửa, thay đổi cũng là nghĩa vụ của người chị, người anh với em mình.

Việc em gái đưa bạn trai về nhà là một mối nguy lớn với chính cô ấy khi cô ấy không biết giữ gìn, bảo vệ an toàn cho bản thân. Nếu biết em chồng có thể gặp chuyện xấu mà không nói ra, không cảnh báo cho cô ấy và gia đình thì khi có chuyện không hay, chính em cũng có lỗi.

Em cần lên tiếng chứ không nên nhẫn nhịn ôm cục tức vào lòng. Đó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của em. Chỉ có điều nói thế nào, với ai, vào thời điểm nào là những yếu tố cần cân nhắc.

Người em cần trò chuyện trước hết là chồng em. Chia sẻ với chồng những khó chịu, mệt mỏi của em là một phần, quan trọng hơn là những băn khoăn lo lắng của em trước lối sống của cô ấy.

Hãy nói chuyện bằng thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng; không chê bai, trách móc, khăng khăng thể hiện mong muốn đẩy cô ấy ra ngoài sống riêng hay nhắc đến những quyền lợi về nhà cửa. Chỉ nói về những cảm xúc nặng nề, cảm giác thiếu an toàn và không được tôn trọng trong nhà mình, đồng thời đề nghị chồng tự quan sát mọi việc, kiểm chứng lời em nói.

Sau bước để chồng tự xem xét mọi việc, em thử bàn bạc với chồng xem em hay anh ấy có thể trò chuyện với em gái về những điều cô ấy cần thay đổi, đưa ra những quy tắc chung sống rõ ràng (không dẫn người lạ về, không dùng đồ cá nhân người khác, giữ gìn vệ sinh chung...)

Khi hiểu đây không phải là mâu thuẫn chị dâu - em chồng mà là vấn đề văn minh cơ bản khi sống chung, chồng em sẽ nhận ra vấn đề, từ đó có thể nhìn ra cách để giúp em gái thay đổi. Tránh khiến cô ấy cảm thấy bị tổn thương, coi thường mà chấp nhận lắng nghe, hiểu và từ từ thay đổi.

Nếu những gì vợ chồng em làm không tác động được tới em gái thì vợ chồng em nên trò chuyện với ba mẹ chồng. Hãy giữ cách trò chuyện nhẹ nhàng, khéo léo cho ba mẹ chồng hiểu rằng đây không phải là chuyện nhà của ai, ai có quyền sống trong nhà này, mà là chuyện sống và tôn trọng nhau, tôn trọng cuộc sống chung, hơn tất cả là để em chồng thay đổi cách sống vì điều đó tốt cho cô ấy.

Để thay đổi cá tính hay lối sống của một người là hết sức khó khăn, cần nhiều tình thương, sự kiên nhẫn và mạnh mẽ. Hãy khẳng định điều đó với gia đình chồng để họ hiểu và ủng hộ em, sẵn sàng giao con gái cho em chăm sóc và nhắc nhở.

Tất cả những điều này là không dễ. Em cũng tự nhận ra một phần của vấn đề là ngôi nhà có sự đóng góp rất lớn của cha mẹ chồng nên thật khó cho em quyết định mọi việc 100% nếu chồng và cha mẹ không tán thành.

Vì vậy, em hãy bắt đầu bằng sự thay đổi chính mình. Việc ai phải đi khỏi nhà để không phải sống chung với nhau sẽ là một bước rất nặng nề và khó thực hiện mà không làm sứt mẻ tình thân.

Hạnh Dung tin rằng nếu em bày tỏ mọi việc với sự chân thành, đưa ra những lời góp ý tử tế, chồng và gia đình chồng sẽ hiểu rằng em đang bàn bạc với tư cách một người vợ, người chị dâu nhẫn nhịn, yêu thương và biết điều. Từ đó, mọi người sẽ có thái độ hợp tác tốt để cùng giải quyết vấn đề của gia đình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI