Memento (Kẻ mất trí nhớ) - nơi khởi đầu cho thiên tài Christopher Nolan

13/03/2024 - 07:57

PNO - Quay ngược về 24 năm trước để tìm hiểu Memento (2000) - bộ phim được xem như cột mốc đánh dấu tài năng của Christopher Nolan.

Memento (tạm dịch: Kẻ mất trí nhớ), bộ phim từng bị nhiều nhà phát hành chê bai vì “quá phức tạp”, giờ được xem như cột mốc thể hiện tài năng của đạo diễn Nolan.

Lúc này, làng phim đều đang hướng đến sự kiện điện ảnh được chờ đợi nhất năm - lễ trao giải Oscar lần thứ 96, dự kiến diễn ra ngày 11/3 (giờ Việt Nam).

Năm nay, buổi lễ của Viện Hàn lâm còn được trông đợi bởi có thể sẽ đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn kỳ cựu Christopher Nolan giành tượng vàng. Ông đang là ứng viên nặng ký ở hạng mục Đạo diễn, ngoài ra còn được đề cử ở giải Kịch bản chuyển thể và Phim xuất sắc (trên cương vị nhà sản xuất).

Bộ phim kết hợp giữa các hình ảnh trắng đen và có màu
Bộ phim kết hợp giữa các hình ảnh trắng đen và có màu

Đã từ lâu, Christopher Nolan là cái tên ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều người hâm mộ. Làn sóng ủng hộ nhà làm phim giành Oscar cũng nồng nhiệt như với Leonardo DiCaprio trước đây.

Trong hơn 25 năm qua, Nolan gây tiếng vang nhờ những bộ phim mang cả chất lượng nghệ thuật và sức hút thị trường. Bản thân ông trở thành một cái tên bảo chứng cho doanh thu phòng vé, với loạt tác phẩm được dán nhãn “trí tuệ” và đôi khi thách thức người xem.

Mỗi lần Nolan ra phim mới lại là sự kiện được giới điện ảnh đặc biệt chú ý, bởi ai cũng hồi hộp đón xem ông sẽ sáng tạo điều gì mới.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ quay ngược về 24 năm trước để tìm hiểu Memento (2000) - bộ phim được xem như cột mốc đánh dấu tài năng của Nolan.

Dù theo ngành văn học ở London (Anh), ông lại sớm hứng thú và theo đuổi điện ảnh. Nhà làm phim sinh năm 1970 thực hiện một số phim ngắn, trước khi làm phim đầu tay Following (tựa tiếng Việt: Theo dấu). Nhưng phải tới Memento, Nolan mới gây tiếng vang khi được đề cử Oscar Kịch bản chuyển thể. 

Đạo diễn Christopher Nolan (trái) trên phim trường
Đạo diễn Christopher Nolan (trái) trên phim trường

Hành trình chật vật của Memento

Tác phẩm này được dựng thành phim dựa trên truyện ngắn Memento Mori của em trai ông là Jonathan Nolan. Ở các liên hoan phim, bộ phim nhận được nhiều bình luận truyền miệng tích cực.

Memento được công chiếu lần đầu tại liên hoan phim Venice (Ý) năm 2000, nơi nó nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt. Tác phẩm tiếp tục chu du nhiều liên hoan phim trước khi được phát hành tại hơn 20 quốc gia ngoài nước Mỹ. 

Tuy nhiên, hành trình của phim ở nước Mỹ lại gian nan hơn nhiều. Nhiều công ty phát hành lớn, bao gồm cả hãng Mirmax của ông trùm Harvey Weinstein, cho rằng phim quá rối rắm và không thể bán vé.

Khi đạo diễn tên tuổi Steven Soderbergh xem qua Memento, ông nhận ra tiềm năng lớn của tác phẩm và tự thân vận động cho nó. Sau đó, hãng phim nhỏ Newmarket liều lĩnh nhận phát hành bộ phim.

Cuối cùng, tác phẩm đã thu về 40 triệu USD trên kinh phí chỉ 5 triệu USD, định hình Nolan như một tài năng có thể “đi 2 hàng” - vừa nổi bật ở các liên hoan phim, vừa thu lợi lớn cho nhà đầu tư.

Những năm sau đó, khi danh tiếng Nolan ngày càng tăng với những Batman Begins (tựa tiếng Việt: Huyền thoại người dơi), The Dark Knight (tựa tiếng Việt: Kỵ sĩ bóng đêm)…, độ nổi tiếng của Memento cũng tăng theo. Các Nolanite (cụm từ chỉ người hâm mộ Christopher Nolan) đều giới thiệu cho nhau về Memento như một tác phẩm phải xem của vị đạo diễn này.

Một trong những sơ đồ giải thích bộ phim
Một trong những sơ đồ giải thích bộ phim

Khi cấu trúc phim định nghĩa chính bộ phim

Có gì ở Memento khiến nó trở nên nổi tiếng đến vậy? Đầu tiên, bộ phim có một tiền đề rất thú vị khi xoay quanh nhân vật chính Leonard Shelby (Guy Pearce) vốn mắc chứng mất trí nhớ thuận chiều (anterograde).

Anh đã giết một kẻ sát hại và cưỡng hiếp vợ mình nhưng hung thủ thứ hai đã bỏ trốn. Dù cảnh sát không tin việc có đến 2 hung thủ, Leonard quyết truy lùng hắn.

Do tình trạng của mình, anh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới trong hơn một vài phút. Leonardo phải dựa vào hệ thống các bức ảnh, ghi chú và hình xăm để gìn giữ các thông tin anh thu thập được.

Khi câu chuyện lần mở, người xem nhận ra nhận thức của Leonard về các sự kiện có thể không hoàn toàn chính xác. Hành trình báo thù của Leonard ngày càng phức tạp hơn anh nghĩ ban đầu, trong lúc hành động của anh bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Điểm thú vị nhất của Memento không phải là nội dung câu chuyện mà là cách nó được kể. Tác phẩm được kể xen kẽ theo lối phi tuyến tính, với những trường đoạn phim trắng đen đi từ quá khứ đến hiện tại, còn các trường đoạn phim có màu lại từ hiện tại về quá khứ.

Có một đoạn chuyển mượt mà giữa 2 phần màu và trắng đen. Đạo diễn lại sắp xếp để cứ sau mỗi trường đoạn trắng đen lại là một trường đoạn phim màu.

Có lẽ Memento là một trong những tác phẩm đòi hỏi người xem phải tập trung nhất từ trước đến nay. Rõ ràng có lý do để những ông chủ hãng phim - vốn đã quen với các bom tấn dễ hiểu thời đó - cảm thấy khó hiểu với lối kể của tác phẩm.

Phải đến sau khi phim ra mắt, chính cộng đồng người hâm mộ đã nhận ra thiên tài của Christopher Nolan bằng cách tái cấu trúc bộ phim.

Trên các diễn đàn phim ảnh, vẫn còn rất nhiều bài viết tái sắp xếp các trường đoạn để người xem có thể hiểu rõ về câu chuyện, thậm chí có những sơ đồ phức tạp để minh họa cho cấu trúc phim.

Thủ thuật cắt tác phẩm thành nhiều trường đoạn, sau đó sắp xếp lại theo một thứ tự kỳ lạ không hề là chiêu trò câu khách của Nolan. Trái lại, đạo diễn đã kỳ công tính toán để cả khi khán giả xem phim với trình tự độc đáo này hoặc sắp xếp lại các trường đoạn theo thứ tự thời gian thì vẫn trải qua những cung bậc cảm xúc như một bộ phim giật gân kinh điển.

Lối kể tua ngược thời gian cũng phù hợp với nhân vật chính là một kẻ luôn hồi tưởng về người vợ thương yêu, phải ghi nhớ mọi thứ bằng những ghi chú và hình xăm trên cơ thể.

Cấu trúc phim dường như cũng phản ánh chính đầu óc của nhân vật Leonard - luôn vật vã với những mảnh ghép ký ức của bản thân, tự hỏi không biết mình có lầm đường lạc lối trên hành trình báo thù.

Nhân vật chính của phim gặp bất ổn về trí nhớ
Nhân vật chính của phim gặp bất ổn về trí nhớ

Cũng trong bộ phim này, Christopher Nolan thể hiện mình là bậc thầy tâm lý biết cách thao túng cảm nhận của người xem. Nhiều câu thoại đưa khán giả lần lượt qua các bất ngờ và cú ngoắt - một đặc sản sau này trong các phim của ông.

Những người tưởng tốt hóa ra xấu và ngược lại phản ánh sự đa diện của thứ mê cung gọi là cuộc đời. Cao trào của phim tiết lộ một bước ngoặt gây sốc về động cơ của Leonard và sự thật đằng sau mọi chuyện, khiến người xem đặt câu hỏi về độ tin cậy của trí nhớ cũng như đạo đức.

Tác phẩm gây tiếng vang lớn còn nhờ vào màn thể hiện xuất sắc của Guy Pearce trong vai người mắc bệnh mất trí nhớ. Ngay từ vẻ ngoài, tài tử người Úc đã thuyết phục được khán giả về sự bất ổn tâm lý của nhân vật.

Khi câu chuyện diễn tiến, ngày càng nhiều lớp của Leonard được bóc tách trên màn ảnh. Nhiều chuyên gia y khoa cũng nhận định Memento là bộ phim mô tả chính xác nhất chứng mất trí nhớ ngắn hạn, với các hành vi gần như giống bệnh nhân ngoài đời thật. Điều này có được nhờ việc Nolan đã nghiên cứu nhiều tài liệu y khoa trước khi bấm máy.

Sự dụng công tìm tòi, phương pháp tiếp cận theo khoa học đã trở thành một thói quen của vị đạo diễn này, khiến về sau ông được tán dương với những bộ phim với đề tài khó nhằn như Inception (tựa tiếng Việt: Kẻ đánh cắp giấc mơ), Interstellar (tựa tiếng Việt: Hố đen tử thần) và Tenet.

Cách chơi đùa với cấu trúc của Nolan trong Memento cũng đánh dấu thiên tài của ông trong việc kể những câu chuyện bình thường theo cách hấp dẫn.

Ví dụ gần nhất chính là Oppenheimer, tác phẩm đang tràn trề hy vọng ở Oscar sắp tới. Bộ phim tiểu sử về một nhà khoa học tưởng chừng sẽ rất khô khan nhưng dưới tay Nolan bỗng trở nên cực kỳ hấp dẫn với những ẩn ý, cách kể lôi cuốn và chứa cả dự báo cho tương lai của thế giới.

Trước thềm lễ trao giải Oscar, thưởng thức lại Memento có thể là một sự lựa chọn không tồi cho những Nolanite muốn chứng kiến lại tài năng của Nolan trên màn ảnh. 

Ân Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI