Mẹ đơn thân là phải dữ dằn?

29/05/2022 - 15:17

PNO - Hình ảnh mẹ đơn thân như gà mái mẹ, xù lông, dang cánh quyết liệt bảo vệ con, dù đôi khi chỉ là một bóng chim sẻ bay qua.

 

Vụ bạo lực học đường ở ngôi trường quốc tế tại TPHCM, liên quan đến con gái của ca sĩ T.H.T. đang làm cộng đồng mạng xôn xao. Chị T. tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng để đòi công bằng cho con. Chị cho biết: “Tôi là phụ nữ đơn thân nuôi con nên đừng có mong là tôi hiền”.

Không hiểu sao các bà mẹ đơn thân nuôi con hay mặc định phải dữ lên, vừa làm cha vừa làm mẹ để con cái không hụt hẫng. Chính vì phải đóng hai vai, quyết liệt trong tính cách, các chị gồng lên rất nhiều.

Chị T. H. T. làm việc với đại diện nhà trường (Ảnh FBNV)
Chị T.H.T. làm việc với đại diện nhà trường (Ảnh từ tài khoản Facebook T.H.T.)

Đồng nghiệp của tôi sau ly hôn trở thành một người khác hẳn. Việc chồng bỏ rơi chạy theo người phụ nữ khác khiến chị tự ti. Chị hay nói với tôi: “Cũng tại chị hiền quá mới bị người ta giật chồng”.

Tôi giải thích, hôn nhân tan vỡ gồm nhiều lý do, không liên quan tới hiền hay dữ. Nhưng chị vẫn không chịu hiểu nên cứ mãi đổ lỗi cho bản thân.

Sau ly hôn chị, muốn mình mạnh mẽ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài cứng rắn, chị vẫn là một phụ nữ yếu đuối, như trước giờ. Tới nhà chị chơi, tôi thấy đôi giày đàn ông size lớn nằm bên thềm nhà. Đáp lại cái nhìn tò mò của tôi, chị nói chỉ nghi binh thôi, để người ta tưởng nhà này có đàn ông, lại là đàn ông to con để người ta sợ, không dám ăn hiếp chị.

Vậy mà vẫn có người ăn hiếp chị. Chỉ vào lùm cây sử quân tử của hàng xóm lấn cả góc sân nhà, chị nói đã ấm ức rất lâu, muốn "làm một trận" mà chưa dám. Chị năn nỉ tôi đi cùng chị sang hàng xóm để nói phải trái.

Trước lý lẽ sắc bén của chị, anh hàng xóm gãi đầu phân bua: “Tôi tưởng để choàng sang như vậy cho đẹp nhà chị chứ. Tại chị nghiêm lạnh quá nên tôi chưa trao đổi”.

Chị ngạc nhiên, vì sự việc được giải quyết rất nhẹ nhàng. Tôi thì cho rằng, là tại chị nghĩ nhiều thôi. Chị cứ là chị thôi, là một phụ nữ dịu dàng, luôn nghĩ về mặc tốt thì cuộc sống đâu có gì phải căng cứng, muộn phiền.

Đứa trẻ nào cũng ngán một bà mẹ hung tợn, cứng nhắc (Ảnh minh họa)
Trẻ nào thường từ ngán ngẩm tới chống đối một bà mẹ hung tợn, cứng nhắc (Ảnh minh họa)

Chị Hai tôi từ ngày ly hôn cũng thay đổi. Ngoài giờ làm, chị kinh doanh quần áo thời trang qua mạng. Chị quyết tâm phải cho chồng cũ thấy không có anh, chị vẫn nuôi con rất tốt, sống rất tốt.

Kinh tế nhà chị khá dần nhưng các con dần xa chị. Bận bù đầu nên chị hay cáu gắt với con. Chị luôn yêu cầu rất cao với các con để người ta không nói “con không cha như nhà không nóc”.

Bữa nọ, bé Hoa - con gái lớn của chị - gọi cho tôi. Hoa kể: "Thầy giao chuyên đề cho lớp con. Các bạn chọn nhà con để cùng làm nhưng con không dám nói với mẹ".

"Mẹ dữ lắm dì ơi”, câu than của cháu khiến tôi xót lòng. Tôi trao đổi với chị Hai. Chị vừa nghe đã giãy nảy: “Thôi thôi, lũ giặc con đó tới rồi quậy nát cái nhà, không ai hầu hạ bánh trái, dọn dẹp nổi”. Bé Hoa nước mắt ngắn dài, giận mẹ bỏ vô phòng nằm.

Rồi bữa vừa thi cuối kỳ xong thì Hoa bỏ nhà đi. Chị mếu máo gọi cho tôi, không ngớt than trời trách đất. Chị chịu cực chịu khổ gấp năm gấp mười là để tụi nhỏ được sung sướng. Tụi nó có mỗi chuyện học và chơi cũng làm khó chị…

May mà tôi liên lạc được với bé Hoa và đưa cháu về nhà. Trước cơn mưa nước mắt hối lỗi của mẹ, cháu ngắn gọn: “Con muốn mẹ là chính mẹ thôi, đừng hung dữ, đừng xa lạ với chị em con”.

Tôi liên tưởng hình ảnh các bà mẹ đơn thân như gà mái mẹ, luôn xù lông, dang cánh quyết liệt để bảo vệ con. Dù đôi khi chỉ là chú chim sẻ bay qua…

Những bà mẹ đơn thân làm gì đi nữa thì mục đích cuối cùng vẫn là để con cái được đủ đầy, được yên ổn lớn lên. Nhưng trong quá trình đó, các mẹ đã phải gồng lên quá mức, biến mình thành người khác: quyết đoán, mạnh mẽ, thậm chí dữ dằn… Điều đó đôi khi lại tác dụng ngược. Bởi con cái rời xa cha đã rất bất an, nhìn mẹ thay đổi, với con là sự chịu đựng khủng khiếp, là cú sốc thứ hai không đáng có.

Điều con cái cần là nhìn thấy mẹ sống vui vẻ, gượng dậy sau ly hôn. Một bà mẹ vui vẻ sẽ tỏa ra năng lượng tích cực, cho con sự bình an.

Đóng vai người phụ nữ dữ dằn, quyết liệt hẳn các chị rất mệt mỏi, đáng thương, con cái cũng vậy. Mẹ đơn thân à, cứ bình thường như vốn có, bởi mình được là chính mình mới là điều con cái cần. Và đó mới là cuộc sống hạnh phúc.

                                                                                                                                                                                                                                                          Yến Phượng

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Diễm Lê 29-05-2022 18:37:07

    Câu nói được trích dẫn của chị T. “Tôi là phụ nữ đơn thân nuôi con nên đừng có mong là tôi hiền”, nếu bỏ đi ngữ cảnh mà nó xảy ra, tôi cho là chúng ta hoàn toàn có thể hiểu theo một nghĩa tích cực hơn cách diễn giải của tác giả bài viết. Không "hiền", chưa chắc đã là "dữ". Bản thân tôi cũng là mẹ đơn thân có con gái đang học THCS. Tôi luôn dạy con gái mình phải biết tự bảo vệ bản thân trước tiên, phải biết tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết khi gặp khó khăn, và phải biết tham gia bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với điều sai quấy. Trách nhiệm của tôi là giữ gìn và bảo vệ cho con tôi yên tâm theo đuổi những điều đúng đắn.
    Vụ việc các học sinh đánh nhau chưa có kết luận cuối cùng - đôi khi không hẳn đã là kết luận thỏa đáng nhất, nên chưa thể khẳng định sự quyết liệt của chị T. là đúng hay sai, nhưng chị đã làm điều mà chị cho là cần thiết. Chúng ta khi xem xét một trường hợp cụ thể cần cái nhìn toàn diện, đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để đánh giá những tác động xung quanh ảnh hưởng thế nào tới tâm lý, dẫn đến sự phản ứng của người đó (thái độ, hành động, ngôn từ). Không nên vội áp đặt góc nhìn hẹp để rồi quy kết chung về sự "hiền" hay "dữ" của những người mẹ đơn thân chỉ thông qua một vài trường hợp cá biệt.
    Mẹ đơn thân hay cha đơn thân đều phải chịu áp lực về việc cố gắng bù đắp sự thiếu hụt một bên trong tiến trình nuôi dạy con cái. Kiểm soát áp lực đó như thế nào, điều chỉnh bản thân thế nào, không phải chỉ một vài lời khuyên về lý thuyết có thể giúp họ được. Chúng là kết quả của nền tảng giáo dục gia đình, tính cách cá nhân, nhận thức xã hội và điều kiện sống cụ thể của họ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI